Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải đáp thắc mắc về xin visa và nhập học cho con mang quốc tịch nước ngoài

* Hỏi: Em kết hôn với người Đài Loan (Trung Quốc) và đăng ký kết hôn ở Việt Nam và Đài Loan đã xong. Vợ của em làm việc tại Việt Nam và theo diện đăng ký tạm trú tạm vắng của công ty. Hiện vợ em đã về Đài Loan để sinh con; sau khi sinh vợ em sẽ đưa con về Việt Nam làm việc. Vậy con của em đăng ký quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) xong thì cần phải xin visa như thế nào để được vào Việt Nam và sau này chúng  em còn sống ở Việt Nam lâu dài thì con em có được đi học ở các trường công lập hay không?

* Trả lời:

1. Thủ tục xin thị thực vào Việt Nam

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 10 Luật số 47/2014/QH13 Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (“Luật Xuất nhập cảnh 2014”), bạn có thể làm thủ tục bảo lãnh cho con của bạn nhập cảnh về Việt Nam theo diện Thị thực TT (hay còn gọi là Visa thăm thân). Theo quy định tại Khoản 18 Điều 8 và Điều 9 Luật Xuất nhập cảnh 2014, Thị thực TT là loại thị thực cấp cho người nước ngoài là vợ chồng, con của công dân Việt Nam, có thời hạn không quá 12 tháng.

Để làm thủ tục này, bạn cần nộp hồ sơ tới Cục quản lý xuất nhập cảnh (Điều 16 Luật Xuất nhập cảnh 2014), bao gồm các tài liệu sau đây:

  • Đơn bảo lãnh cho thân nhân là người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (điền thông tin vào Đơn bảo lãnh theo Mẫu NA3 đính kèm Thông tư 04/2015/TT-BCA quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam). Đơn bảo lãnh này cần có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã nơi bạn thường trú về thông tin của người bảo lãnh.
  • Bản sao chứng thực cho giấy tờ tùy thân (giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu).
  • Bản sao chứng thực Hộ khẩu.
  • Bản sao chứng thực các giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân như: giấy khai sinh của con, giấy đăng ký kết hôn. 

Xin lưu ý rằng đối với các tài liệu nước ngoài mà bạn cung cấp (ví dụ như giấy khai sinh của con, vì theo thông tin mà bạn cung cấp thì con bạn sẽ được sinh ra ở Đài Loan), các giấy tờ này phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt có công chứng trước khi nộp cho Cục quản lý xuất nhập cảnh.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.

Để thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục xin cấp thị thực, bạn nên liên hệ trực tiếp với Cục quản lý xuất nhập cảnh để biết thêm chi tiết về hồ sơ và trình tự thực hiện.

2. Điều kiện nhập học tại các trường công lập Việt Nam

Liên quan đến câu hỏi thứ hai của bạn, con bạn có thể đi học ở các trường công lập tại Việt Nam, tuy nhiên điều kiện nhập học sẽ khác nhau tùy thuộc vào quốc tịch của con bạn.

Nếu con bạn có mang quốc tịch Việt Nam thì được quyền nhập học tại các trường công lập như một công dân Việt Nam bình thường.

Nếu con bạn chỉ mang quốc tịch Đài Loan thì sẽ được coi là “Lưu học sinh” theo định nghĩa tại Điều 2 Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) (“Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam”). Điều 4 của Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam quy định rằng: Lưu học sinh vào học ở các cấp học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được tiếp nhận theo quy định tại Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Do điều kiện tiếp nhận cho Lưu học sinh quy định trong Điều lệ của mỗi trường học có thể khác nhau, bạn nên tham khảo trước Điều lệ, các quy định của các trường học để chọn ra trường có điều kiện tiếp nhận phù hợp cho con của bạn.

Ngoài ra, chúng tôi xin lưu ý thêm một số các điều kiện chủ yếu sau đây đối với lưu học sinh khi nhập học:

  • Đủ sức khỏe để học tập tại Việt Nam. Sau khi đến Việt Nam, lưu học sinh phải kiểm tra lại sức khỏe tại cơ sở y tế do cơ sở giáo dục tiếp nhận đào tạo hoặc cơ sở phục vụ lưu học sinh của Việt Nam chỉ định. Trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không đủ sức khỏe để học tập thì lưu học sinh phải về nước.
  • Đủ trình độ tiếng Việt theo quy định đối với từng trình độ đào tạo và chương trình đào tạo để được vào học chính thức bằng tiếng Việt. Trong trường hợp chưa đủ trình độ thì Lưu học sinh phải học dự bị tiếng Việt, tham dự kiểm tra trình độ tiếng Việt và có đạt kết quả theo yêu cầu để được nhận vào học chính thức.

Chúc bạn thành công!

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm