Các nhà ngoại giao nữ nước ngoài tại Việt Nam trải nghiệm dệt tơ tằm
Sáng 21/3, đã diễn ra chương trình Gặp mặt Đoàn Ngoại giao nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 với chủ đề “Theo dấu tằm tơ”.
Chương trình do Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN kết hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức. Tham dự có Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN (Nhóm AWCH), Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Thị Bích Ngọc; Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Elisa Fernandez; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga; Trưởng Ban nữ công Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; ông Lê Hồng Vân, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương; cùng các nữ Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Phu nhân Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Đại sứ các nước tại Việt Nam và các cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao và các nước tại Hà Nội.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, Ngày quốc tế Phụ nữ là một ngày có ý nghĩa hết sức đặc biệt, khởi nguồn để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người phụ nữ. Trải qua 113 năm, cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ, đề cao vai trò và đóng góp của phụ nữ.
“Chính bản thân phụ nữ chúng ta cũng thay đổi về nhận thức và hành động để chủ động hơn trong việc tham gia và đóng góp cho xã hội”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhận định.
Chủ đề năm nay do Tổng thư ký Liên hợp quốc phát động cho thấy, trong kỷ nguyên số, đổi mới sáng tạo là nhân tố then chốt cho phát triển và động lực để thúc đẩy bình đẳng giới; cần tiếp tục có thêm những giải pháp và hành động sáng tạo để phụ nữ và trẻ em gái không chỉ được hưởng lợi từ các công nghệ mới, hệ thống giáo dục trong kỷ nguyên số, mà còn được truyền cảm hứng để phát huy sức mạnh và tiềm năng, trở thành những người kiến tạo tương lai.
Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước. Theo Thứ trưởng Ngoại giao, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, năm 2022, Việt Nam được công nhận là một trong 10 quốc gia có thành tích tốt nhất trên toàn cầu trong việc thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, đối với ngành ngoại giao, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn là một ưu tiên, một trọng tâm trong công tác xây dựng ngành. Với lực lượng cán bộ nữ chiếm gần 47%, chị em ngoại giao và các phu nhân ngoại giao thực sự trở thành lực lượng nòng cốt và có những đóng góp quan trọng trong mọi lĩnh vực của công tác đối ngoại.
“Tất cả chị em chúng ta ở đây, dù là cán bộ ngoại giao hay các phu nhân ngoại giao, không chỉ đóng góp triển khai công tác đối ngoại, mà không kém phần quan trọng, chúng ta chính là những cầu nối để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cầu nối về văn hóa, lịch sử, cầu nối để gắn kết các quốc gia, dân tộc, gắn kết giữa người dân với người dân”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong chiếc áo dài truyền thống Việt Nam, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez chia sẻ, kể từ khi đến Việt Nam, từ 5 năm trước, bà đã biết về áo truyền thống của Việt Nam - một loại áo giúp tôn lên vẻ đẹp của người mặc.
Bà Elisa Fernandez cho rằng, theo truyền thống, áo dài được làm từ lụa và lụa đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của Việt Nam. Trong tương lai, bà “kỳ vọng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người”.
Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch danh dự Nhóm AWCH Vũ Thị Bích Ngọc mong rằng, sự kiện lần này là dịp để chị em yêu mến văn hóa truyền thống được biết về nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, giúp lan tỏa hình ảnh ngành thủ công truyền thống của Việt Nam đến bạn bè quốc tế, cũng như lan tỏa ấn tượng về một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa truyền thống, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc tin tưởng, đây sẽ là dịp để các nữ ngoại giao gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu về văn hóa của nước mình, qua đó tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết và hữu nghị, vun đắp tình cảm gắn bó, tương thân tương ái.
Tại chương trình, ông Lê Hồng Vân, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và Vân Thị Hằng, Nhà sáng lập Desilk đã giới thiệu về lịch sử phát triển ngành ươm tơ, dệt lụa của Việt Nam và chia sẻ với các đại biểu những câu chuyện văn hoá đầy tính nhân văn gắn liền với nghề dệt lụa.
Tại buổi gặp và trải nghiệm, các khách mời đã cùng nhau chia sẻ, tham quan mô hình trồng dâu và ươm tơ, trải nghiệm dệt lụa ngay tại trung tâm./.
Theo Nguyễn Hồng (TGVN)