Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển quan trọng trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NQ36) vừa diễn ra thành công, ngày 20/5/2014. Sau Hội nghị, Tạp chí Quê Hương đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Nguyễn Thanh Sơn về kết quả triển khai NQ36 sau 10 năm thực hiện.


 
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cùng các đại biểu kiều bào bên cột mốc biên giới 1116 thuộc tỉnh Lạng Sơn, tháng 4/2011

PV: Xin Thứ trưởng cho biết kết quả - đặc biệt là những thành tựu nổi bật - sau 10 năm chúng ta thực hiện NQ36?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trước hết phải nói là NQ36 của Bộ Chính trị ra đời cho thấy sự quan tâm đặc biệt cũng như tư duy đổi mới của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với công tác về NVNONN. Nghị quyết đã xác định đúng về tiềm năng cũng như khả năng, vị thế của NVNONN và kịp thời đưa ra định hướng đúng đắn cho công tác về NVNONN.

Nghị quyết khẳng định: NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; nhận định công tác đối với NVNONN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Nghị quyết đã tạo ra nền tảng để công tác về NVNONN có được thành tựu to lớn trong những năm qua.
Công tác vận động kiều bào được triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, gắn với các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước.

Công tác tổ chức hội đoàn, nhất là các hội người Việt Nam truyền thống ở Pháp, Lào, Campuchia, Thái Lan… được đẩy mạnh, đồng thời hỗ trợ, khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức tổ chức hội đoàn với phương châm nơi nào có kiều bào, nơi đó có tổ chức. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với các thành phần khác nhau, kể cả những người còn định kiến, mặc cảm trong cộng đồng NVNONN, đồng thời quan tâm giải quyết một số vấn đề do lịch sử để lại như dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương); giúp kiều bào tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân chết trong thời gian học tập cải tạo…

Trong công tác đảm bảo an ninh, chính trị, các cơ quan liên quan đã có sự phối hợp, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động của các nhóm phản động cực đoan tìm cách xâm nhập về nước phá hoại; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc để chia rẽ cộng đồng và chống lại đất nước.

Trong những năm qua, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã ban hành nhiều chính sách và biện pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện rất lớn cho kiều bào khi đầu tư về nước đã mang lại chuyển biến rõ nét. Công tác phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của kiều bào được tiến hành thường xuyên thông qua các hoạt động: hỗ trợ các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc, tổ chức các hội thảo chuyên ngành tại Việt Nam, tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu giữa doanh nhân trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác giao thương và xuất khẩu.

Công tác thông tin báo chí phục vụ cộng đồng được đẩy mạnh. Bên cạnh việc tăng cường thông tin từ trong nước, các cơ quan liên quan đã phối hợp tạo đột phá, tranh thủ có hiệu quả các cơ quan truyền thông kiều bào đưa tin trung thực, khách quan.

Công tác hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, dạy và học tiếng Việt được chú trọng thông qua đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung hoạt động dạy và học tiếng Việt, tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng; đáp ứng kịp thời nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của kiều bào.

Bộ máy làm công tác đối với NVNONN được kiện toàn một bước. Nhiều tỉnh, thành đã lập bộ phận giúp lãnh đạo hoặc cử cán bộ chuyên trách công tác về NVNONN. Hầu hết các cơ quan đại diện có bộ phận công tác cộng đồng hoặc cử cán bộ chuyên trách.

PV: Qua 10 năm triển khai NQ36, chúng ta rút ra được bài học gì quan trọng đối với công tác về NVNONN, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Bài học quan trọng nhất có thể rút ra được từ 10 năm triển khai thực hiện NQ36 là bài học về đổi mới tư duy và chuyển biến nhận thức trong lĩnh vực này, đặc biệt ở tất cả những cơ quan, đoàn thể và cá nhân trực tiếp cũng như gián tiếp làm công tác về NVNONN. NQ36 chỉ có thể phát huy được tác dụng to lớn và đưa lại hiệu quả thiết thực khi được triển khai thực hiện cụ thể với cùng mức độ về đổi mới tư duy và chuyển biến nhận thức thể hiện trong nghị quyết.

Bài học quan trọng tiếp theo là bài học về quán triệt sâu sắc hai tư tưởng lớn của Nghị quyết là thật sự đại đoàn kết dân tộc và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội. Công tác về NVNONN được gắn kết với tất cả những lĩnh vực công tác khác trong sự phối hợp và với sự tham gia của tất cả các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi chính phủ, cá nhân ở trong cũng như ngoài nước, các tổ chức và hiệp hội của NVNONN.

Bài học quan trọng thứ ba là tạo bước đột phá trong những vấn đề được cộng đồng NVNONN quan tâm sâu sắc nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và khích lệ NVNONN gắn bó hơn nữa với đất nước, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua, Thứ trưởng có thể cho biết các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của NQ36?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trước yêu cầu của tình hình mới và mục tiêu đề ra, phát huy những kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện NQ36, công tác đối với NVNONN trong thời gian tới cần được tiếp tục triển khai toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa.

Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc với quyết tâm mạnh mẽ cùng những biện pháp thực chất. Tiếp tục giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kiều bào tìm kiếm, cải táng hài cốt người thân là binh lính chế độ cũ chết trận, những người từng phục vụ chế độ cũ chết trong thời gian học tập cải tạo, tạo điều kiện thăm viếng, tu sửa các ngôi mộ trong Nghĩa trang Bình An.

Tiếp tục mở rộng tiếp xúc với mọi thành phần kiều bào, kể cả những người còn giữ quan điểm khác biệt. Tiếp tục vận động kiều bào hướng về quê hương, đất nước thông qua những hoạt động như tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình dành cho kiều bào, đặc biệt phát huy tác động tích cực của các đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa.

Thời gian tới cũng cần hoàn thiện hệ thống quan điểm chỉ đạo, chính sách, pháp luật về NVNONN; kiến nghị Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện NQ36, quán triệt sâu rộng hơn nữa về mặt nhận thức cũng như những phương châm hành động của toàn hệ thống chính trị và thể hiện rõ hơn nội dung đại đoàn kết dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, nguồn lực của kiều bào đóng góp cho đất nước là rất quan trọng. Để phát huy được tiềm năng, tri thức rất lớn của kiều bào, cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt phải xây dựng được một “cơ chế đặc biệt” mang tính đột phá trong lĩnh vực này: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm xây dựng cơ chế đồng bộ về thu hút trí thức Việt kiều với đầu mối thống nhất; Nghiên cứu nhân rộng một số mô hình thành công bước đầu trong việc tập hợp, thu hút trí thức kiều bào trong thời gian qua; Xây dựng cơ chế, mạng lưới tập hợp, giải quyết các ý kiến đóng góp của chuyên gia, trí thức kiều bào.

Nhằm phát huy hiệu quả vai trò của doanh nhân Việt kiều, chúng ta cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng và thuận lợi hơn cho các dự án đầu tư của kiều bào; Phát huy sức mạnh của lực lượng và mạng lưới doanh nhân người Việt, xây dựng và củng cố các tổ chức, hội doanh nhân VNONN làm đầu tàu kết nối kinh tế Việt Nam với các nước, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ về nước; thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài…

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng.

Phương Thuận

 

 

 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm