Kết hợp tâm - trí - dũng của kiều bào đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
LTS: Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vabis, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Sau nhiều năm lập nghiệp, kinh doanh thành công ở Australia, ông đã trở về để thực hiện mong muốn được đóng góp xây dựng quê hương. Ông cũng là người đầu tiên đưa môn thể thao đua chó giải trí du nhập vào Việt Nam. Tạp chí Quê Hương có cuộc trao đổi với ông về quá trình trở về đầu tư và việc thúc đẩy thu hút nguồn lực NVNONN, đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.
PV: Thưa ông Nguyễn Ngọc Mỹ, sau nhiều năm kinh doanh thành công ở nước ngoài, năm 1992, ông đã quyết định về nước đầu tư. Ông có thể cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn trong hành trình 28 năm trở về đầu tư, đóng góp cho quê hương?
- Tôi về nước từ năm 1992 nhưng thật ra quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và chuẩn bị đã bắt đầu từ năm 1986, đó chính là thuận lợi của tôi. Và vì thế mặc dù gặp vô số khó khăn nhưng tôi lại không cho đó là khó khăn. Tôi chỉ xem đó là một phần tất yếu của sự thay đổi môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật, cơ chế cấp phép và quản lý…, là những việc sẽ phải xảy ra và phải giải quyết. Những cái gọi là khó khăn đó đâu phải chỉ những nhà đầu tư như chúng tôi mới gặp phải, mà ngay cả chính quyền và người dân cũng đều gặp phải như nhau, và vì thế chúng ta nên cùng nhau tháo gỡ để phát triển. Do đó trong công ty tôi có thành lập một nhóm chuyên gia xử lý những khó khăn mà trong quá trình đầu tư kinh doanh ắt nó phải có.
Có thể lấy ví dụ như thế này cho dễ hình dung: khi chúng ta muốncải tạo, cơi nới hay lên tầng căn nhà mà mình đang ở, và trong suốt thời gian sửa chữa chúng ta vẫn cư trú trong căn nhà đó, chỉ có di dời từ phòng này sang phòng khác để lấy chỗ cho việc thi công từng phần, từng khu vực. Như vậy, trong quá trình nâng cấp chắc chắn sẽ có bụi và tiếng ồn, và người đang ở trong ngôi nhà đang được thi công như thế không thể than phiền về bụi và tiếng ồn được, chúng ta phải chấp nhận nó để có được ngôi nhà khang trang và hiện đại hơn.
PV: Lựa chọn đầu tư ở lĩnh vực vui chơi giải trí có thưởng còn mới mẻ ở Việt Nam, mà cụ thểlà đua chó, chắc hẳn ông gặp không ít khó khăn. Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Thật ra chuyên ngành của tôi là xây dựng, năm 1993 tôi thành lập công ty xây dựng vốn 100% nước ngoài đầu tiên tại Việt Namvới tên gọi là: Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Xây dựngViệt - Úc(Tên tiếng Anh: Vietnam Australia Building Industry Service Company), gọi tắt là VABIS. Dù Vabis làm về xây dựng, nhưng chỉ tập trungvào công đoạn hoàn thiện công trình. Đó là xây lắp hệ thống điệnnước, sơn phết, trang trí nội thất… Nói cách khác, chúng tôi khônglàm ra “xác” công trình, mà là tạo ra “máu huyết” cho nó hoạt động; có thể kể một số công trình tiêu biểu như: Tòa nhà Landmark, lãnh sự quán Mỹ, Lãnh sự quán Australia, Lãnh sự quán Anh, Cao ốc văn phòng Metropolitan, Sai Gon Center, Trường đua Phú Thọ, Tràng Tiền Plaza, Khách sạn Sheraton, Đại sứ quán Anh, Kho lưu trữ Trung ương Đảng,…
Trong con người tôi có 2 bản ngã, ngoài việc tận tụy với công việc và tôn chỉ mục đích của mình, thì tôi rất thích vui chơi giải trí. Hồi còn ở bên Úc, tôi thường giải trí bằng cách tham gia đua chó và đua ngựa, thế nên ở Việt Nam, sau giờ làm việc, tôi nhớ đến đua chó và có suy nghĩ rằng cần phải giới thiệu môn giải trí này để góp phần phục vụ khách du lịch, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, và tạo thêm sân chơi hấp dẫn đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng nâng cao của người dân.
Quá trình xin phép phải đến 3 năm. Sau khi tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo các cấp đi tham quan thực tế chứng kiến hoạt động đua chó, công tác tổ chức cũng như cách thức vận hành hệ thống dự thưởng, cuối cùng tôi cũng có giấy phép vào năm 1998. Trường đua chó Greyhound theo tiêu chuẩn Australia đầu tiên tại Đông Nam Á chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2000.
Vì tôi vốn là một nhà xây dựng, mà khi xây dựng bất cứ cái gì, từ xây dựng ngôi nhà cho đến xây dựng cộng đồng, hay xây dựng các dịch vụ vui chơi giải trí…, thì chúng đều có những nguyên tắc chiến lược chung và riêng. Tôi nhận thấy đã có rất nhiều người đóng góp cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, nhưng không mấy ai quan tâm đến việc đóng góp một khung sườn cho vấn đề vui chơi giải trí. Cho nên với sự khích lệ của một số nhà làm chính sách cấp cao, tôi muốn hướng đến việc tạo ra một môi trường vui chơi không độc hại, có luật lệ và quy trình quy phạm bài bản, hữu ích trong giải trí, phấn khích, thoải mái nhưng vẫn đảm bảo được những giá trị xã hội, không bị sa đà hay hệ lụy. Và như vậy tôi đã tạo nên một chơi như sân đua chó, đã 20 năm không hề có tiêu cực gì cả, tạo nên tiếng cười trong sân, tạo nên sự phấn khích và thỏa mãn cho những người đến giải trí… và tôi cho rằng sự đóng góp này cũng cực kỳ quan trọng cho đất nước.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ tại Trung tâm huấn luyện và đua ngựa do Tập đoàn của ông đầu tư xây dựng ở Madagui, huyện Đạ Oai, tỉnh Lâm Đồng |
PV: Theo ý kiến của ông, lĩnh vực đầu tư vui chơi có thưởng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho nhà nước, vấn đề là nhà nước cần có luật lệ và quy trình bài bảnđể ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật. Xin ông nói rõ hơn?
- Thực tế đã chứng minh qua 20 năm hoạt động Trường đua chó Vũng Tàu chưa từng xảy ra sự cố, không gây hậu quả và vấnnạn xã hội; đã đóng góp đáng kể trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mỗitrận đua cuối tuần thu hút trung bình 2.500 du khách đến tham quan và vui chơigiải trí (tham gia dự thưởng), doanh thu bình quân hàng năm 1,2 triệu USD. Nếu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó được thực hiện ngoài trường đua (theo Nghịđịnh 06/2017/NĐ-CP) thì riêng hoạt động đua chó có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước mỗi năm hơn trăm triệu USD.
Về lĩnh vực vui chơi có thưởng ở Việt Nam hiện nay, có thể phân thành các nhóm như sau: nhóm xổ số kiến thiết (bao gồm Vietlot); nhóm casino, nhóm trò chơi điện tử có thưởng (dành cho người nước ngoài); nhóm đua ngựa, đua chó và đặt cược bóng đá quốc tế. Tất cả các lĩnh vực này đều có các Nghị định quy định chế tài rất rõ ràng, đảm bảo mọi đối tượng tham gia phải tuân thủ luật pháp, giảm thiểu tác động xã hội đến mức thấp nhất, trong khi vẫn tạo được nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Tất nhiên ngoài chuyện chế tài ra, thì những quy định về kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, nó quyết định việc nhà nước có quản lý và kiểm soát được các đối tượng tham gia hay không, đặc biệt là trong thời đại công nghiệp 4.0, một số Nghị định vừa ra đời là đã lạc hậu ngay. Đơn cử như Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, do quá trình soạn thảo và góp ý kéo dài đến 12 năm, bắt đầu từ năm 2005 đến năm 2017 mới ban hành, cho nên một số quy định về kỹ thuật như tổng đài điện thoại và nhắn tin đã trở nên lạc hậu so với trình độ công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 hiện nay.
PV:Tính đến tháng 10/2020, các nhà đầu tư là kiều bào đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 1,6tỷ USD. Có thể nói, nguồn lực NVNONN là rất lớn. Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực NVNONNđược đánh giá là còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của cộng đồng. Vậy theo ông, để đẩy mạnh thu hút nguồn lực NVNONN đóng góp xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta nên làm gì?
- Theo tôi thì con số 362 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 1,6 tỷ USD của kiều bào chẳng là gì so với con số kiều hối vẫn đang tăng dần hàng năm, riêng trong năm 2019 đã là 16,7 tỷ USD. Cá nhân tôi không tin rằng ít nhất 10% giá trị kiều hối hàng năm sau khi về Việt Nam lại không được dùng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Như vậy có thể thấy rằng, thu hút đầu tư của kiều bào thực sự chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài(BAOOV), thì vừa qua,tôi cũng mới được chỉ định giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) kiêm Hội trưởng Hội Đầu tư Du lịch Văn hóa Thể thao giải trí, trực thuộc VAFIE. Hiệp hội này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay đã xây dựng được rất nhiều chương trình hoạt động thiết thực, bộ máy vững mạnh, đã đóng góp và hiến kế rất nhiều cho các bộ, ngành và Chính phủ.
Như vậy, có thể nói khi tôi đứng ở vai trò BAOOV thì là cái tâm, còn khi đứng ở VAFIE thì là trí và dũng. Vì thế, theo tôi nếukết hợp được tâm, trí và dũng của NVNONN để phát huy tấm lòng yêu nước của bà con gắn với các mô hình triển khai thiết thực, thì kiều bào có thể đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Minh Phương