A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Ngoại giao góp phần làm nên thành công của nông sản và thương hiệu Việt

Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp, địa phương... đều đánh giá cao sự góp sức và hỗ trợ của ngành Ngoại giao cũng như vai trò của các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tìm kiếm thị trường.

Bốn đề nghị VCCI kiến nghị ngành Ngoại giao

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu tham luận. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành ngoại giao và cộng đồng doanh nghiệp lúc này là làm sao tận dụng được các cơ hội và hoá giải các thách thức nói trên, để vừa thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại, vừa đưa kinh tế nước ta phát triển, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra.

Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nói trên, VCCI xin có một số đề nghị như sau:

Một là, đề nghị Chính phủ trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn tới quan tâm có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chủ động (i) đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, tham gia hiệu quả vào các chuỗi sản xuất toàn cầu, khai thác các cơ hội từ các hiệp định FTA đã ký kết (ii) ứng phó hiệu quả với các rào cản, các rủi ro trong chính sách thương mại của các nước và (iii) nâng cao năng lực hội nhập, hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, thực hiện các tiêu chuẩn phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội.

Hai là, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm thông tin, tình hình thị trường, thâm nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh, quan hệ đối tác tại các thị trường ngoài nước, nhất là với các thị trường trọng điểm, các đối tác chiến lược của Việt Nam, đồng thời tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.

Ba là, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài xem xét phối hợp cùng VCCI mở cổng thông tin thị trường trên mạng Internet phục vụ các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức các dịch vụ gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và phát triển thị trường ngoài nước, có thể triển khai các gói dịch vụ hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp (có thu phí như một số nước) như (i) tìm hiểu, xâm nhập, kết nối với đối tác tại thị trường nước ngoài; (ii) dự báo thị trường, định hướng doanh nghiệp; (iii) công tác đối ngoại thương mại.

Bốn là, tại Đại hội toàn quốc VCCI sắp tới, VCCI sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược phát triển mới, bám sát mục tiêu, đường lối phát triển đất nước do Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong đó, hội nhập quốc tế là 1 trong 6 trọng tâm lớn và xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam là 1 trong 3 đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ tới.

VCCI đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của ngành ngoại giao trong thực hiện hội nhập quốc tế và tiếp thu các giá trị văn hoá kinh doanh của thế giới để xây dựng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam văn minh, có bản sắc văn hoá riêng, phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Chúng tôi tin tưởng, trong thời gian tới, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ngành ngoại giao Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là lá cờ đầu trong triển khai các công tác Ngoại giao phục vụ phát triển đất nước. VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ luôn sát cánh cùng ngành Ngoại giao để phát huy hoạt động kinh tế đối ngoại, đóng góp vào sự nghiệp ngoại giao chung của đất nước.

Nhà ngoại giao là người cầm lái những chuyến xe thị trường

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 31, ngày 15/12. Ảnh: Nguyễn Hồng

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, ở góc độ chiều sâu văn hoá, nông sản Việt, khi đến tay người tiêu dùng năm châu, là sự hoà quyện giá trị hữu hình với giá trị vô hình - giá trị Việt. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người.

Nông sản Việt là kết tinh của hình ảnh Việt Nam, thương hiệu Việt Nam. Nông sản Việt là lời nhắn gửi bình dị của người nông dân Việt Nam: “sản xuất, kinh doanh nông sản là trao đi niềm tin và nhận lòng tự hào với quê hương xứ sở”. Nông sản Việt là cam kết của ngành nông nghiệp quyết hướng tới giá trị xanh từ những tiềm năng xanh, chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

"Tôi chợt nghĩ vui đến hình ảnh những chuyến xe. Nhưng không phải là: 'Cứ một chuyến xe nông sản xuất khẩu, thì lại có hai chuyến xe nông sản nhập vào' nữa. Mà đó là, những 'Chuyến xe chạy về nước mình' chuyên chở thông tin thị trường, đặc điểm văn hoá, xu thế tiêu dùng, đầy ắp những nhận định, đánh giá về tình hình, xu hướng mới trong phát triển nông nghiệp và người cầm lái những chuyến xe ấy chính là các nhà ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đang ngồi ở đây, tham dự hội nghị này…

Và những 'chuyến xe chạy khắp nơi, đến các nước khác' không chỉ chuyên chở các mặt hàng nông sản Việt chất lượng cao, tích hợp đa giá trị, mà còn chuyển tải hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đầy tự tin, tự hào sánh vai cùng các cường quốc năm châu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan ví von.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những chuyến xe chạy khắp nơi đến thị trường các nước không chỉ chuyên chở những nông sản Việt chất lượng cao, tích hợp đa giá trị mà còn chuyển tải hình ảnh về một đất nước, con người Việt Nam đầy tự tin, tự hào, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ngoại giao giúp đưa thương hiệu Việt ra quốc tế

Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Thái Dương. Nguồn: NVCC

Là một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam đến các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Phó Tổng giám đốc Công ty Sao Thái Dương Nguyễn Thị Hương Liên chia sẻ, doanh nghiệp của bà gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường.

"Đến với Hội nghị ngoại giao lần thứ 31 hôm nay, được nghe định hướng của Chính phủ, Bộ Ngoại giao cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, chúng tôi nhận thấy nguồn sức mạnh từ sự cam kết, giúp đỡ rất quyết tâm, cụ thể của Bộ Ngoại giao và các Đại sứ trong thời gian tới. Đó là giúp đỡ doanh nghiệp đẩy mạnh hơn nữa thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Những năm qua, Công ty Sao Thái Dương đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho nhà máy từ nghiên cứu phát triển đến hệ thống quản lý chất lượng, hoạt động lưu thông trên thị trường. Dù đã phải trả giá rất nhiều trong chặng đường vừa qua nhưng cho tới thời điểm này, chúng tôi tự tin với những gì đã làm được nhờ sự giúp đỡ của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật những kiến thức mới, chuyển giao khoa học công nghệ để có thể tiếp tục tạo ra các sản phẩm 'Made in Vietnam', làm cho các sản phẩm Việt Nam hiện diện mạnh mẽ trên thị trường quốc tế", bà Nguyễn Thị Hương Liên cho hay.

Hỗ trợ địa phương tăng cường kết nối

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa trả lời phỏng vấn TG&VN bên lề Hội nghị. Ảnh: Trần Trung

Trao đổi với TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa cho biết, thời gian qua Bộ Ngoại giao đã có một loạt các sự kiện kết nối ý nghĩa, giúp ích rất nhiều cho các địa phương.

Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao đã chủ động kết nối, hỗ trợ các địa phương quan tâm chủ động tiếp cận với các đoàn cấp cao, doanh nghiệp nước ngoài sang thăm, tìm hiểu Việt Nam. Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động trong năm ASEAN, các sự kiện đối ngoại lớn, các cuộc chào hỏi, gặp mặt các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam trước khi đi làm nhiệm vụ cũng giúp địa phương có thêm một kênh quan trọng để truyền tải hình ảnh, thông điệp, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển.

"Đây là những kênh hỗ trợ hết sức ý nghĩa, hiệu quả, thiết thực của Bộ Ngoại giao cho địa phương, cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới", ông Lê Hải Hòa nói.

Để tháo gỡ những khó khăn và định hướng về công tác đối ngoại trong thời gian tới ông Lê Hải Hòa cho biết, Cao Bằng tập trung vào 3 yếu tố:

Thứ nhất, đề cao tính hiệu quả và thực chất, không chú trọng số lượng mà chú trọng chất lượng trong công tác đối ngoại, chẳng hạn như việc ký kết biên bản ghi nhớ hay thỏa thuận kết nghĩa...

Thứ hai là đổi mới nội dung, phương pháp, kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả, vừa trực tiếp vừa trực tuyến trong các hoạt động đối ngoại.

Thứ ba là bám sát các hướng dẫn và tận dụng tốt các sự kiện, hoạt động đối ngoại do Bộ Ngoại giao chủ trì, kết nối.

(Theo baoquocte.vn)


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm