Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều ý kiến của cộng đồng người Việt tại Bắc Mỹ được tiếp nhận

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết: chuyến thăm Bắc Mỹ đã giúp đoàn có cái nhìn thực tế hơn về cộng đồng người Việt tại Mỹ và Canada; đồng thời tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào để có những kiến nghị chính sách sát hơn với nguyện vọng của bà con kiều bào.

 Thứ trưởng Vũ Hồng Nam gặp gỡ đại diện Hội Thanh niên Sinh viên VN khu vực DC và vùng phụ cận

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết ông đã có chuyến sang Bắc Mỹ và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại đó, Thứ trưởng có thể cho biết kết quả của chuyến đi và tình hình cộng đồng kiều bào ta ở Bắc Mỹ có nét gì mới?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Về những nét lớn, tôi cho rằng chuyến đi đã thành công trên hai phương diện.

Thứ nhất, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đặc biệt là kiều bào ta ở Bắc Mỹ - nơi có hơn 2 triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc, chiếm gần một nửa số lượng NVNONN. Đây là một cộng đồng đông, đa dạng và non trẻ, mới phát triển khoảng 40 – 50 năm trở lại đây.

Thứ hai, chuyến đi giúp chúng tôi có cái nhìn thực tế, gặp gỡ được nhiều đại diện của bà con kiều bào ở mọi thành phần, từ các nhà khoa học, doanh nhân đến sinh viên, các thành phần tôn giáo, hội đoàn. Chúng tôi có một bức tranh tổng thể về tình hình của bà con, đón nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp trên nhiều lĩnh vực để phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng người Việt ta ở Mỹ.

Thông qua việc tổng hợp các ý kiến của bà con kiều bào, chúng tôi sẽ xây dựng những kiến nghị cho chính sách của Chính phủ, Nhà nước đối với NVNONN, để triển khai mạnh hơn việc hỗ trợ cho cộng đồng NVNONN, cụ thể là ở Mỹ và Canada.

PV: Những tâm tư nguyện vọng nào của kiều bào đáng được lưu ý qua chuyến đi này, thưa ông?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Cảm nhận đầu tiên của tôi qua chuyến đi là sự thành đạt của cộng đồng người Việt ta ở Bắc Mỹ trên mọi phương diện. Tuy là cộng đồng trẻ nhưng hầu hết bà con kiều bào có cuộc sống ổn định, có nhiều doanh nhân rất thành công và trở thành triệu phú. Thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở Bắc Mỹ được nuôi dưỡng phát triển rất tốt, phần lớn đều phát triển vào tầng lớp trí thức; nhiều cá nhân tham gia vào hệ thống chính trị của các nước.

Tôi cũng cảm nhận tấm lòng yêu nước sâu sắc của bà con kiều bào. Hầu hết bà con đều quan tâm làm sao để đất nước chúng ta phát triển, quan tâm đến tình hình trong nước, về an ninh lãnh thổ, chủ quyền của đất nước. Bà con bày tỏ ý muốn chung tay xây dựng quê hương; xây dựng mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Canada, nâng cao vị thế của đất nước.

Mặt khác đối với cộng đồng, bà con có nhiều kiến nghị chính sách mà chúng ta cần phải quan tâm như: bảo tồn và phát huy văn hóa Việt cho thế hệ trẻ, nhất là các thế hệ sinh ra, lớn lên ở nước bạn; đặc biệt là gìn giữ tiếng Việt cho người gốc Việt. Chúng tôi đã đi thăm nhiều lớp dạy học tiếng Việt và nhận thấy những vấn đề chúng ta cần phải làm, ví dụ như: hỗ trợ sách giáo khoa, giáo cụ trực quan, thiết bị dạy học…

Ngoài ra, bà con cũng có nhu cầu tiếp cận các thông tin ở trong nước; những đoàn văn hóa văn nghệ sang biểu diễn phục vụ cộng đồng, giúp bà con vơi đi nỗi nhớ nhà, quê hương, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của đất nước. Do Bắc Mỹ ở bên kia bán cầu nên các kênh thông tin của chúng ta đến với bà con còn khá khó khăn. Bà con mong muốn có kênh truyền hình của đất nước có thể tiếp cận được các thông tin trong nước nhanh hơn, trực tiếp hơn. Đây cũng là một vấn đề đặt ra cho chúng ta để có thể đưa thêm các kênh truyền hình đến với bà con ngoài hai kênh VTV4 và NetViet. 

Bà con cũng đề nghị một số chính sách của Nhà nước đối với cộng đồng NVNONN cần được duy trì và phát triển hơn nữa. Chẳng hạn, các vấn đề về quốc tịch, mua bán nhà cửa, chính sách... để thế hệ trẻ có cơ hội về đất nước học tập và tham gia vào nhiều sự kiện trong nước. Từ những ý kiến cụ thể trên, chúng tôi có thể đưa ra những chính sách sát với tâm tư nguyện vọng của bà con kiều bào hơn.

PV: Vậy trong thời gian tới, Thứ trưởng có các chuyến thăm cộng đồng người Việt ở các quốc gia khác không?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Mục tiêu của tôi là những nơi bà con kiều bào còn khó khăn thì chúng ta cần phải tiếp cận. Cộng đồng người Việt tại Macao khá đông, phần lớn là phụ nữ, còn có nhiều vấn đề bất cập... Trong thời gian tới, tôi có kế hoạch đi thăm cộng đồng tại địa bàn này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các chương trình hỗ trợ cho bà con kiều bào tại Campuchia, Lào, Thái Lan – là một trong những vấn đề trọng tâm đã thực hiện trong suốt nhiều năm.

Sắp tới vào ngày 29/10, Đại hội Liên hiệp các Hội người Việt toàn châu Âu sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Praha (Séc). Đây là một sự kiện lớn trong đời sống cộng đồng của người Việt tại châu Âu. Tôi cũng sẽ sang Séc tham dự và chúc mừng Liên hiệp. Sự ra đời của Liên hiệp không chỉ là niềm vui mừng của cộng đồng người Việt mà Ủy ban châu Âu cũng bày tỏ niềm phấn khởi, vì điều đó thể hiện khối đại đoàn kết của người Việt trên toàn châu Âu tham gia vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa của nước sở tại.

PV: Liên quan đến dự án phía Campuchia di dời người dân ở vùng Biển Hồ, Nhà nước chúng ta có những hỗ trợ gì cho cộng đồng bà con kiều bào tại đó?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Chúng ta đang triển khai rất mạnh sự hỗ trợ về pháp lý, đồng thời hỗ trợ cho bà con kiều bào ổn định đời sống kinh tế.

Việc di dời người dân tại Biển Hồ là chính sách phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường của nước bạn. Việc di dời đó không chỉ ảnh hưởng đối với cộng đồng người Việt chúng ta ở Biển Hồ, mà còn có số lượng lớn ngư dân người Campuchia sinh sống tại đây. Chúng ta phải hỗ trợ để bà con có cuộc sống định canh, định cư; có thể từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng vừa phù hợp với chính sách phát triển kinh tế chung của Campuchia, vừa tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế tốt hơn. Đặc biệt, khi có cuộc sống định canh, định cư ổn định thì con em kiều bào mới được đến trường vì hiện tại, cuộc sống lênh đênh trên sông nước khiến các cháu rất khó khăn để được học tập.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hà Trang


Các tin khác

Tin tiêu điểm