Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiều bào hỏi – Luật sư trả lời (7)

Câu hỏi 7: Hiện tôi là người gốc Việt nam định cư tại Hoa Kỳ, muốn mua nhà ở Việt Nam để dưỡng già. Xin hỏi tôi có thể đứng tên nhà được không, thủ tục như thế nào? Nếu sau này tôi cần quyền sở hữu nhà hoặc để thừa kế cho con cháu nhà đất đó thì như thế nào?

 

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực tới ngày 31/7/2024) về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” cũng được sở hữu nhà tại Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện quy đinh tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp tại Việt Nam nếu:

a) Được phép nhập cảnh vào Việt Nam;

b) Có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam cần phải có giấy tờ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 sau đây:

a) Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;

b) Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì Hộ chiếu phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của Cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, nếu anh/chị là người gốc Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ, được phép nhập cảnh vào Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên thì anh/chị có thể mua nhà ở tại Việt Nam và được đứng tên sở hữu nhà ở đã mua.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 thì chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền: “Bán, chuyển nhượng hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; trường hợp tặng cho, để thừa kế nhà ở cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”.

Trong trường hợp sau khi mua nhà ở tại Việt Nam mà anh/chị không còn nhu cầu sở hữu nhà ở đó nữa, anh/chị hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cho người khác hoặc tặng cho, để lại thừa kế cho con cháu của mình. Thủ tục chuyển nhượng hoặc tặng cho, thừa kế được thực hiện theo quy định của pháp luật ở thời điểm chuyển nhượng.

LS Phạm Thanh Bình

Công ty Luật TNHH Bảo Ngọc

________________________________________

(Câu trả lời do các Luật sư cung cấp)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm