A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Võ Nhất Nam - di sản văn hóa thuần Việt

Võ Nhất Nam là 1 môn phái có lịch sử phát triển lâu đời của dân tộc Việt Nam. Theo các tài liệu nghiên cứu, những dòng võ dân gian hợp thành môn phái Võ Nhất Nam xuất hiện đầu tiên ở vùng đất châu Hoan, châu Ái, tức vùng Thanh Hóa - Nghệ An ngày nay. Võ Nhất Nam được xem là võ phái thuần nhất của người Việt, không pha tạp, lai căng với võ học Trung Hoa hay các dòng phái võ học nước ngoài khác.

Sau một thời gian dài tưởng chừng như đã thất truyền và rơi vào quên lãng, giờ đây môn phái võ Nhất Nam đang hồi sinh mạnh mẽ. Hơn cả võ thuật, sự trở lại của Võ Nhất Nam được ví như sự sống dậy của một di sản văn hóa dân gian Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm.

Tôi có cơ duyên gặp Giáo sư - Viện sỹ - Võ sư Ngô Xuân Bính trong dịp ông về nước tổ chức triển lãm tranh “Du và Dội”, một triển lãm hoành tráng nhất, kéo dài nhất từ trước tới nay ở Việt Nam. Ông được cả giới nghiên cứu y học, nghệ thuật, võ thuật xem là bậc “kỳ nhân” bởi năng lực đặc biệt của mình trên nhiều lĩnh vực, vừa nghiên cứu y học, võ học, vừa sáng tạo hội họa và thi ca, lĩnh vực nào ông cũng có những công trình nghiên cứu đồ sộ. Tôi đã nghe danh ông từ lâu khi tìm hiểu về môn phái Võ Nhất Nam, được biết ông là người kế truyền môn phái võ dân tộc này rồi phát triển nó ở châu Âu và Liên bang Nga.

Nghe kể: Võ sư Ngô Xuân Bính từng dùng y thuật dân tộc để chữa bệnh cho Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane..., Tổng thống Nga Boris Yeltsin cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác. Ngô Xuân Bính vốn là trực hệ của danh tướng Ngô Phan - người chém đầu tướng Liễu Thăng ở ải Chi Lăng. Thuở nhỏ, ban ngày cậu học trò Ngô Xuân Bính đi học, đêm về luyện võ với các cụ trong dòng họ. Sau này khi đã tinh thông, ông tiếp tục truyền dạy cho bạn bè và các học trò của mình. Khi ra nước ngoài sinh sống, ông lại mang Võ Nhất Nam truyền dạy cho người ngoại quốc. Võ sư Trịnh Hồng Minh (cháu nội của cụ Trịnh Văn Bô, người hiến tặng Chính phủ hơn 5 ngàn lượng vàng trong “Tuần Lễ Vàng”) là một trong những người kế truyền Võ Nhất Nam từ thầy Ngô Xuân Bính và phát triển môn phái ở khu vực miền Bắc. Hiện anh là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Võ cổ truyền Việt Nam.

Ở Việt Nam có nhiều môn phái võ thuật như Bình Định gia, Hoa quyền, Nam Tông, Tân Khánh Bà Trà, Sa Long Cương, Thanh Long võ đạo, Lam Sơn căn bản... Trong đó, hầu hết gốc gác từ Trung Quốc, dần già tích hợp, dung hòa với võ Việt. Tuy nhiên, vẫn có những môn phái thuần Việt phát triển, tồn tại trong các làng quê, dòng họ.

Nằm trên vùng đất tối cổ châu Hoan, châu Ái, nay là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ xa xưa đã tồn tại một dòng võ đặc dị của người Việt. Đời nối đời, dòng võ này đã trở thành một môn phái võ thuật ngày nay mang tên Nhất Nam. Môn võ dân tộc này tồn tại dưới dạng gia phái ở các làng xã vùng sông Lam, sông Mã và những võ sư đều ẩn danh.

Lớp trước truyền lại lớp sau, kế thừa và sáng tạo, môn quyền thuật tiền thân của Nhất Nam dần trở thành một dòng võ đặc dị, có tính quy mô và tổ chức cao, với hệ thống môn công đồ sộ, hệ thống lí luận phong phú, chặt chẽ về tâm pháp, yếu pháp, kĩ pháp, toàn diện từ quyền cước, binh khí đến công phu luyện nội, ngoại, dưỡng sinh... làm nền tảng cho người theo võ học tu thân, luyện tài.

Võ thuật Nhất Nam mang đậm tính chất văn hoá dân gian, làng xã, nó tồn tại và ẩn mình trong các làng quê, dòng họ, ở đó người ta học võ không phải để tham gia thi cử và tiến thân mà học võ để rèn luyện cơ thể, để tham dự lễ hội văn hoá dân gian, để giữ đạo lý và truyền thống, để làm việc nghĩa và chống cường bạo, để bảo vệ quê hương và cao hơn nữa là để gia nhập vào nghĩa quân giải phóng đất nước khi cần thiết.

Người khôi phục và phát triển môn phái Võ Nhất Nam ở Thanh Hóa là Võ sư Trần Dũng. Hiện anh công tác ở Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Trong quá trình theo học ngành y, anh đã có may mắn được gặp thầy Ngô Xuân Bính và các võ sư đàn anh như Trịnh Hồng Minh, được truyền dạy môn phái Võ Nhất Nam. Vốn có năng khiếu võ thuật nên Trần Dũng tiếp thu khá nhanh. Khi về Thanh Hóa lập nghiệp, anh quyết tâm đem Võ Nhất Nam truyền lại cho các môn sinh khác.

Được sự trợ giúp của ông Hồ Quang Sơn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa, Chi hội Võ Nhất Nam Thanh Hóa trực thuộc Hội đã được thành lập do Võ sư Trần Dũng làm Chi hội trưởng. Đây chính là nơi đang bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa quý báu của môn Võ Nhất Nam tại Thanh Hóa.

Hơn 2 thập kỷ hồi sinh, võ thuật Nhất Nam vẫn duy trì một sức hút mãnh liệt đối với các võ sư, võ sinh trên cả nước nói chung và các thành viên chi hội Võ Nhất Nam Thanh Hóa nói riêng. Bản sắc đặc dị, thuần Việt của dòng võ cổ xưa này luôn thôi thúc những người tập luyện tìm về sâu hơn cội nguồn của nó.

Đặc điểm Võ Nhất Nam xuất phát trước hết từ đặc điểm của người Việt là tầm vóc nhỏ bé, mà trong thời gian dài lịch sử lại phải thường xuyên đối đầu với người phương Bắc thể lực to khỏe và quyết chí cao, nên khó có thể đương lực ngang bằng theo lối đối đòn và trả miếng bằng sức mạnh cơ bắp, muốn thắng phải tìm ra thế mạnh riêng. Do đó ta không thể tập theo lối cương cường, mà tập trung vào luyện công và môn công để khắc chế võ Trung Hoa. Cụ thể là tập nhiều về tránh né sao cho thật thuần thục để những đòn đánh của đối phương đều không đến được đích, rồi chọn cơ hội tấn công vào đúng điểm hở, điểm yếu của đối phương mà dứt điểm.

Các môn sinh Nhất Nam được rèn luyện bài bản từ quyền cước đến thập bát ban võ nghệ. Toát lên qua các đường quyền, ngọn cước của môn phái này là tinh thần “nhại công”, có nghĩa là bắt chước cái tinh túy của muôn loài. Vì thế mà người xưa thường “bắt nhại” cái mạnh của thú vật; cái mềm dai của giống dây rừng; sắc bén của cật tre nứa; xù cứng gân guốc của cội mai; nhanh khéo của giống khỉ, vượn; uyển chuyển, mềm mại của báo, mèo; bất ổn của mây gió, bất dịch của núi... để sáng chế thành võ.

Một điều làm nên bản sắc của Nhất Nam hay có thể nói là nét độc đáo kế thừa từ môn võ Hét cổ truyền chính là tiếng hét trong lúc luyện võ. Những thanh âm gầm gừ và tiếng hét dứt khoát càng làm bật nên sự hoang dã, khỏe khoắn trong chất Võ Nhất Nam. Đó không đơn thuần chỉ là cách để đe dọa, lấn át tinh thần đối thủ mà còn là phương pháp để điều tiết và giữ nhịp hơi thở, hạn chế việc mất sức, hụt hơi trong quá trình giao đấu.

Môn sinh của phái Nhất Nam luôn được răn một điều: võ thuật không phải là bạo lực mà là đạo tu thân. Nhờ luyện võ mà người học đạt đến chữ “tĩnh” trong tâm, bình đẳng và hòa đồng cùng thiên nhiên, trân trọng vạn vật. Đây chính là nền tảng của tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp, yêu quê hương, con người, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Và mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, những môn sinh Nhất Nam lại sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho nền độc lập của dân tộc.

Chùa Bái Chăm chính là nơi các môn sinh Võ Nhất Nam đến luyện tập hàng tuần. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Đại đức Thích Nguyên Pháp - Trụ trì của chùa, các môn sinh có một không gian rộng rãi, yên tĩnh để luyện tập và tu tâm.

Chính vì tinh thần nghĩa hiệp, sống vì mọi người, sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi của cộng đồng, môn phái Nhất Nam nhanh chóng hồi sinh và phát triển ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thanh Hóa - một trong những cái nôi đầu tiên của võ phái này. Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Hội Di sản văn hóa và Cổ vật Thanh Hoa, Chi hội Võ Nhất Nam Thanh Hóa đã mang phong trào luyện tập võ Nhất Nam đến đông đảo người dân xứ Thanh.

Sau hơn 5 năm Chi hội Võ Nhất Nam Thanh Hóa đi vào hoạt động, đến nay hàng nghìn võ sinh đủ mọi lứa tuổi, thành phần đã và đang say mê theo từng đường quyền, ngọn cước của Nhất Nam. Có người chỉ học một thời gian ngắn, nhưng tinh thần Nhất Nam vẫn luôn âm ỉ trong tim. Nhiều bậc cha mẹ học sinh thấu hiểu tinh thần Nhất Nam đã cho con mình theo học. Ông Phan Văn Quyền ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá tâm sự: Tôi đưa cháu đi học Võ Nhất Nam vì thấy lợi ích về sức khỏe, cháu không sa đà vào các trò chơi vô bổ như game online, hơn nữa lại góp phần bảo tồn văn hóa cổ truyền dân tộc”. Em Nguyễn Thị Thủy Tiên, một môn sinh quê xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa hào hứng chia sẻ: “Thấy em học võ, nhiều bạn cũng học theo nên rất vui. Từ ngày học võ, em bớt ốm vặt mà tinh thần phấn chấn, hăng say học tập hơn”.

Nhận thấy tác dụng của Nhất Nam trong việc rèn luyện, giáo dục học sinh, một số trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đưa Nhất Nam vào giờ học ngoại khóa. Nhiều câu lạc bộ Nhất Nam đã được thành lập ở các địa phương với mục đích giúp các bạn trẻ rèn luyện sức khoẻ, và quan trọng hơn giúp các em nhận thức được giá trị của sự sẻ chia, yêu thương, từ đó có thể chế ngự bản thân trước những cám dỗ đời thường. Trường Tiểu học Hoằng Quỳ đã đưa hẳn Võ Nhất Nam vào làm môn học ngoại khóa, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục về phát triển võ thuật học đường để rèn luyện sức khỏe cho học sinh. Liên tục nhiều năm qua, các môn sinh của Chi hội Võ Nhất Nam Thanh Hóa được tham gia trình diễn trong nhiều lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và cả nước như: Lễ khai mạc năm du lịch quốc gia tại Thanh Hóa; Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ rước trống đồng; Lễ kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam...

Từ võ Hét đến Nhất Nam - một di sản văn hóa thuần Việt đang hồi sinh mạnh mẽ. Chặng đường hồi sinh hơn 20 năm của Nhất Nam Việt Nam nói chung và sự phát triển của Nhất Nam tại Thanh Hóa nói riêng không phải là dài đối với lịch sử hàng nghìn năm của môn phái. Nhưng với lòng nhiệt tình, sự say mê của lớp người kế cận, môn phái Nhất Nam sẽ tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao sức khỏe, rèn luyện đạo đức và giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Hương Dũng/ baovanhoadoisong.vn


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu