A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế biển xanh – ‘cỗ máy tăng trưởng’ mới cho ASEAN

ASEAN cần một cỗ máy tăng trưởng mới để thúc đẩy sự thịnh vượng của người dân.

Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Biển Xanh ASEAN 2023.
Nguồn: Antara

Tại Diễn đàn Kinh tế Biển Xanh ASEAN 2023 ở Tanjung Pandan, quần đảo Bangka Belitung (Indonesia) đầu tuần này, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa nhận định nền kinh tế biển xanh có tiềm năng trở thành “cỗ máy tăng trưởng” mới trong ASEAN.

“ASEAN cần một cỗ máy tăng trưởng mới để thúc đẩy sự thịnh vượng của người dân”, Bộ trưởng Indonesia nhận định.

Theo ông Monoarfa, mặc dù thực tế cho thấy GDP ASEAN tăng 10,3% trong giai đoạn 2016-2021, nền kinh tế xanh có thể được áp dụng để cải thiện kinh tế của các thành viên ASEAN, đặc biệt với các thành viên có thu nhập thấp đến trung bình.

Năm 2021, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam là năm nước ASEAN có tình trạng thu nhập trung bình đến thấp. Ngoài ra, ba quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình đến cao - Indonesia, Malaysia và Thái Lan - vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng thu nhập trung bình trong 13 năm qua. Chỉ có Brunei và Singapore đạt mức thu nhập cao.

Ông Monoarfa nhận định: “Việc chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh tạo cơ hội để khuyến khích các nước ASEAN tăng trưởng GDP đồng thời hỗ trợ việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở ASEAN”.

Nền kinh tế biển xanh không chỉ là một nỗ lực chung của các nước thành viên ASEAN để giảm bớt tác động của Covid-19 mà còn là “cỗ máy tăng trưởng” mới của ASEAN.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia cam kết đạt được khung kinh tế biển xanh ASEAN như một trong những kết quả kinh tế ưu tiên vào năm 2023.

Các vùng biển của ASEAN chiếm 2,5% đại dương thế giới. Ngoài ra, vùng biển Đông Nam Á đóng góp 15% vào ngành đánh bắt cá toàn cầu và 625 triệu người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến biển.

Ông Monoarfa còn cho biết: “Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng sản lượng giá trị gia tăng của nền kinh tế đại dương toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm, cụ thể, từ 1,5 nghìn tỷ USD vào năm 2010 lên 3 nghìn tỷ USD vào năm 2030”.

Khánh Lybaoquocte.vn


Các tin khác

Tin tiêu điểm