Đêm Di sản Văn hóa Việt Nam gây ấn tượng mạnh với các đại sứ UNESCO
Chương trình ca múa nhạc dân tộc kết hợp với nghệ thuật biểu diễn múa rối của các nghệ sỹ Việt Nam tại Paris đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của các đại sứ và đại diện các nước bên cạnh UNESCO.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 3/5, tại thủ đô Paris, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phối hợp với Đại sứ quán và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức đêm Di sản Văn hóa với chủ đề "Việt Nam - Sự hòa quyện văn hóa của đất, nước và con người," nhằm giới thiệu tới bạn bè quốc tế hình ảnh Việt Nam phát triển và đổi mới, năng động, nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại sứ và đại diện các nước bên cạnh UNESCO. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, khẳng định "Việt Nam coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và nội lực để phát triển đất nước. Việc phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là chìa khóa để thực hiện khát vọng dân tộc giàu mạnh."
Trên tinh thần này, đại sứ bày tỏ nguyện vọng của Việt Nam ứng cử làm thành viên Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2023-2027 và mong nhận được sự ủng hộ quý báu từ tất cả các quốc gia thành viên.
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cam kết: "Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với bạn bè quốc tế để đảm bảo Di sản Văn hóa không chỉ là kho báu, nguồn sống cho sự đa dạng và sáng tạo văn hóa, mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững và là nguồn cảm hứng cho tương lai."
Đêm Di sản Văn hóa với chủ đề "Việt Nam - Sự hòa quyện văn hóa của đất, nước và con người" là một chương trình ca múa nhạc dân tộc, kết hợp với nghệ thuật biểu diễn múa rối đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp trình diễn.
Những con rối nước, sinh ra từ các làng quê vùng đồng bằng sông Hồng, biểu tượng của nền văn minh lúa nước; hầu đồng - một nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ - được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại; những điệu múa dân gian với áo tứ thân và chiếc nón quai thao; âm thanh độc đáo của các loại nhạc cụ dân tộc làm từ tre, trúc…, tất cả đã tạo nên sự hòa quyện văn hóa của đất, nước và con người Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Đêm Di sản Văn hóa Việt Nam đã khép lại với những tràng vỗ tay không ngớt và những lời tán thưởng nồng nhiệt của các đại sứ và đại diện các nước bên cạnh UNESCO.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ Simona-Mirela Miculescu, Trưởng phái đoàn đại diện Romania bên cạnh UNESCO, không giấu nổi sự xúc động.
Bà cho biết đã trải qua buổi tối đầy cảm xúc với những màu sắc và hình ảnh tuyệt đẹp. Chương trình khiến bà nhớ lại chuyến thăm Việt Nam cách đây hơn 20 năm, khi tháp tùng Tổng thống Romania thăm chính thức Việt Nam vào năm 2002.
Khi đó, bà đã thực sự mê mẩn vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Trong suốt 30 năm làm ngoại giao, bà nhận thấy sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam là tuyệt vời nhất.
Trong bối cảnh tình hình thế giới với nhiều biến động và xung đột như hiện nay, bà tin rằng những khoảnh khắc thanh bình và hòa hợp như thế này thực sự là tuyệt vời.
Về phần mình, Đại sứ Yemen bên cạnh UNESCO Mohammed Jumeh đã nhiều lần nhắc đến cụm từ "Tuyệt vời" khi nói về đêm diễn. Ông đánh giá đây là một đêm văn hóa tuyệt vời, mang lại cho khán giả một sự thư giãn nhẹ nhàng.
Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Trìu đến từ Nhà hát Múa rối Quốc gia Việt Nam không giấu nổi xúc động và bất ngờ trước sự nhiệt tình và thích thú của khán giả.
Còn theo ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, chương trình nghệ thuật đặc sắc của đoàn Nhà hát Múa rối Quốc gia Việt Nam là hoạt động mở màn cho chuỗi các hoạt động của trung tâm kể từ khi chính thức đi vào hoạt động sau một thời gian sửa chữa, nâng cấp.
Ông cho hay trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục mời các đoàn nghệ thuật chất lượng cao từ Việt Nam sang để quảng bá và giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam tới bạn bè Pháp và quốc tế.
Cũng trong khuôn khổ đêm Di sản Văn hóa, một cuộc triển lãm ảnh về các danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận, cùng hương vị ẩm thực đặc sắc của Việt Nam đã mang đến cho các sứ giả văn hóa quốc tế một bữa tiệc của mọi giác quan và cảm xúc.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên của Ủy ban liên chính phủ về Di sản Văn hóa Phi vật thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ và Phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa và là thành viên tích cực của Hội đồng Chấp hành - cơ quan then chốt của UNESCO trong các quyết định về thúc đẩy hợp tác phát triển.
Việt Nam cũng đang nỗ lực vận động ứng cử là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, dự kiến sẽ bầu vào tháng 11/2023.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, với những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam vào các diễn đàn đa phương tại UNESCO, các thành viên rất tin tưởng vào năng lực đóng góp, khả năng điều hành để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò trong việc gìn giữ và bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản Văn hóa nhân loại.
Các thành viên cũng đánh giá cao và hoan nghênh chính sách cam kết của Việt Nam để di sản trở thành tài sản, tiềm lực trở thành nguồn lực, văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững bao trùm về kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như đóng góp vào nỗ lực chung của UNESCO và thế giới trong công tác bảo tồn di sản./.
Nguyễn Thu Hà / TTXVN/Vietnam+