A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Nguyễn Văn Tài bị xử tử

Nguyễn Văn Tài quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào không rõ, sử cũ chỉ cho biết ông là quan giữ chức Tham luận ở dinh Tả quân thời Gia Long mà thôi.

Bình sinh ông là người cương trực nhưng thiếu cẩn trọng, trước khi làm việc cũng như nói năng, ít chịu cân nhắc cho thấu đáo.

Năm Kỉ Tị (1809), Nguyễn Văn Tài đã bị xử tử. Việc này được sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 22) chép lại như sau :

“Năm (Gia Long) thứ tám (tức năm Kỉ Tị, 1809 – NKT)  Vua đi tuần du Quảng Nam, sai (Lê Văn) Duyệt cùng bọn Nguyễn Văn Khiêm và Đặng Đức Siêu ở lại giữ kinh thành. (Lê Văn) Duyệt là người rất nghiêm, thẳng tay trị tội bất cứ ai, cho nên, chư tướng và các quan dưới quyến ít ai dám ngó mặt, đến cả các bậc đại thần huân cựu lúc bấy giờ cũng sợ, chỉ có Hữu quân là Lê Chất là tận tâm lo giúp việc cho (Lê Văn) Duyệt mà thôi. Mọi việc quân cơ và triều đình, (Lê Chất) thường đi lại bàn bạc với (Lê Văn) Duyệt.

Bấy giờ, có viên Tham luận ở dinh Tả quân, tên là Nguyễn Văn Tài, vì có lỗi bị (Lê Văn) Duyệt quở trách, hắn bèn dâng lời tố cáo (Lê Văn) Duyệt bí mật lập đồn xây kho, ngầm sai người ra Bắc Thành để dụ hào kiệt, đã thế lại cùng với Lê Chất đi lại mật bàn, ngờ là có mưu làm phản. (Lê Văn) Duyệt sợ hãi, xin nhận tội. Toàn bộ vụ việc được giao cho hộ Hình xét hỏi. (Nguyễn Văn) Tài bị quy cho tội vu cáo, án dâng lên, Vua nói:

- (Nguyễn Văn) Tài nói dường như cũng có chút nguyên cớ, vậy phải xét hỏi cho đến cùng để sau này khỏi ngờ vực.

Nói rồi, sai đình thần xét lại. Cuối cùng, (Nguyễn Văn Tài) không thể viện được chứng gì để tự bào chữa cho mình, đành phải tội bị xử tử".

Lời bàn:

Tính cách của một con người thường được bộc lộ rõ nhất.,khi bỗng dưng trao tiền hoặc trao quyền cho họ. Dẫu bạn có kém cỏi đến bao nhiêu thì khi bước vào chỗ tấp nập người mua kẻ bán, bạn cũng có thể nhanh chóng nhận ra ngay rằng ai là kẻ mới có tiền, và ai là kẻ đang tiêu xài những đồng tiền bất chính. Dẫu bạn có vô tâm đến đâu, thì khi bước vào công đường, bạn cũng có thể lập tức nhận ra ai là kẻ hãnh tiến, coi quyền hành như một thứ vũ khí lợi hại để ban ơn hoặc giáng họa cho mọi người. Mới hay, giao tiền và giao quyền sai địa chỉ cũng chẳng khác gì mở cửa cho giặc vào.

Giao việc ở lại coi giữ kinh thành cho Lê Vân Duyệt mới biết Lê Văn Duyệt là ai. Làm quan mà mục hạ vô nhân thì trước là hại cho kẻ vô phúc phải làm người thừa hành, sau là hại cho chính kẻ đang vênh váo mà quên mất điều gì đã sẵn dành cho mình ở phía trước. Như Lê Văn Duyệt, nếu ông biết trước rằng, về sau ông chết cũng chẳng được yên, hẳn ông chẳng xử sự như ông đã xử sự vậy. Người cạn nghĩ thường nói rằng vinh nhục thật khó mà lường, thực ra, chẳng có gì đáng gọi là khó lường cả, vấn đề là có chịu lường trước hay không mà thôi.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu