Kiều bào hỏi – Luật sư trả lời (13)
Câu hỏi 13: Vợ tôi sinh năm 1977, quốc tịch Việt Nam, sang Đức năm 2001, được một gia đình người Đức nhận làm con nuôi và đã được tòa án Đức công nhận. Khi quyết định của tòa án có hiệu lực, phía Đức đã đổi tất cả giấy tờ và hồ sơ của vợ tôi theo họ bố mẹ nuôi. Xin hỏi, pháp luật Việt Nam có công nhận quyết định của toà án nước ngoài đối với việc nhận con nuôi ở tuổi thành niên hay không? Vợ tôi có thể xin đổi tên trong hộ chiếu Việt Nam theo họ của bố mẹ nuôi hay không?
Trả lời:
Khoản 9 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau: “Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam... bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài”.
Khoản 1 Điều 423 Bộ luật tố tụng dân sự2015 quy định:
“Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành”.
Theo các quy định nêu trên, Quyết định của Tòa án tại nước Cộng hòa liên bang Đức có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Nếu Quyết định của Tòa án tại Đức về việc vợ anh/chị là con nuôi của công dân Đức được Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, thì Quyết định của Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Để thực hiện thủ tục này, vợ anh/chị cần nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành Quyết định của Tòa án tại Đức tới Tòa án nhân dân cấp tỉnh tại Việt Nam nơi vợ anh/chị cư trú, làm việc (nếu có) hoặc tới Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam để được giải quyết.
Về thời hiệu yêu cầu công nhận Quyết định của Tòa án tại Đức: Theo quy định tại Điều 432 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Quyết định của Tòa án tại Đức có hiệu lực pháp luật, vợ anh/chị phải gửi đơn đến một trong hai cơ quan nêu trên. Nếu quá thời hạn này, vợ anh/chị không còn quyền gửi đơn nữa đồng nghĩa với việc Quyết định của Tòa án tại Đức sẽ không được công nhận tại Việt Nam.
Nếu vợ anh/chị chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thể gửi đơn đúng thời hạn 03 năm thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn gửi đơn.
Nếu Quyết định của Tòa án tại nước Cộng hòa liên bang Đức về việc vợ anh/chị là con nuôi của công dân Đức được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, vợ anh/chị có thể thay đổi họ trong hộ chiếu theo họ bố mẹ nuôi.
Theo điểm b Khoản 1 Điều 28 Bộ luật dân sự 2015, vợ anh/chị có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi.
Luật sư Giang Hồng Thanh
Văn phòng luật sư Giang Thanh
________________________________________
(Câu trả lời do các Luật sư cung cấp)