Đẩy mạnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, tăng cường dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Cộng đồng NVNONN ngày nay không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất, với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên, có nhiều chuyên gia, kỹ sư hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính và một số tham gia hệ thống chính trị của các nước. Với nhận thức sâu sắc về việc mỗi người Việt Nam là một “đại sứ văn hóa”, văn hóa Việt và tiếng Việt ngày càng có điều kiện được tôn vinh, lan tỏa ra thế giới thông qua cộng đồng NVNONN. Đây cũng là nguồn sức mạnh to lớn, tài sản “vô hình” gắn kết bền chặt, nối liền cộng đồng dân tộc hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
CHUNG TAY GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA VIỆT NAM
Cộng đồng NVNONN luôn giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Hầu hết các gia đình NVNONN vẫn giữ nếp sinh hoạt ăn Tết Âm lịch như ở trong nước, có bàn thờ tổ tiên, ông bà với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới, tổ chức các lễ hội truyền thống, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà... Các hoạt động này không chỉ giúp trang trải nỗi nhớ quê hương, mà còn giáo dục các thế hệ con cháu về đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn, có hiếu với ông bà, cha mẹ, từ đó thêm tự hào và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt.
Bên cạnh các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về văn hóa, phong tục truyền thống Việt Nam, bà con kiều bào ta cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm, hội chợ hàng Việt Nam… không những giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế mà còn giới thiệu về văn hóa Việt Nam với các nước sở tại.
Đến với bà con ở nước ngoài, hàng năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – Bộ Ngoại giao (UBNV) đã phối hợp tổ chức các đoàn biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nhiều địa bàn như Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc (Hồng Công, Ma Cao, Đài Loan), Canada, Úc, Nga, Ba Lan, Đức, Séc, Thụy Điển... Các chương trình văn hóa nghệ thuật chào đón Tết cổ truyền của dân tộc giúp bà con kiều bào vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, gần gũi hơn với nguồn cội dân tộc.
Trong thời gian qua, nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa như đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài" đã giúp lan tỏa rộng rãi những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ NVNONN; hay các sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” đã góp phần tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD), UBNV đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn có ý nghĩa góp phần khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy văn hóa truyền thống và tiếng Việt, mang “hồn văn hóa”, “tiếng quê hương” đến cho NVNONN. Tiêu biểu có Xuân Quê hương, đoàn thăm Trường Sa và Trại hè Việt Nam là các chương trình được tổ chức bài bản, hấp dẫn, trở thành những sự kiện gắn kết NVNONN với quê hương, đất nước.
Là sự kiện chính trị văn hóa do UBNV tổ chức mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Xuân Quê hương ngày càng thu hút nhiều kiều bào về nước tham dự. Trong các năm 2015-2020, mỗi năm đón khoảng 1000 đại biểu kiều bào, riêng năm 2020, Xuân Quê hương đón 1500 bà con kiều bào. Mang thông điệp Đại đoàn kết dân tộc, Xuân Quê hương luôn được Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước quan tâm tới dự và phát biểu, thể hiện tình cảm gắn bó, trân trọng và tin tưởng đối với đồng bào ta ở xa Tổ quốc. Xuân Quê hương thắm đượm tình cảm chân thành, mang ý nghĩa tôn vinh văn hóa Việt, và là dịp vinh danh những kiều bào tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật.
Chương trình đoàn kiều bào ta thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 do UBNV phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức hàng năm. Các chuyến thăm giúp bà con hiểu thêm sâu sắc về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, khơi dậy lòng yêu nước được thể hiện qua tình cảm mến thương, trân trọng, sự ủng hộ về tài chính và nhiều hiện vật có giá trị của bà con dành cho quân và dân tại Trường Sa.
Trại hè Việt Nam là hành trình văn hóa – lịch sử do UBNV tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên kiều bào về nước tham dự. Riêng giai đoạn 2015-2020, đã đón gần 650 đại biểu. Qua các hoạt động của Trại hè, các em có cơ hội tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc, trau dồi khả năng tiếng Việt, tìm hiểu về thực tế đời sống tại nhiều địa phương cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Trại hè Việt Nam đã góp phần duy trì mối liên kết gắn bó các thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài với cội nguồn; mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước.
ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT CHO NVNONN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết về giá trị của tiếng Việt: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Hơn ai hết, những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đều hiểu rằng, sức mạnh tiềm tàng, tiếp thêm nghị lực cho họ nơi đất khách chính là nguồn mạch văn hóa Việt Nam chảy trong mỗi con người.Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là điều khó có thể phai nhạt; tuy nhiên, nếu không được bảo tồn và gìn giữ đúng cách, đến một lúc nào đó sẽ bị mai một. Chính vì vậy, UBNV xác định việc tăng cường dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào là chìa khóa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc một cách lâu dài và bền vững nhất.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt từ khi Chỉ thị 45 ra đời, nhiều chính sách, biện pháp đã được ban hành và thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác này. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các CQĐD đã có nhiều hoạt động tích cực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Các cơ quan báo chí và truyền thông cũng quan tâm xây dựng các chương trình dạy tiếng Việt trên truyền hình, đài phát thanh và trên mạng internet.
Hàng năm, UBNV phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào tại Hà Nội. Đến nay, đã có hơn 300 giáo viên kiều bào được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại.
Đối với một số địa bàn khó khăn đặc biệt như Campuchia, Lào, UBNV đã trực tiếp hỗ trợ cũng như vận động các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo các điểm trường, lớp học tiếng Việt cho cộng đồng, hỗ trợ lương cho giáo viên.
Từ năm 2015, UBNV đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu với tổng số hơn 70.000 cuốn sách giáo khoa cấp I, sách Tiếng Việt Vui, Quê Việt, truyện tranh lịch sử và dân gian cho thiếu nhi, cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ta ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Tháng 9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBNV tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho NVNONN”. Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi là một hoạt động văn hóa giáo dục mang ý nghĩa tôn vinh tiếng Việt, tạo động lực thúc đẩy NVNONN thêm gắn bó với ngôn ngữ dân tộc. Cuộc thi được kỳ vọng sẽ chọn ra những sản phẩm phù hợp với đối tượng người học ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể được số hóa, sử dụng rộng rãi giúp nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Văn hóa và ngôn ngữ được coi là một sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc.Bản sắc văn hóa, ngôn ngữ là những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình, dân tộc đó sẽ mãi trường tồn.
Giữ gìn bản sắc văn hóa và duy trì tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN là một công tác mang tính chiến lược, lâu dài. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, công tác này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa cho kiều bào ta hiện nay chưa được xác định rõ về nội dung, thiếu tính đồng nhất và lộ trình phù hợp; công tác phối hợp giữa các ngành và cơ quan chưa thật chặt chẽ, còn có sự chồng chéo.Hạn chế về nguồn nhân lực và tài chính cũng là một rào cản đối với việc triển khai hiệu quả các hoạt động duy trì và bảo tồn văn hóa trong cộng đồng.
Trong công tác tiếng Việt, hệ thống cơ sở trường, lớp phục vụ cho việc giảng dạy chưa được đầu tư thích đáng, đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt đa số là tình nguyện, hạn chế về trình độ và kinh nghiệm sư phạm, nên hiệu quả chưa cao. Ở từng nước, từng địa bàn, việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng được tổ chức với quy mô khác nhau, tuy nhiên hầu hết vẫn là tự phát. Sự hỗ trợ từ trong nước cũng như của chính quyền sở tại chưa được nhiều.
Môi trường xã hội ở sở tại cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trong gia đình, cha mẹ do bận mưu sinh, thiếu quan tâm duy trì việc sử dụng tiếng Việt, ngoài xã hội tiếng Việt không phải là một ngoại ngữ phổ biến, do đó học sinh không có động lực học tập và ít có điều kiện phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Việt.
Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng y tế chưa từng có trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu hết các quốc gia, gây nhiều khó khăn đối với cuộc sống của NVNONN.
Trong hoàn cảnh đó và trên cơ sở thực tế công tác trong 5 năm vừa qua, Chỉ thị 45 tiếp tục phát huy ý nghĩa “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, đóng vai trò là kim chỉ nam định hướng, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của toàn dân tộc trong công tác đối với NVNONN. Được như vậy, trong thời gian tới đây, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng Việt nói riêng và công tác đối với NVNONN nói chung sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, thu được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đinh Hoàng Linh
Q.Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài