A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trịnh Tạc và cuộc tranh biện với sứ giả nhà Thanh năm 1669

Từ năm 1592, cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều về cơ bản đã chấm dứt. Cầm đầu Bắc triều là họ Mạc phải bôn tẩu khắp đó đây, tuy cũng có gây cho Nam triều chút ít khó khăn, nhưng nói chung, cơ hội phục hồi hoàn toàn không còn nữa.

Một bộ phận con cháu của họ Mạc đã chạy sang Trung Quốc, lúc đầu thì cầu cứu nhà Minh đã tàn tạ, sau thì bám lấy nhà Thanh vừa được dựng lên. Bấy giờ, triều đình Mãn Thanh cũng muốn lợi dụng con bài họ Mạc để tiến hành những mưu đồ chính trị lâu dài ở nước ta, bởi vậy, bang giao giữa đôi bên cũng khá căng thẳng. Năm Kỉ Dậu (1669), vua Mãn Thanh là Khang Hy sai Lý Tiên Căn và Dương Doãn Kiệt sang nước ta. Một cuộc tranh biện gay gắt giữa sứ giả của Mãn Thanh với triều đình vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã nổ ra. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 25 và 26) viết:

'Trước đây, Mạc Kính Diệu đầu hàng nhà Thanh, nhưng chưa kịp nhận phong tước thì đã mất. Con của (Mạc) Kính Diệu là (Mạc) Kính Vũ nối nghiệp cha, tiếm xưng niên hiệu là Thuận Đức, lấy tên giả là Nguyên Thanh. Nhà Thanh trao cho (Mạc Kính Vũ) chức An Nam Đô thống sứ, cho theo như hiệu cũ mà nhà Minh đã phong cho (Mạc) Đăng Dung thuở xưa. Đến đây, quan quân (chỉ quan quân của vua Lê, chúa Trịnh - ND) đã thu phục được Cao Bằng và sai Vũ Vinh Tiến làm Đốc trấn để cai trị. Kính Vũ chạy sang nhà Thanh kêu cứu thảm thiết. Quan Tổng đốc Lưỡng Quảng (của nhà Thanh) đem việc này tâu lên. Vua Thanh cho Kính Vũ được đầu hàng và hạ lệnh cho Kính Vũ đến ở tạm tại Nam Ninh (Trung Quốc - ND) rồi ra đặc chỉ cho quan Nội viện Thị độc là Lý Tiên Căn và quan Binh bộ Chủ sự là Dương Doãn Kiệt sang nước ta để dụ báo triều đình, bắt phải trả lại đất Cao Bằng cho họ Mạc.

Tháng giêng năm ấy, sứ nhà Thanh đến Thăng Long, triều đình nhà Lê dùng đủ lí lẽ để biện bác. Phải hơn mười ngày mới có thể tuyên bố sắc văn, sau lại bàn cho họ Mạc giữ một châu Thạch Lâm (nay thuộc về Cao Bằng - ND), nhưng bọn Lý Tiên Căn kiên quyết không chịu, thành ra phải bàn cãi hơn bốn mươi ngày. Sau, (Trịnh) Tạc nói :

 - Thờ nước lớn thì phải kính theo mệnh lệnh!

Lấy cớ đó, (Trịnh) Tạc tâu Vua nên gắng theo lời. Triều đình  bèn lấy bốn châu thuộc Cao Bằng (là Thạch Lâm, Quảng Yên,  Thượng Lang và Hạ Lang - ND) cho Kính Vũ, và triệu (Vũ) Vinh  Tiến (ở Cao Bằng) về. Sau đó, Vinh Tiến chết".

Lời bàn:

Đầu năm 1594, sau bao phen thất bại nhục nhã. Mạc Ngọc Liễn  mệt mỏi, mang bệnh rồi mất. Trước phút lâm chung, Mạc Ngọc Liễn có để lại di chúc,  khuyên con cháu nhà Mạc không nên cầu cứu nhà Minh, càng không nên rước quân  Minh về nước. Tiếc thay, lời di chúc đúng đắn đó chẳng được nghe theo. Việc làm  của Mạc Kính Vũ lúc này, dẫu muốn hay không thì cũng đã xúc phạm tới tổ tiên của  chính Mạc Kính Vũ rồi vậy.

 Vật đổi sao dời, hết triều Minh lại đến triều Thanh cai trị Trung Quốc, nhưng  tâm địa của kẻ cầm quyển thì trước sau vẫn là một đó thôi. Nắm ngay lấy con bài  họ Mạc, Hoàng đế Khang Hy muốn gì, khỏi bàn cũng đã rõ. Gớm thay!

Triều đình vua Lê - chúa Trịnh, đã cất công biện bác lần đầu những mười ngày, lần sau lại kéo dài đến hơn bốn mươi ngày nữa, vậy mà rốt cuộc vẫn phải chịu chào thua. Cái họ thiếu không phải là lí lẽ mà là sức mạnh và bản lĩnh. “Thờ nước lớn thì phải kính theo mệnh lệnh !”. Lời bạc nhược ấy của Trình Tạc đã khiến cho cuộc tranh biện đang hồi gay cấn phải chấm dứt một cách mau chóng và buồn bã. Trịnh Tạc vẫn còn chút lòng trắc ẩn nào đấy với họ Mạc chăng ? Hẳn nhiên là không. Song, đạo thờ nước lớn trong tâm Trịnh Tạc mạnh quá, nếu không có lời ngăn chặn của bá quan, giả thử sứ giả nhà Thanh có đòi thêm điều gì nữa, ắt Trịnh Tạc cũng xuôi lòng đó thôi. Mạc Kính Vũ được hưởng phúc bởi đạo thờ nước lớn của Trịnh Tạc.

Có điều phàm là kẻ đội trên, ai mà chẳng đạp dưới, chính sự thời này đổ nát, có gì là lạ đâu!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu