A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ án Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt là con của Lê Văn Toại, sinh quán là Mỹ Tho (Tiền Giang) nhưng tổ tiên vốn người Quảng Ngãi. Lê Văn Toại có tất cả bốn người con trai, Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả rằng Lê Văn Duyệt người thấp bé nhưng lại có sức mạnh hơn người.

Ông được coi là hoạn quan nhưng ngay khi mới sinh ra, ông đã là người thuộc loại ái nam ái nữ chứ không phải là chịu hoạn khi làm quan. Năm 1780, khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vương ở Gia Định. Lê Văn Duyệt (lúc này mới 16 tuổi) được chọn làm quan Thái giám. Từ đó trở đi, cuộc đời của Lê Văn Duyệt gắn bó chặt chẽ với Nguyễn Phúc Ánh. Nhờ có biệt tài cầm quân, Lê Văn Duyệt dần dần trở thành một võ tướng xuất sắc. Điều này, chính Nguyễn Phúc Ánh cũng không ngờ. Lê Văn Duyệt được Nguyễn Phúc Ánh tin cậy mà giao việc chỉ huy Tả quân, đồng thời, nhiều phen trao quyền Tiết chế, điều khiển cả các danh tướng như Nguyễn Văn Thành, Lê Chất... Khi Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Lê Văn Duyệt được trao phó rất nhiều trọng trách, trong đó, trọng trách mà Lê Văn Duyệt đảm nhận lâu dài nhất là Tổng trấn Gia Định, tức đứng đầu toàn bộ hệ thống chính quyền của triều Nguyễn ở vùng Nam Bộ ngày nay. Sau khi Lê Văn Duyệt mất (30 - 7 - 1832), chức Tổng trấn Gia Định bị bãi bỏ, Gia Định được chia làm sáu tỉnh (gọi là Nam Kì lục tỉnh), mỗi tỉnh có một tổ chức chính quyền trực thuộc hẳn vào triều đình trung ương.

Suốt một đời làm quan, hẳn nhiên là cũng có lúc Lê Văn Duyệt bị phạm lỗi, nhưng mức độ nặng nhất thì cũng chỉ là phê bình, nhưng khi đã nhắm mắt xuôi tay, Lê Văn Duyệt lại bị xét xử với một bản án hết sức nặng nề. Vụ án Lê Văn Duyệt có nguồn gốc trực tiếp từ cuộc khởi binh của con nuôi Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi tại Gia Định, sau khi Lê Văn Duyệt đã qua đời. Mặc dù không hề can dự, và mặc dù việc Lê Văn Khôi khởi binh cũng có phần vì những hành vi ngang ngược của các quan lại do triều đình phái đến, nhưng Lê Văn Duyệt vẫn bị coi như là thủ phạm chính. Sau nhiều phen bàn nghị, Lê Văn Duyệt bị xử với 7 tội đáng chém, hai tội đáng đem đi treo cổ, ngoài ra, còn nhiều hình phạt khác nữa. Bản án Lê Văn Duyệt được sách Đại Nam chính biên liệu truyện (Sơ tập, quyển 3) chép lại như sau:

“Đình thần nghị án để dâng lên, chỉ rõ những lời nói và việc làm bội nghịch (của Lê Văn Duyệt), buộc bảy tội đáng xử chém là:

01 - Dám sai người của mình, tự tiện đi Miến Điện để làm các việc ngoại giao (vốn là chức trách của triều đình).

02 - Xin được đưa tiễn thuyền của nước Anh Cát Lợi (tức nước Anh - NKT) về đến thành (Gia Định) để tỏ rõ là có quyền.

03 - Xin giết Thị vệ là Trần Văn Tình để khóa miệng người.

04 - Kháng sớ tâu xin giữ người đã được (triều đình) triệu về để bổ làm quan.

05 - Chứa riêng khống chỉ có đóng sẵn ấn của vua.

06 - Cậy bè đảng riêng mà xin tăng thọ cho Lê Chất.

07 - Gọi mồ cha của mình là lăng, đồng thời,  khi nói chuyện với mọi người dám tự xưng mình là cô.

(Lê Văn Duyệt) còn bị xử phải đem treo cổ vì hai tội sau:

01 - Cố xin dung nạp bọn người Miến Điện để làm chuyện bất minh. 02 -  Dám nói với mọi người rằng mình từng xin được thơ tiên, trong đó có câu nhắc chuyện hoàng bào ở Trần Kiều.

Xử tội phải bắt làm lính vì đã tự tiện sai binh sĩ đi đóng thuyền cho mình.

Xử tội phải đem xẻo thịt cho chết bởi (Lê Văn) Duyệt là kẻ đầu sỏ, là cội nguồn của cuộc biến loạn ở Phiên An (chỉ việc khởi binh của Lê Văn Khôi - NKT) nhưng vì hắn đã bị Diêm Vương bắt đi rồi (ý nói đã chết - NKT ) nên xin thu hết bằng sắc rồi đào mả; lấy quan tài ra chém xác để làm gương răn đời. Tất cả những sắc phong cho ông bà tổ tiên hắn đều phải thu lại. Mồ mả tổ tiên hắn, nếu có tiếm xây trái phép đều phải đập phá đi. Những thê thiếp và con cháu gọi hắn bằng chú hoặc bằng bác đều theo thứ tự thân sơ mà xử tội. Tài sản của hắn thì tịch thu hết.

Án dâng lên, những người xin xử chém (Lê Văn Duyệt) đều xin giảm xuống hình phạt bắt giam để sau đem chém và những ai ở hàng thân thuộc từ mười lăm tuổi trở xuống thì chỉ xin tạm bắt giam, bé quá chưa biết thì thôi, không bắt. Mười ba người đàn bà lúc đầu bị phạt bắt làm nô tì, sau cũng xin cho thả cả. Việc đào mồ lấy quan tài lên để chém xác cũng không thi hành.

Vua sai bộ Hình sao bản án này gởi xuống tận các tỉnh, cho phép các quan Đốc và quan Phủ được quyền dâng ý kiến riêng của mình lên. Kết quả như sau:

- Lạng Bình Hộ phủ là Trần Huy Phác xin chém ngay thê thiếp và con cháu của (Lê Văn) Duyệt, còn thì xin theo lời đình nghị.

- Quảng Yên Hộ phủ là Dục Đức tâu xin chém những kẻ phạm tội từ mười sáu tuổi trở lên, còn thì xin theo lời đình nghị.

- Bình Phú Tổng đốc là Vũ Xuân Cẩn và Ninh Thái Tổng đốc là Hoàng Văn Trạm nói đại để là xin theo lời đình nghị, tuy nhiên cũng có thể cho lấy công bù tội, hoặc giả là châm chước thêm bớt thế nào thì xin nhờ ở ơn trời.

Vua (đọc những ý kiến trên) dụ rằng : như vậy là lẽ trời không sai, đạo chung ở lòng người, thật khó mà che được. Kẻ quen gieo ác, thiên hạ cùng giận, muôn lời cùng dâng về đây. Tất cả cùng một ý, tỏ rằng án này đúng mãi với muôn đời. Tội ác của Lê Văn Duyệt nhiều còn hơn cả tóc, thật khó mà đếm nổi, chỉ nghĩ tới đã đau lòng, giá có đập quan tài, lấy xác ra mà chém cũng chẳng có gì quá đáng. Song, trẫm nghĩ là nó chết cũng đã lâu, trước đã bị Diêm Vương làm tội, lại đã bị (triều đình) lột hết quan chức, còn nắm xương khô trong mồ ta cũng chẳng thèm gia hình. Nay, sai Tổng đốc tỉnh Gia Định đến chỗ mồ hắn, san bằng đi rồi dựng lên đó tấm bia đá khác tám chữ quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ (nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu hình phạt). Làm như thế để tỏ tội danh sau khi chết, đồng thời để phép nước cho đời sau, khiến những kẻ gian ngoan vạn lần lo sợ mà tự răn mình...".

Lời bàn:

Vì sao có vụ án Lê Văn Duyệt và bản án dành cho Lê Vền Duyệt nặng nhẹ hoặc đúng sai thế nào, xin kính nhường lời bàn cho bạn đọc. Điều cần nói thêm ở đây chỉ là : những gì được coi là tội trạng không thể dung thứ của Lê Văn Duyệt, đều xảy ra khi Lê Văn Duyệt còn sống. Bấy giờ, vua chỉ một lần phê bình còn các quan thì không ai coi Lê Văn Duyệt là người có tội cả. Nếu bảo lúc ấy ai ai cũng sợ uy Lê Văn Duyệt nên biết đấy mà chẳng dám nói ra, thì xin tặng mỗi vị một chữ : hèn ! Nếu bảo lúc ấy chưa ai thẩy hết sự nguy hiểm và tính ác độc trong hành vi của Lê Văn Duyệt thì xin tặng hương hồn mỗi vị một chữ : kém !

Còn như xét tội mà tùy theo sở thích nhất thời của một người nào đó, thì trăm lạy các quan, chính trường lẽ đâu lại giống những màn hài kịch đến thế.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu