Đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Chiều 10/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tại thành phố Thượng Hải - trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại công nghệ hàng đầu của Trung Quốc và thế giới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc.
Cùng dự về phía Việt Nam có: Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và đại diện Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, lãnh đạo thành phố Thượng Hải cùng khoảng 400 đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng dự Diễn đàn chính sách, pháp luật về thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc, sự kiện quan trọng trong chuyến thăm chính thức của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Trung Quốc lần này.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ ấn tượng trước sự phát triển mạnh mẽ, năng động của thành phố Thượng Hải - một trung tâm kinh tế hàng đầu, hiện đại và phát triển bậc nhất của Trung Quốc, một đô thị ngập tràn sức sống bên bờ sông Hoàng Phố, là địa phương đi đầu, mở đường trong quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc.
Vui mừng nhận thấy, quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều tiến triển mới, to lớn, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư không ngừng đi vào chiều sâu, thực chất và trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội đồng thời cho rằng, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra những yếu tố giúp Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư như: Hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng với các nguyên tắc thương mại quốc tế; hai nền kinh tế có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau; hai bên có cùng nhận thức và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều cơ chế hợp tác như Cộng đồng chia sẻ tương lai, Vành đai và con đường, Phát triển toàn cầu, An ninh toàn cầu và Văn minh toàn cầu...
Hai bên cũng tiếp tục là thành viên tích cực của nhiều cơ chế hợp tác đa phương như các cơ chế hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEF) và nhiều cơ chế khuyến khích, bảo hộ đầu tư đã ký kết...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, doanh nghiệp hai nước có đầy đủ khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương và hợp tác, để cùng trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực cũng như toàn cầu.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội gợi mở một số định hướng để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hai bên, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực sự là trụ cột hợp tác giữa hai nước.
Một là, tăng cường hợp tác giữa Quốc hội, Chính phủ và các địa phương hai nước để chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh thích ứng với thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và môi trường quốc tế hiện nay.
Hai là, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế trên tinh thần “cùng thắng, cùng có lợi”, đặc biệt là cùng cụ thể hóa kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vừa qua, nhất là triển khai kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, con đường”; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng; các bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, dữ liệu số...
Ba là, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc, Thượng Hải đầu tư vào các lĩnh vực như: khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế nhân tạo, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, tài chính xanh, phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, linh kiện điện tử, ô tô điện, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...
Nhấn mạnh đây là những ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.
Bốn là, đẩy mạnh cơ chế hợp tác giữa Chính phủ với Chính phủ (G2G), Hiệp hội với Hiệp hội và doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) để thúc đẩy và khơi thông các dòng chảy thương mại, đầu tư, phát huy thế mạnh của mỗi nước trong bối cảnh mới.
Năm là, các cơ quan hữu quan Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác song phương, đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thông quan để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc thương mại tại cửa khẩu.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, xây dựng khung pháp lý minh bạch, công bằng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng kinh doanh thuận lợi, thành công tại Việt Nam.
Trước đó, phát biểu chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn, Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Nhân đại thành phố Thượng Hải Trần Tĩnh đã giới thiệu một số thành tựu phát triển của Thượng Hải, các hoạt động hợp tác của Thượng Hải với TP. Hồ Chí Minh; nhấn mạnh Thượng Hải là thành phố “đáng sống, đáng khởi nghiệp” và nêu rõ, Thượng Hải hoan nghênh ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và sinh viên Việt Nam đến đầu tư, khởi nghiệp, học tập, du lịch... nhằm tăng thêm mối tình hữu nghị “cùng phát triển, cùng thắng” giữa hai bên.
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã cùng trao đổi thông tin về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của hai bên, các định hướng chiến lược thu hút đầu tư và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên...
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu đã dự lễ kỷ niệm 10 năm mở đường bay đến Trung Quốc (2014-2024) và công bố đường bay thẳng kết nối TP. Hồ Chí Minh với Tây An, Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chúc mừng Vietjet với 10 năm kết nối, mở rộng mạng bay Việt Nam - Trung Quốc và công bố mở đường bay mới Thành phố Hồ Chí Minh - Tây An. Phó Thủ tướng tin tưởng, Vietjet sẽ tiếp tục mở thêm nhiều đường bay mới kết nối hai nước, góp phần thúc đẩy giao thương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Cũng tại Diễn đàn, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam-Vietnam Airlines đã công bố kế hoạch đưa vào khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 trên đường bay giữa Việt Nam-Trung Quốc. Cụ thể, từ tháng 6/2024, Vietnam Airlines sẽ bổ sung khai thác máy bay thân rộng trên các đường bay giữa Hà Nội và Thượng Hải, Bắc Kinh, bên cạnh các máy bay Airbus A321. Từ tháng 7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng cho tất cả chuyến bay giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thượng Hải.
Trong chiều 10/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn TCL, Tập đoàn Tianneng, Tập đoàn Texhong, Tập đoàn Viễn thông Trung Hưng (ZTE) và Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương.
(Theo baoquocte.vn)