A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển bền vững, bao trùm từ tài nguyên văn hóa đậm bản sắc Việt Nam

Việc các di sản của Việt Nam được Quốc tế ghi danh và bảo tồn hiệu quả khiến cộng đồng nhận diện đúng, tự hào về các giá trị di sản đang nắm giữ.

Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.  Ảnh: MOFA

Năm 2023, tin vui liên tiếp đến với Việt Nam, trực tiếp nhất là những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản.

Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; được bầu là Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Đà Lạt, Hội An tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO; Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO ra Nghị quyết vinh danh và cùng tổ chức kỷ niệm. Điều này đã góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế song vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc đân tộc đã được lan tỏa tới bạn bè quốc tế, văn hóa đóng góp tích cực vào phát triển bền vững đất nước.

Nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế

Ngày 22/11/2023 tại Paris (Pháp), trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Công ước Di sản Thế giới), Việt Nam đã trúng cử trở thành Thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Đây là lần thứ 2, Việt Nam đảm nhận vai trò tại cơ quan điều hành then chốt nhất về văn hóa của UNESCO. Điều này khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với khả năng đóng góp và năng lực điều hành tại các thể chế đa phương toàn cầu; đóng góp thiết thực trong quan hệ với UNESCO, gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Việt Nam ở trong nước và thế giới. Đây cũng là kết quả của việc triển khai hiệu quả Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO nhấn mạnh đây là lần đầu tiên chúng ta tham gia cùng lúc 5 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO (Phó Chủ tịch Đại hội đồng; Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa; thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO; thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể; thành viên Ủy ban Di sản Thế giới) cho thấy sự tin tưởng và ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam tại tổ chức đa phương toàn cầu này.

Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp chủ động, tích cực hơn trong chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung, văn hóa nói riêng, nâng nhận thức về tầm quan trọng của di sản-nguồn lực thiết yếu cho đa dạng văn hóa, sáng tạo, đối thoại giữa các nền văn hóa, gắn kết xã hội, động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền nêu rõ Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987. Từ đó đến nay, nước ta luôn nỗ lực lồng ghép nội dung, tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa, thiên nhiên và những vấn đề kinh tế-xã hội; chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực di sản thế giới.

Việt Nam cùng với 20 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới sẽ giám sát việc thực thi Công ước, bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị của 1.199 Di sản Thế giới trên toàn cầu. Ủy ban sẽ xem xét các tiêu chí để ghi danh những Di sản thế giới mới, gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp vào phát triển bền vững trên thế giới.

Các thành viên đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã được ghi danh, đồng thời đang xây dựng các hồ sơ mới, góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của nhân loại. Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy Di sản Thế giới là bài học tốt cho nhiều quốc gia, đóng góp vào việc thực thi Công ước hiệu quả, góp phần bảo vệ, gìn giữ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên cho nhân loại, sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Trước đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ là đại diện cho ASEAN và nhóm châu Á-Thái Bình Dương - nhóm có số lượng thành viên đông, mức độ đa dạng về trình độ phát triển, chính trị, văn hóa, quy mô, quan tâm và ưu tiên khác nhau, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh mềm từ uy tín quốc gia, khả năng nắm bắt, năng lực hài hòa sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên, khả năng thương lượng, điều hành, dẫn dắt, đề xuất sáng kiến... để xây dựng sự đồng thuận, tìm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề thiết thân của khu vực và UNESCO...

Đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định, Việt Nam coi văn hóa là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Trong các chương trình hành động, Chính phủ đều thiết kế khung chính sách văn hóa tiến bộ, đáp ứng quyền công dân trong việc thụ hưởng và tham gia vào đời sống văn hóa. 

Trong cuộc gặp gỡ với bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO tại Paris (Pháp) tháng 11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ là một thành viên tích cực, trách nhiệm của UNESCO, Việt Nam mong muốn lan tỏa thông điệp, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thành viên cùng chung tay thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới trên phạm vi toàn cầu, góp phần gìn giữ, truyền bá những kho tàng văn hóa quý giá này đến các thế hệ tương lai.

Tháng 9/2022, Việt Nam đã kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tại Ninh Bình. Sau đó, nước ta đã được UNESCO ghi danh thêm một Di sản Thiên nhiên Thế giới (vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà), một Di sản Văn hóa Phi vật thể trong Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật làm gốm của người Chăm); hai Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng và Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943). Ngày 31/10/2023, hai thành phố Đà Lạt và Hội An trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO (UCCN).

Tổng số danh hiệu được UNESCO công nhận trong lĩnh vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý là 35, gồm 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể, 3 Di sản Tư liệu Thế giới, 6 Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 3 Thành phố sáng tạo). Bộ đã tiến hành kiểm kê, xếp hạng hơn 40.000 Di tích Lịch sử-Văn hóa, danh lam thắng cảnh. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào với nền văn hóa đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền khẳng định các di sản được UNESCO ghi danh đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển xã hội bền vững. Hệ thống di sản đều có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng. Nhiều tuyến, điểm du lịch được hình thành, tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi, giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho địa phương. Ngoài ra, các loại hình Di sản Văn hóa Phi vật thể, nhất là làng nghề, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Năm 2023, Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản Văn hóa Phi vật thể tại Phú Thọ và một số địa phương liên quan. Các hoạt động này đã góp phần tôn vinh giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO công nhận, tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này tại nước ta.

Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển Văn hóa giai đoạn mới đang được gấp rút xây dựng với nguồn lực lớn, coi trọng việc chấn hưng, phát triển văn hóa, xóa đói giảm nghèo để thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Trong công cuộc chấn hưng văn hóa, Việt Nam luôn đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể của di sản. Cộng đồng chính là người đã sáng tạo ra di sản, nắm giữ di sản, thực hành, trao truyền di sản và sống được bằng di sản. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987. Cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, không chỉ có giá trị tinh thần mà sẽ trở thành của cải vật chất, gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư.

Việc các di sản được Quốc tế ghi danh và bảo tồn hiệu quả khiến cộng đồng nhận diện đúng, tự hào về các giá trị di sản đang nắm giữ. Biết phát huy giá trị đúng cách, di sản đã góp phần tích cực cải thiện, nâng cao đời sống người dân, dịch chuyển cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương theo hướng bền vững và bao trùm./.

Theo TTXVN/Vietnam+


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm