Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Công tác về NVNONN năm 2016 được triển khai toàn diện
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những đánh giá chung về kết quả công tác đối với NVNONN trong năm 2016 - một năm được coi là ghi nhiều dấu ấn quan trọng?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2016 là một năm đặc biệt với nhiều sự kiện gắn liền với đời sống chính trị, văn hóa của đất nước. Trong năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mở ra những đường hướng phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong cương lĩnh của Đại hội Đảng đã dành một phần quan trọng đề ra nhiệm vụ to lớn, quan trọng với hệ thống chính trị, cho các cơ quan trong nước thực hiện - đó là nhiệm vụ xây dựng cộng đồng NVNONN phát triển và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Triển khai nhiệm vụ quan trọng đó, với tiền đề là Chỉ thị số 45-CT/TW ban hành năm 2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới, ngày 5/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN giai đoạn 2016-2020. Từ đó, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã xây dựng chương trình hành động riêng.
Từ những chính sách trên, chúng ta đã có hành lang pháp lý rõ nét cho việc phát triển công tác đối với NVNONN. Nhờ vậy, công tác của năm 2016 rất sôi động, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Với mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh, chúng ta đã tổ chức Hội thảo Lãnh đạo, tổ chức hội đoàn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức và sinh hoạt cộng đồng NVNONN” từ đầu năm 2016. Hội thảo đã tập trung thảo luận về tình hình, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp hỗ trợ hoạt động của các tổ chức hội đoàn NVNONN và thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, đạt được những kết quả cụ thể, tạo tiền đề thành lập được Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu vào tháng 10/2016 và thành lập một số hội đoàn ở các nước. Đồng thời các hội đoàn ở các nước, vùng lãnh thổ tiếp tục được cải tiến phát triển như Macao, Đài Loan (Trung Quốc)… Công tác hội đoàn năm 2016 theo tôi đánh giá là thành công rực rỡ, tiếp tục có bước phát triển, góp phần củng cố, đoàn kết và hỗ trợ cộng đồng. Các tổ chức hội đoàn người Việt có nhiều hoạt động tạo sự gắn kết, là nơi bà con hội tụ, giúp đỡ nhau phát triển, giúp đỡ thế hệ thứ 2, thứ 3 học tiếng Việt. Tôi khẳng định chưa bao giờ chúng ta có khối đại đoàn kết trong cộng đồng NVNONN được củng cố mạnh mẽ như vậy.
Năm 2016 cũng là năm phong trào dạy và học tiếng Việt phát triển trên toàn thế giới, từ Nouvelle-Calédonie, Angola cho đến Canada, Na Uy, Nhật Bản, Campuchia, Lào… phong trào tiếng Việt đều được triển khai mạnh mẽ. Đây là tiền đề tiến tới phổ cập tiếng Việt, làm sao để những người mang dòng máu Việt phải nói được tiếng Việt dù nhiều dù ít. Tôi hy vọng công tác dạy tiếng Việt sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã chủ động triển khai nhiều mặt công tác, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu, đặc biệt là công tác tuyên truyền và gìn giữ bản sắc văn hóa cho cộng đồng NVNONN, như tổ chức những hoạt động thường niên: Xuân Quê Hương, Đoàn đại biểu kiều bào thăm Trường Sa, Khóa tập huấn tiếng Việt cho giáo viên VNONN, hỗ trợ bà con mở lớp học tiếng Việt… Có thể nói, chúng ta đã tạo dấu ấn toàn diện trong việc xây dựng, phát triển cộng đồng bền vững.
Một dấu ấn nổi bật trong năm vừa qua là việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực kiều bào xây dựng đất nước. Chúng ta đã tổ chức rất thành công Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 3 với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” (10-13/11) và Chương trình “Thủ tướng gặp gỡ chuyên gia, trí thức và doanh nhân VNONN tiêu biểu” (12/11). Hội nghị NVNONN lần thứ 3 có sự tham gia của hơn 500 đại biểu, đa số đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nhân VNONN (trong đó có nhiều người nổi tiếng và rất thành công ở sở tại), đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp cụ thể, thiết thực đối với các vấn đề phát triển cấp bách cũng như lâu dài, bền vững của đất nước và của TP Hồ Chí Minh. Tiếp sau đó là Hội nghị bàn tròn “Thủ tướng với Mạng lưới Chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam” (13/12) do Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức. Đây là hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức VNONN, tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức VNONN đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN, năm 2016, Ủy ban đã tổ chức một số đoàn công tác do lãnh đạo Ủy ban dẫn đầu đi thăm, làm việc và tìm hiểu tình hình cộng đồng người Việt ở nhiều nước, đặc biệt là ở Bắc Mỹ - nơi có hơn 2 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc. Tháng 9/2016, Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã thăm và làm việc tại Canada và Hoa Kỳ, có các buổi tiếp xúc cởi mở, thẳng thắn và chân tình với bà con kiều bào thuộc nhiều thành phần khác nhau.
Công tác thông tin đối với NVNONN có bước đột phá, được phát triển, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan báo chí kịp thời thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tình hình mọi mặt của đất nước thông qua các sự kiện lớn của đất nước cũng như các hoạt động dành cho kiều bào. Trong năm qua, ta đã chủ động tạo điều kiện cho nhiều cơ quan truyền thông, báo chí của kiều bào như KBCHN, Phố BolsaTV, Viet Weekly, Người Việt ở Hoa Kỳ... về nước tác nghiệp và đưa tin khách quan về tình hình đất nước nói chung, về chính sách và các hoạt động dành cho NVNONN nói riêng, góp phần quan trọng trong công tác thông tin tới cộng đồng.
PV: Cộng đồng NVNONN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy theo Thứ trưởng, thời gian tới cần làm gì để củng cố và thúc đẩy hơn nữa sự đóng góp của kiều bào, đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trước khi nói phải làm gì để tranh thủ nguồn lực của kiều bào, phải nói đến niềm vinh dự không chỉ của riêng tôi mà là của bất kỳ NVNONN nào. Đó là khi nhắc đến cộng đồng người Việt, bạn bè quốc tế cũng nhắc đến với sự tôn trọng và khâm phục. Họ kể ra sự đóng góp của người Việt đối với đời sống kinh tế - chính trị - xã hội sở tại, đến những món ăn, ẩm thực của Việt Nam, kể đến những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Việt; biểu dương sự chăm chỉ cần cù của người Việt. Đây chính là sự phát triển uy tín của người Việt.
Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng của chúng ta là phải cố gắng hết sức để giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng. Với 4,5 triệu người sống trải dài trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi cộng đồng người Việt lại có một đặc thù riêng tùy theo địa phương nơi sinh sống, không thể áp dụng một công thức chung, một mô hình cho tất cả. Chúng ta cần nghiên cứu đặc tính của từng cộng đồng để hiểu được nhu cầu của cộng đồng là gì thì từ đó các biện pháp hỗ trợ của ta mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Những người Việt sống xa quê hương luôn có nhu cầu hướng về quê hương đất nước; tâm nguyện của bà con xây dựng quê hương đất nước phải trở thành hiện thực. Ví dụ những bà con có nguồn kinh tế vững mạnh, làm ăn tốt, có nhu cầu đầu tư về quê hương, thì Nhà nước phải tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi để bà con về làm ăn. Quan trọng là khi bà con gặp vướng mắc chúng ta phải hỗ trợ giải quyết triệt để, giúp bà con hiểu về làm ăn tại Việt Nam cũng phải tuân theo pháp luật và pháp luật cũng phải hỗ trợ cho bà con.
Đối với những trí thức VNONN có trí tuệ, có kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được từ nền công nghiệp tiên tiến của các nước phát triển nơi họ sinh sống và mong muốn mang những tâm huyết đó trở về cống hiến cho đất nước, thì chúng ta càng cần có những biện pháp hiệu quả huy động nguồn lực quý báu đó. Việc tổ chức nhiều hơn những hội nghị, hội thảo nghiên cứu để bà con có cơ hội được nói lên tâm tư của mình, cũng là dịp để kết nối giữa ý tưởng, ý nguyện của bà con với nhu cầu trong nước. Bên cạnh những hội nghị lớn như Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 3 vừa qua, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những hội nghị chuyên đề. Hội nghị lớn đã xây dựng được ngân hàng ý tưởng, thì hội nghị chuyên đề với quy mô nhỏ hơn sẽ triển khai sáng kiến của các nhóm chuyên gia kiều bào kết hợp với cơ quan trong nước triển khai những ý tưởng có tính khả thi cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn ra một số vấn đề nổi trội như tái cấu trúc ngân hàng, phát triển nền kinh tế công nghệ cao, ngành kinh tế chiến lược… để xây dựng những hội nghị chi tiết. Khi chúng ta đã có những diễn đàn để kết nối ý tưởng, đây sẽ là “mảnh đất ươm mầm” cho sự sáng tạo, kết hợp với những chính sách hỗ trợ cụ thể cho kiều bào như: chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn… thì việc thu hút tri thức kiều bào sẽ thành công.
PV: Việt Nam là nước có lượng kiều hối rất cao hàng năm, vậy lượng kiều hối này đóng vai trò như thế nào cho sự phát triển của đất nước?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trước hết, xin nói về kết quả rất cụ thể của nguồn kiều hối, đó là nguồn tiền bà con gửi về cho gia đình, tuy nhỏ nhưng đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, mà thời gian gần đây là cho cả vùng sâu vùng xa, vùng kém phát triển. Nguồn tiền đó giúp các cháu học sinh có thêm sách vở, thêm trường học, cải tạo đường xá, giao thông, xây dựng công trình văn hóa, trạm y tế, thư viện… cho đồng bào vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện tiếp cận tri thức mới nhiều. Tôi cho rằng đây là đóng góp lớn, tạo sức lan tỏa và thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của kinh tế - xã hội, góp phần không nhỏ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Ngoài ra, nguồn kiều hối còn là nguồn đầu tư của bà con về nước. Nhiều doanh nghiệp kiều bào có nguồn tài chính dồi dào, đem nguồn vốn về đầu tư trong nước, một mặt là tăng nguồn thu nhập cho mình, một mặt giúp đất nước phát triển, gia tăng sản xuất; đặc biệt, bà con thường đầu tư với quy mô vừa và nhỏ, thu hút nhiều nhân công, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện nay, chúng ta có đến 2500 doanh nghiệp như vậy, với nguồn vốn khoảng 15 nghìn tỷ đồng Việt Nam. Đây là hướng phát triển tốt mà bà con đóng góp cho đất nước.
Tôi rất vui mừng khi nguồn kiều hối hàng năm vẫn tăng đều, mỗi năm tăng trung bình 10 - 15%; riêng năm 2016, dự báo là 12 tỉ USD, nhưng do nhiều yếu tố tác động, khó đạt mức này. Tuy nhiên, phải khẳng định, nguồn kiều hối có giá trị lớn trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.
Tôi cho rằng, để gia tăng kiều hối cả về lượng và chất, chúng ta cần có chính sách thu hút, sử dụng hợp lý, lâu dài và bền vững dòng kiều hối, hướng nguồn vốn này vào hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh mạnh hơn nữa bởi đây là nguồn lực quan trọng trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài khó tăng cao hơn, vốn ODA giảm dần ưu đãi. Kiều hối sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có cơ hội phát triển, tác động tích cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách thu hút và chính sách sử dụng kiều hối, quan trọng hơn, chúng ta cần chú trọng xây dựng chiến lược thu hút nhân tài về nước, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, bởi chính con người mới là cái gốc giải quyết mọi vấn đề.
PV: Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được, không thể phủ nhận công tác đối với NVNONN vẫn còn một số tồn tại nhất định. Xin Thứ trưởng nói rõ hơn về những tồn tại và giải pháp cụ thể để khắc phục?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trước khi nói về những tồn tại, tôi phải khẳng định lại những việc đã làm được rất nhiều, chính sách đối với NVNONN ngày càng thông thoáng, có rất nhiều thay đổi. Bà con được hưởng quyền lợi như người dân trong nước, không có sự phân biệt, đều là người Việt Nam, đúng nghĩa là một bộ phận máu thịt của dân tộc.
Tuy nhiên, vẫn phải nói là còn những tồn tại, không nhiều nhưng phải nhìn nhận để khắc phục. Tồn tại tôi cho rằng có sức ì và cản trở lớn nhất là vấn đề nhận thức. Mặc dù đã triển khai tốt việc quán triệt chính sách như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN… nhưng một bộ phận, đặc biệt là ở địa phương vùng xa, các sở ban ngành cấp dưới chưa nhận thức đúng, vẫn còn đâu đó những cản trở, vẫn còn đâu đó những thắc mắc mà cơ quan chính quyền địa phương và sở ban ngành chưa nhiệt tâm hỗ trợ bà con.
Thứ hai là về công tác vận động cộng đồng. Cho tới giờ, vẫn có nhiều bà con chưa hiểu đúng về tình hình đất nước, có những người đã 40 năm chưa trở về, không được tiếp xúc với những nguồn thông tin chính xác, khách quan về đất nước, lại nghe thông tin từ những nguồn không tin cậy khác dẫn đến nhìn nhận lệch lạc. Vì vậy, phải làm sao để thông tin tới được với bà con, để bà con tự cảm nhận, tự nhận thức và thay đổi quan điểm, suy nghĩ, để bà con hiểu đất nước, thấy được đất nước đã phát triển như thế nào. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin truyền thông, giúp bà con phân biệt được thông tin đúng - sai, không bị lôi kéo bởi thông tin lệch lạc, bị bóp méo.
Đối với lĩnh vực văn hóa, bà con ít có điều kiện được tiếp cận do khoảng cách địa lý xa xôi. Vừa rồi chúng ta đã đưa được những đoàn văn nghệ đến vùng xa, được bà con đánh giá cao, đến vùng đó nhiều bà con khóc vì cảm động khi được nghe những bài hát Việt do nghệ sỹ Việt biểu diễn. Do đó, việc đưa văn hóa - văn nghệ đến với cộng đồng phải xã hội hóa và đẩy mạnh hơn nữa.
Một việc mà chúng ta càng ngày càng phải làm tốt hơn nữa là vấn đề duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Ngôn ngữ nói chung, trong đó có tiếng Việt, là sợi dây văn hóa kết nối mọi người con đất Việt xa xứ hướng về đất Mẹ, cho nên giữ gìn tiếng Việt cho cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng. Thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi văn hóa nơi họ sinh sống, nhưng nếu có thể nói được tiếng Việt - dù ít dù nhiều, thì tự trong trái tim họ vẫn thấy mình là người Việt. Việc này sẽ phải triển khai liên tục, lâu dài và càng ngày càng tốt hơn. Trước đây, vấn đề dạy và học tiếng Việt còn thụ động, sắp tới Ủy ban sẽ chủ động tìm đến những nơi có nhu cầu để kiến nghị Chính phủ và vận động xã hội hóa xây dựng trường lớp, xây dựng hệ thống giáo dục kiến thức phổ thông để thế hệ sau sớm hòa nhập vào xã hội sở tại và hướng về quê hương.
PV: Một mùa Xuân mới tràn đầy quyết tâm và hy vọng về tiền đồ và tương lai tươi sáng của dân tộc lại tới. Bước sang năm mới Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng muốn gửi thông điệp gì từ Ủy ban Nhà nước về NVNONN tới đồng bào ta sống xa Tổ quốc?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm Đinh Dậu là năm chúng ta tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XII, lại có một sự kiện rất lớn là tổ chức năm APEC Việt Nam 2017. Tôi mong rằng, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống con Lạc cháu Hồng, đoàn kết, gắn bó keo sơn, tương thân tương ái, cần cù chịu khó vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển cuộc sống, đóng góp cho xã hội sở tại; tiếp tục xây dựng hình ảnh, uy tín của cộng đồng chúng ta để tạo dựng vị thế trong trái tim của bạn bè khắp năm châu.
Tôi tin rằng 4,5 triệu đồng bào ta ở nước ngoài sẽ muôn người như một, cùng một niềm tin hướng tới sự phát triển phồn thịnh của quê hương, đất nước, nỗ lực chung tay góp sức cùng nhân dân trong nước xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế, để mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước luôn tự hào mình là người Việt Nam!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Thanh Thủy (thực hiện)