Ngoại giao Việt Nam làm tốt 'sứ mệnh' trong đại dịch
Ưu tiên chính sách đối nội và đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào trong giai đoạn đại dịch cũng là đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân. Lãnh đạo Việt Nam nói chung và ngành Ngoại giao nói riêng đã và đang nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, huy động tối đa nguồn lực để chống dịch Covid-19.
Việc đảm bảo có được nguồn cung vaccine Covid-19 là một nhiệm vụ quan trọng. “Sứ mệnh” không đơn giản này nằm trên “đôi vai” các đồng nghiệp của chúng tôi tại Bộ Ngoại giao Việt Nam và các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Các cán bộ ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực hết mình trên cả cấp độ song phương và đa phương để thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trong nước, hạn chế sự lây lan của các ổ dịch. Chúng tôi rất vui mừng trước những thành tựu mà các đồng nghiệp Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức các hoạt động ngoại giao. Phần lớn hoạt động đã được chuyển sang hình thức trực tuyến, tuy nhiên, hình thức này không phải lúc nào cũng đáp ứng được mong muốn từ các bên. Trong bối cảnh đó, trong thời gian ngắn, Việt Nam đã nghiên cứu soạn thảo một hình thức tiếp đón các đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch.
Việt Nam cũng đã có những chính sách công nhận hộ chiếu vaccine với một số đối tác nước ngoài, điều này góp phần đơn giản hóa các điều kiện đi lại trong hoàn cảnh đại dịch. Chúng tôi hy vọng rằng, việc khôi phục vận tải hàng không, trong đó có cả với Nga sẽ sớm được thực hiện.
Nhờ những nỗ lực trong thời gian qua, Việt Nam đã thành công trong việc khôi phục việc trao đổi trực tiếp các đoàn đại biểu cấp cao. Chỉ trong ba tháng gần đây, hai đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã đến thăm Nga là đoàn do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu (từ ngày 29/11-2/12) và đoàn do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu (tháng 9). Các chuyến thăm đã được thực hiện cùng việc tuân thủ tất cả những biện pháp phòng chống dịch và cho thấy tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp phòng dịch.
Nga và Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong nỗ lực chống lại đại dịch. Sự phối hợp hành động này được chúng tôi coi như một trong những hướng đi quan trọng nhất trong tương lai.
Hiện nay, các tổ chức được ủy quyền của hai bên đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm về công tác chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa Covid-19. Một số hội nghị chuyên đề đã được tổ chức với sự tham gia của Trung tâm Nhiệt đới Rospotrebnadzor và các tổ chức hữu quan của Việt Nam nhằm xây dựng cơ sở nghiên cứu để phát triển và sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Thời gian qua, Việt Nam đã trao tặng Nga thuốc sát trùng, khẩu trang và quần áo bảo hộ lao động. Nga hỗ trợ Việt Nam một số lô vaccine Sputnik-V, hệ thống xét nghiệm và thuốc thử phục vụ nghiên cứu. Các nhà dịch tễ học Nga đã được cử đến Việt Nam thông qua Trung tâm Nhiệt đới. Phòng thí nghiệm lưu động do Nga sản xuất đang thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm cho người dân Việt Nam tại những vùng xa xôi hẻo lánh.
Nga - Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp cho Việt Nam vaccine Sputnik-V. Trong chuyến thăm chính thức Nga vừa qua của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã đạt được thỏa thuận tổ chức sản xuất theo chu trình đầy đủ loại vaccine Sputnik-V và Sputnik Light tại Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng, Bộ Y tế Việt Nam sẽ cấp đăng ký trong thời gian ngắn nhất sắp tới cho vaccine Sputnik Light- loại vaccine có hiệu quả đến tháng thứ năm sau khi tiêm đạt 80%.
Gennady Bezdetko/ baoquocte.vn