A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào hỏi – Luật sư trả lời (8)

Câu hỏi 8: Tôi là người Việt Nam định cư tại Đức, mang hộ chiếu Việt Nam. Tôi muốn mở một sổ tiết kiệm tại ngân hàng Việt Nam và sau đó uỷ quyền cho người thân tại Việt Nam rút lãi. Ngân hàng có chấp nhận không, nếu được thì tôi phải làm thủ tục gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm thì công dân Việt Nam được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt Nam; công dân Việt Nam là người cư trú được gửi tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ.

Hiện tại mặc dù anh/chị định cư tại Đức nhưng anh/chị vẫn là công dân Việt Nam, vì vậy anh/chị hoàn toàn có thể mở một sổ tiết kiệm tại ngân hàng Việt Nam bằng đồng Việt Nam nếu đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật Việt Nam quy định về tiền gửi tiết kiệm như một công dân Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam quy định người gửi tiền phải trực tiếp đến ngân hàng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền (Khoản 1 Điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN). Trong trường hợp anh/chị đã có tài khoản trực tuyến (Internet banking) của một tổ chức tín dụng nào đó, anh/chị có thể gửi tiết kiệm thông qua hình thức online theo quy định của tổ chức này.

Sau khi đã có thẻ tiết kiệm, theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, anh/chị hoàn toàn có quyền ủy quyền cho người thân tại Việt Nam rút lãi trong sổ tiết kiệm của mình. Ngân hàng ở Việt Nam mà anh/chị chọn gửi tiết kiệm sẽ hướng dẫn thủ tục chi trả tiền gửi tiết kiệm theo ủy quyền của người gửi tiền phù hợp với quy định của Thông tư 48/2018/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho ngân hàng.

Trường hợp anh/chị muốn làm hợp đồng ủy quyền cho người thân ở Việt Nam để rút lãi trong sổ tiết kiệm, anh/chị có thể đến Đại sự quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam ở quốc gia nơi mà anh/chị đang sinh sống để làm thủ tục công chứng văn bản ủy quyền. Để nội dung ủy quyền phù hợp với quy định của Ngân hàng nơi anh/chị gửi tiền, tốt nhất anh/chị nên liên hệ với Ngân hàng để lấy mẫu ủy quyền rồi sau đó mới tới Đại sự quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam làm thủ tục công chứng văn bản ủy quyền, tránh tình huống tự ý làm văn bản ủy quyền xong rồi Ngân hàng không chấp nhận.

Luật sư Giang Hồng Thanh

Văn phòng luật sư Giang Thanh

________________________________________

(Câu trả lời do các Luật sư cung cấp)


Các tin khác

Tin tiêu điểm