Thứ trưởng Ngoại giao bác bỏ các báo cáo sai lệch về quyền con người ở Việt Nam
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt Nam có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.
Thông tin trên được Thứ trưởng nêu tại họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, chiều ngày 15/4. Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến báo cáo UPR chu kỳ IV.
UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.
Nhiều nội dung chưa được kiểm chứng, thiếu khách quan
Về yêu cầu bình luận các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, liên quan đến báo cáo của các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phát biểu hôm 11/4.
Thứ trưởng nêu rõ, một trong những nguyên tắc mang tính nền tảng của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Và một trong những nguyên tắc cũng mang tính nền tảng của quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đó là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
“Tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, những đề xuất, kiến nghị vi phạm quy tắc này", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nêu rõ, không đồng tình với rất nhiều ý kiến nội dung khác trong báo cáo đó. Bởi theo ông, các báo cáo có rất nhiều nội dung được xây dựng trên những thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra những nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn để lấy ý kiến nhưng các tổ chức đã không tham gia vào tiến trình đó, thậm chí không có mặt ở Việt Nam nhưng họ gửi rất nhiều thông tin đánh giá sai lệch về tình hình của Việt Nam.
“Đối với báo cáo quốc gia của Việt Nam, chúng tôi đã có một tiến trình tham vấn rất rộng rãi với tất cả các bên liên quan để củng cố và xây dựng báo cáo của Việt Nam", Thứ trưởng nói.
Ở chiều ngược lại thì tất cả báo cáo khác của các cơ quan Liên hợp quốc đều không được tiến hành công khai, minh bạch, không được tham vấn đầy đủ như cách của Việt Nam tiến hành đối với báo cáo quốc gia của mình. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam hoàn toàn không được tham gia tham vấn gì về nội dung các báo cáo đó.
"Trong khi chúng tôi rất minh bạch, công khai, bảo đảm tính bao trùm với sự tham gia của tất cả các bên liên quan thì các báo cáo khác không được tiến hành theo cách như vậy", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh những nguyên tắc khi làm UPR là "đối thoại, bình đẳng, khách quan và minh bạch", đồng thời, mong muốn các tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao các nước sẽ cân nhắc thận trọng khi sử dụng thông tin trong các báo cáo và sử dụng nguồn thông tin đã được kiểm chứng.
"Chính các đại sứ - những người trực tiếp hiện diện tại Việt Nam, được chứng kiến đổi thay, tiến triển, tiến bộ của Việt Nam từng ngày, từng giờ sẽ mang đến những thông tin đầy đủ, khách quan nhất cho các Chính phủ trong quá trình trao đổi, khuyến nghị đối với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền thời gian tới", Thứ trưởng nói.
Nhiều thuận lợi, nhưng không thiếu thách thức
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III mà Việt Nam đã chấp thuận và xây dựng Báo cáo UPR chu kỳ IV gồm 4 thuận lợi.
Thứ nhất, chủ trương và chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định đặt con người vào vị trí trung tâm của các chính sách phát triển; coi con người là vốn quý nhất, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất, tạo cơ sở vững chắc hơn nữa để bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, khuôn khổ luật pháp ngày càng hoàn thiện đã tạo nền tảng quan trọng để bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của nhân dân.
Thứ hai, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc và phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân không ngừng được ưu tiên, thế và lực đất nước được nâng cao.
Thứ ba, việc nghiêm túc và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và các Mục tiêu phát triển bền vững, cũng là sự bổ sung, tương hỗ cho quá trình thực hiện các khuyến nghị UPR.
Và cuối cùng, trong suốt tiến trình UPR, Việt Nam có được sự hợp tác, đồng hành, ủng hộ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc. Nhân dịp này, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến các đối tác và hy vọng sự hợp tác, sẻ chia tích cực, xây dựng này tiếp tục được phát huy, bền chặt hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng cho biết, bên cạnh những thuận lợi kể trên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai các khuyến nghị UPR chu kỳ III.
Khó khăn lớn nhất phải kể đến đại dịch Covid-19, tác động sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và khu vực, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam gặp nhiều khó khăn về nguồn lực cho phát triển, trong khi vẫn phải ứng phó với biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan cùng nhiều vấn đề toàn cầu khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân.
Bên cạnh đó, có lúc, có nơi, nhận thức của người dân và cán bộ các cấp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người có thể còn chưa được quan tâm đúng mức.
Yếu tố quan trọng
Về sự tham gia của các bên liên quan trong tiến trình UPR tại Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, trong chu kỳ vừa qua cũng như các chu kỳ trước đây, sự tham gia đầy đủ và tham vấn rộng rãi của các bên liên quan là yếu tố quan trọng và luôn được tạo điều kiện.
Cùng với sự cởi mở, minh bạch của các cơ quan đầu mối thực hiện các khuyến nghị, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động trong tiến trình này.
Bộ Ngoại giao đã tổ chức một số Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và tham vấn về nội dung Báo cáo một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của các Bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân; đồng thời mở kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp qua thư, email và tiếp thu nhiều ý kiến xây dựng. Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành cũng đã tổ chức một số hội nghị, hội thảo có nội dung liên quan đến các khuyến nghị UPR trong phạm vi phụ trách.
Các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức nhân dân chủ động tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin để thúc đẩy sự tham gia xây dựng vào tiến trình này, bao gồm việc đóng góp cho báo cáo quốc gia cũng như gửi báo cáo của các bên liên quan.
Nghĩa vụ và trách nhiệm cao hơn
UPR và việc xây dựng báo cáo quốc gia cũng như việc thực hiện các kiến nghị UPR đó là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Việc triển khai xây dựng báo cáo là cũng đúng vào thời điểm tham gia và là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, đã cho thấy Việt Nam càng cảm thấy có nghĩa vụ và trách nhiệm cao hơn đối với báo cáo.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, quá trình xây dựng báo của Việt Nam cũng gắn liền với quá trình tham gia Hội đồng Nhân quyền hiện nay, cũng như phương châm đã đề ra ngay trong quá trình vận động đó là bảo đảm sự tôn trọng, hiểu biết có đối thoại hợp tác, bảo đảm các quyền con người cho tất cả mọi người.
Trong quá trình chuẩn bị báo cáo này phù hợp với ưu tiên, cam kết của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền về các nội dung như quyền con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quyền của người khuyết tật, quyền sức khoẻ, y tế, chống phân biệt đối xử…
Về những đóng góp trong tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam cũng thúc đẩy một số sáng kiến tại Hội đồng Nhân quyền như đầu năm 2023, Việt Nam đã thúc đẩy thành công để Hội đồng Nhân quyền thông qua nghị quyết về kỷ niệm 75 năm ngày Tuyên ngôn nhân quyền thế giới và 30 năm Tuyên bố và chương trình hành động Vienna về quyền con người. Nghị quyết này được thông qua bằng đồng thuận với sự tham gia bảo trợ của hơn 120 quốc gia thành viên.
“Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự tham gia đóng góp của mình tại Hội đồng Nhân quyền trong thời gian tới đây”, Thứ trưởng khẳng định.
Về những điều chỉnh trong chính sách của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết, hiện Việt Nam vẫn luôn trăn trở và nỗ lực để cải thiện những lỗ hổng trong việc bảo đảm quyền con người.
Thứ trưởng dẫn chứng Hiến pháp năm 2013 đã dành riêng 1 chương cho vấn đề nhân quyền. Và với Hiến pháp, Việt Nam đã có một nền tảng quy tắc tương đối rộng về việc bảo vệ thúc đẩy nhân quyền. Dựa vào đó, Việt Nam đã sửa đổi và bổ sung hơn 100 luật và văn bản pháp lý khác. Đây là một quá trình liên tục.
Như đã đề cập trong báo cáo, tính từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã sửa đổi và bổ sung hơn 40 luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã đang tận dụng những cơ chế gồm cả đa phương, song phương, khu vực và quốc tế để cải thiện những lỗ hổng còn tồn tại. Hiện Việt Nam có các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Nga, Trung Quốc, đồng thời là thành viên liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Việc tổ chức họp báo ngày hôm nay cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi thêm về thực tiễn kinh nghiệm trên toàn cầu để hoàn thiện hệ thống chính sách về nhân quyền ở Việt Nam.
Nguyễn Hồng/ baoquocte.vn