Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Hội thảo quốc tế về "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam" được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế: Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.  Ảnh: Nguyễn Hồng

Hội thảo cũng là dịp để khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng.

Sự kiện do Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/3.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải và Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo.

Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản và Trưởng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực Lịch sử, Khảo cổ, Bảo tồn, Bảo tàng, Di sản… và đại diện cộng đồng.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, với 2 chủ đề: Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững của Việt Nam và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn và kinh nghiệm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, từ khi phê chuẩn Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Quần thể danh thắng Tràng An. Những di sản này không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại, góp phần làm đa dạng và phong phú bản đồ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Nguyễn Hồng

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng, Hội thảo quốc tế về "Phát huy vai trò giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam" đánh dấu quá trình hơn 35 năm Việt Nam tham gia Công ước 1972, đồng thời là dịp cùng nhau trao đổi, định hướng giải pháp nâng tầm, đẩy mạnh vai trò, giá trị của các di sản trong giai đoạn mới.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, Hội thảo là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa cơ quan quản lý di sản quốc gia và di sản thế giới. Theo ông Lazare Eloundou Assomo, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cần phải lồng ghép nhiều giải pháp, trong đó có cả bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể, bởi trong công tác bảo tồn phải tính đến sự hài hòa giữa giá trị truyền thống và vấn đề đương đại. Nếu không có tầm nhìn tổng thể, các di sản sẽ chỉ là phần nối dài của quá khứ.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra.
Ảnh: Nguyễn Hồng

Tại Hội thảo, ông Lazare Eloundou Assomo cũng đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn, quy trình thủ tục, hướng dẫn cách thức, trình tự tháo gỡ khó khăn và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân. Các ban quản lý đề cập những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bảo tồn và quản lý di sản, những thách thức như cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số…

Các đại biểu đã cùng đánh giá khách quan những khó khăn, thách thức và cơ hội trong việc bảo tồn các di sản thế giới tại Việt Nam, thảo luận các phương thức thực chất và hiệu quả nhằm phát huy giá trị, vai trò của các di sản thế giới đối với phát triển bền vững tại các địa phương, từ đó đưa ra những định hướng thời gian tới.

Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: Cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản...

Minh Nhậtbaoquocte.vn


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm