Phối hợp ba trụ cột để thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII
Đại diện ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân đã chia sẻ về sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của ĐH Đảng.
Sáng 14/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Trình bày tham luận tại hội nghị, đại diện ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã chia sẻ nhiều nội dung về sự phối hợp chặt chẽ của ba trụ cột trong việc thực hiện thắng lợi, hiệu quả tổng thể đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.
Phát huy lợi thế riêng của mỗi lực lượng làm công tác đối ngoại
Tham luận tại hội nghị, Trưởng ban Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung khẳng định Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ tổng quát và phấn đấu đến giữa thế kỷ này, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng xác định những mục tiêu cụ thể đến các năm 2025, 2030 và 2045.
Đại hội cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức trong tình hình khu vực, quốc tế và hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề và phức tạp hơn. Từ đó, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra đường lối ngoại vừa mang tính kế thừa, vừa có tính phát triển quan trọng như về vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Theo ông Lê Hoài Trung, Ban Đối ngoại Trung ương được Bộ Chính trị giao cho chức năng và nhiệm vụ là cơ quan tham mưu trong lĩnh vực đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thẩm định và tham gia thẩm định các đề án về đối ngoại trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân và quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định của Đảng về công tác đối ngoại.
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành ở địa phương, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ quán triệt các đường lối, quan điểm của Đảng, phát huy những kết quả công tác đã đạt được, nỗ lực góp phần thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.
Trong công tác đối ngoại Đảng, cần coi trọng và nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu chiến lược, tập trung vào việc nắm bắt kịp thời diễn biến có thể dẫn đến sự thay đổi xu thế, cục diện thế giới, sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, các nước trong khu vực, các vấn đề khu vực và quốc tế liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước; các xu thế chính trị, trào lưu tư tưởng và xu hướng vận động của các chính đảng, phong trào chính trị-xã hội trên thế giới và các cơ chế đa phương liên quan. Từ đó cùng các bộ, ngành, địa phương tham mưu, xây dựng những định hướng, chiến lược, đối sách, thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, kịp thời dự báo, không để bị động bất ngờ, cùng với đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công tác thẩm định.
Đồng thời, phát huy công tác đối ngoại Đảng làm trụ cột trong việc định hướng chiến lược tổng thể quan hệ với các nước láng giềng, các nước khác có cùng chế độ chính trị-xã hội; tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ của Việt Nam với các nước; khẳng định vị trí trụ cột của đối ngoại nhân dân trong việc xây dựng và tăng cường nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam, góp phần nhiều hơn vào việc tạo sự đồng lòng của người Việt Nam ở nước ngoài.
Thực hiện đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân để thúc đẩy sự hiểu biết, sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, tranh thủ việc nghiên cứu, trao đổi lý luận và kinh nghiệm với các đối tác quốc tế phục vụ cho việc xây dựng đường lối và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, góp phần tranh thủ nguồn lực phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước và các địa phương.
"Ban Đối ngoại Trung ương đã cùng các ban, ngành liên quan quan trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đề án triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 18/2/2019 về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới; Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư ngày 6/7/2011 về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Cùng với đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại hội nhập quốc tế, sự phối hợp của ba trụ cột đối ngoại, phát huy lợi thế riêng của mỗi lực lượng làm công tác đối ngoại, đồng thời kết hợp các hoạt động đối ngoại theo các định hướng, chiến lược đối ngoại chung," ông Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại
Tham luận về "Xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại và phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc," Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu như quật cường của dân tộc, ngoại giao luôn là một mặt trận chiến lược, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc đổi mới, ngành ngoại giao cùng các cấp, các ngành đã có đóng góp quan trọng vào giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ đồ, tiềm lực và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Những thành tựu của ngành ngoại giao luôn gắn liền với sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với đối ngoại; sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại, ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước để thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ, nhằm hướng tới xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện hiện đại.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của đất nước; tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ, vừa hợp tác, vừa đấu tranh khôn khéo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong mối tương quan chặt chẽ với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định vào thuận lợi cho phát triển đất nước.
Cùng với đó, triển khai toàn diện và gắn kết chặt chẽ giữa các trụ cột, binh chủng đối ngoại, bao gồm ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; tranh thủ tối đa các mối quan hệ chính trị tốt đẹp, các yếu tố quốc tế thuận lợi, các cam kết thỏa thuận quốc tế nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài kết hợp hiệu quả với nguồn lực trong nước phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững và bao trùm, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Ngành cũng không ngừng đổi mới sáng tạo trong đối ngoại và ngoại giao, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa, đổi mới và phát triển, trong đó kế thừa và vận dụng sáng tạo cao tư tưởng, phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; truyền thống, bản sắc ngoại giao Việt Nam, đồng thời liên tục cập nhật, bổ sung, phát triển và hoàn thiện nhận thức, chủ trương, chính sách ngoại giao, sách lược ngoại giao phù hợp với tình hình mới.
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngoại giao với đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội, ngành ngoại giao đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho hoạt động đối ngoại và ngoại giao; đổi mới, kiện toàn các cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai đối ngoại, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành ngoại giao cả trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo hướng tinh gọn, khoa học, hợp lý và hiệu quả; đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành ngoại giao.
"Điều cốt yếu là xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách và phương pháp làm việc; có tinh thần đổi mới sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế; tiếp tục đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, trong đó đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ ngoại giao, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược nhằm xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao trong sạch, vững mạnh toàn diện," Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Đối ngoại nhân dân thích ứng linh hoạt trong tình hình mới
Tham luận về trụ cột đối ngoại nhân dân, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa, đối ngoại nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có đóng góp quan trọng trong mọi giai đoạn của cách mạng Việt Nam.
"Đối ngoại nhân dân giúp nhân dân thế giới hiểu rõ về một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, kiên cường, bất khuất, nhân nghĩa, thủy chung, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn và mạnh mẽ chưa từng có, đoàn kết ủng hộ Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước," Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Nguyễn Phương Nga, đối ngoại nhân dân đã cùng đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước tích cực đi trước, mở đường, phá bao vây cấm vận, thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với các đối tác quan trọng; huy động sự ủng hộ của nhân dân thế giới giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước. Trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, đối ngoại nhân dân đã phát triển lớn mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: hòa bình, đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhân dân, công tác phi chính phủ nước ngoài, tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương, thông tin đối ngoại, nghiên cứu, tham mưu hoạt động về Việt Nam ở nước ngoài, đấu tranh với những quan điểm sai trái về Việt Nam, nhất là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chủ quyền biển đảo, góp phần tăng cường tình hữu nghị với nhân dân các nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ sự ủng hộ nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển đất nước, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Để phát huy vai trò của trụ cột đối ngoại nhân dân, Liên hiệp hữu nghị đề xuất một số giải pháp chủ yếu. Theo đó, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nâng cao nhận thức, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phân vai hỗ trợ giữa các trụ cột của đối ngoại, giữa các tổ chức nhân dân ở Trung ương và địa phương để phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi tổ chức, mỗi trụ cột và sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam.
Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, thích ứng với tình hình và nhiệm vụ mới, bám sát phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin; làm tốt vai trò cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam với các nước, nhất là nhân dân các nước láng giềng, ASEAN, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững...
Bà Nguyễn Phương Nga lưu ý đến việc xây dựng lực lượng đối ngoại nhân dân vững mạnh; kiện toàn tổ chức, hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm nguồn lực tài chính và con người cho đối ngoại nhân dân; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân chuyên trách, ổn định, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, có năng lực đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ.
Liên hiệp hữu nghị kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng sớm ban hành chỉ thị mới về đối ngoại nhân dân thay thế Chỉ thị số 04 ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư khóa XI để phù hợp với vai trò, nhiệm vụ mới là một trụ cột của đối ngoại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần thể chế hóa kịp thời và thực hiện nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm nguồn lực phù hợp để đối ngoại nhân dân hoàn thành nhiệm vụ./.
Việt Đức / TTXVN/Vietnam+