A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà ở xã hội: Quốc hội sẽ thí điểm cơ chế đặc thù nhằm gỡ các "nút thắt"

Nhằm tháo gỡ những "nút thắt" đang cản trở sự phát triển của nhà ở xã hội, Quốc hội sẽ thí điểm một loạt cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực mới cho phân khúc nhà ở này.

Nghị quyết dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2025 và được thực hiện trong thời gian 5 năm.
Ảnh: TTXVN

Ngày 20/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Dự kiến Nghị quyết này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2025 và được thực hiện trong thời gian 5 năm.

Nới lỏng điều kiện hưởng chính sách

Theo Tờ trình, Nghị quyết sẽ thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào các lĩnh vực chính, bao gồm Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập Trung ương và địa phương. Nguồn vốn của Quỹ do ngân sách Nhà nước cấp và tiếp nhận đóng góp tự nguyện, thu từ quỹ đất hạ tầng kỹ thuật nhà ở xã hội cùng các nguồn hợp pháp khác. Quỹ này đóng vai trò chủ chốt trong đầu tư xây dựng và tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua.

Bên cạnh đó, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được phép giao trực tiếp chủ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội mà không cần thông qua đấu thầu. Quy hoạch chi tiết dự án sẽ được đơn giản hóa quy trình lập, thẩm định và phê duyệt. Cùng với đó, thủ tục đầu tư xây dựng sẽ rút gọn thủ tục và loại bỏ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi tại cơ quan chuyên môn.

Đáng chú ý, giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư tự xác định giá bán, giá thuê/mua nhà dựa trên phương pháp và lợi nhuận định mức theo quy định và có thuê tư vấn thẩm tra. Thêm vào đó, điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ nới lỏng và đặc biệt là với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sắp xếp lại. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Riêng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ ưu tiên sử dụng nguồn thu từ các dự án nhà ở thương mại để thực hiện tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Hơn nữa, đối tượng áp dụng của Nghị quyết sẽ rất rộng, bao gồm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân và nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.

ttxvn-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-doanh-nghiep-8042573.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: TTXVN
 

Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả

Về phía Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ông Tùng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết thí điểm. Các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết là khác với các luật hiện hành và việc này phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội."

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng lưu ý về những rủi ro tiềm ẩn. Ông Tùng nhấn mạnh các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới và lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Do đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị bổ sung quy định "giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội" vào dự thảo Nghị quyết. Trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, Chính phủ cần quan tâm thể hiện rõ các cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm.

potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-doanh-nghiep-8042567.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết.
Ảnh: TTXVN
 

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng chỉ ra một số vấn đề cần thảo luận thêm, bao gồm sự phù hợp của dự thảo Nghị quyết với chủ trương, đường lối của Đảng (phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết có một số thay đổi so với các chính sách được cấp có thẩm quyền đồng ý). Mặt khác, Quỹ Nhà ở quốc gia cần làm rõ mối quan hệ giữa nguồn thu của Quỹ và nguồn thu của ngân sách Nhà nước cũng như chức năng đầu tư xây dựng của Quỹ.

Về nội dung giao chủ đầu tư không qua đấu thầu, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng cần rà soát để quy định chính sách đặc thù phù hợp với nguồn vốn đầu tư và bổ sung các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Hơn nữa, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng cần giao Chính phủ quy định về cơ chế kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành.

Về hoàn trả tiền cho chủ đầu tư, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh phải cân nhắc thận trọng việc Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất đồng thời cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung có sự thay đổi về chính sách để bổ sung quy định chuyển tiếp đầy đủ, chính xác, chặt chẽ./.

(Theo Vietnam+)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm