Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam - Vì sao cần phát huy tính đảng?
Lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó xác định các mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện…
Trong mọi hoạt động công vụ, mỗi đảng viên đều cần phát huy tính đảng của mình.
Trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì tính đảng lại càng cần thiết ở nội hàm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra là “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn; lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau.”
Tính đảng từ phía xây dựng pháp luật
Trong bài viết “Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam,” đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là dấu mốc, là bước chuyển quan trọng.
Lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó xác định các mục tiêu chủ yếu là: Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện…
Hệ thống pháp luật hoàn thiện thể hiện ở tính chất dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận.
Hệ thống pháp luật này phải có đủ khả năng điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, bao quát mọi lĩnh vực quan hệ xã hội hiện thực, bao trùm các quan hệ xã hội cơ bản, có khả năng thể hiện các nhu cầu phát triển xã hội trong các văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội.
Tính đầy đủ là khi hệ thống pháp luật có các quy phạm pháp luật được xây dựng để điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội và phù hợp với bản chất của từng lĩnh vực, có đủ các chế định pháp luật cần thiết cho mỗi lĩnh vực.
Tính kịp thời là khi hệ thống pháp luật được nhanh chóng ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh đối với những vấn đề mới xuất hiện trong thực tiễn, kịp thời loại bỏ các quy phạm pháp luật đã lạc hậu, cản trở tiến trình phát triển của xã hội.
Tính thống nhất, đồng bộ là khi hệ thống pháp luật bảo đảm được tính hợp pháp, hiệu lực của các văn bản pháp luật dưới luật, các quyết định và hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước; loại trừ mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong các lĩnh vực khác nhau.
Tính minh bạch là khi hệ thống pháp luật có sự rõ ràng về nội dung, chuẩn xác và khoa học về khái niệm, đơn nghĩa trong nội dung thể hiện, dễ hiểu với đối tượng chịu sự tác động.
Tính ổn định là khi các quy định trong hệ thống pháp luật không bị thay đổi một cách tùy tiện.
Tính dễ tiếp cận là khi các quy định trong hệ thống pháp luật đòi hỏi của pháp luật được tập hợp, sắp xếp theo các trật tự, thứ bậc hợp lý, thuận lợi cho việc tra cứu, tìm hiểu.
Tính tổng thể khi hệ thống pháp luật đảm bảo được sự bao quát các thành tố khác nhau như xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật, giáo dục và đào tạo pháp luật.
Có nhiều giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta, trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ tham gia xây dựng pháp luật.
Cán bộ soạn thảo văn bản pháp luật vừa có đạo đức vừa có chuyên môn cao thì các văn bản quy phạm pháp luật mới có chất lượng, tránh được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các quy định, quy phạm pháp luật có tuổi thọ ngắn, thường xuyên phải thay đổi, không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi…
Nói cách khác, chúng ta cần phải nâng cao đạo đức công vụ, phát huy tính đảng của cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực xây dựng pháp luật theo tiêu chí “phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”.
“Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết” trong xây dựng pháp luật có nghĩa là khi soạn thảo các văn bản pháp quy phải vì mục tiêu chung là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong đó.
“Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn” chính là tính chuyên môn, tính khoa học mà các cán bộ, đảng viên cần phải có để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tính đảng từ phía thực thi pháp luật
Một trong những yêu cầu cơ bản của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh, hiệu quả, thể hiện sự thượng tôn pháp luật.
Một bàn tay không tạo ra tiếng vỗ tay. Nếu hệ thống pháp luật đảm bảo tính chất dân chủ, công bằng, nhân đạo, hiện đại, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định nhưng lại không được thực thi nghiêm minh thì đây quả là sự phí phạm nghiêm trọng. Kết quả chung cuộc vẫn là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa thành công.
Sống và làm việc theo pháp luật là trách nhiệm của mọi công dân. Tuy nhiên, đối với cán bộ, đảng viên thì điều này được đặt ra với yêu cầu cao hơn bởi vì bên cạnh đạo đức con người thì họ còn phải tuân thủ đạo đức công vụ.
Công vụ do cán bộ, đảng viên đảm nhận hướng tới hai giá trị là “quản trị tốt” (thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả) và “phục vụ tốt” (cung cấp dịch vụ công cho xã hội, cho nhân dân, đạt được sự hài lòng của người được phục vụ).
Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QÐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công việc và trong đời sống thường nhật. Để thực hiện tốt vai trò nêu gương cho quần chúng thì trước hết cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính đảng – “lý luận và thực hành phải luôn đi đôi với nhau” – trong việc tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Để phát huy hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với xã hội bằng pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cần phải tăng cường đồng thời hai yếu tố: đức trị và pháp trị.
Trong đó, yếu tố "đức trị" là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên để dẫn dắt yếu tố "pháp trị" là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.
Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật./.
Trần Quang Vinh/ TTXVN