A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phía sau vụ án Trần Nhật Vĩnh

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 23), nhân chép chuyện Lê Văn Duyệt, đã chép chuyện quan dưới quyền của Lê Văn Duyệt là Trần Nhật Vĩnh nhưng không cho biết Trần Nhật Vĩnh quê quán ở đâu, sinh và mất năm nào.

Theo sách nói trên thì vào năm Minh Mạng thứ tám (1827). khi Lê Văn Duyệt đang làm Tổng trấn Gia Định thì Trần Nhật Vĩnh được cử giữ chức Tham tri Tào Hộ ở Gia Định thành. Nhưng cũng năm ấy, Trần Nhật Vĩnh bị Trung sứ của triều đình đến bắt giải về kinh đô Huế và bị tống giam. Chuyện được chép vắn tắt như sau:

“Quan giữ chức Tham tri ở Tào Hộ của Gia Định thành là Trần Nhật Vĩnh, xử việc nhanh nhẹn, được (Lê Văn) Duyệt rất tin dùng. Nhưng, (Trần) Nhật Vĩnh là kẻ gian xảo và hiểm độc, đã thế lại còn tham ăn của đút lót và cậy thế để kiếm lợi riêng, thậm chí, chiếm tài sản, dỡ nhà và cướp vợ của người ta. Mọi người biết nhưng vì sợ sự hiểm độc của hắn nên không dám tố cáo.

Vua sai Trung sứ đến bí mật khảo xét mọi điều mà (Lê Văn) Duyệt vẫn không hay biết gì. Sau, (Trần Nhật) Vĩnh bị triệu về kinh đô, hắn đi chưa đầy một tháng thì dân trong hạt đã thi nhau nạp đơn kiện. Bấy giờ, (Lê Văn) Duyệt mới biết là (Trần Nhật) Vĩnh làm lỡ việc, bèn đem việc tâu lên, tự nhận tội đã dùng người một cách bừa bãi. Vua lập tức sai tống giam (Trần Nhật) Vĩnh và xuống dụ cho (Lê Văn) Duyệt rằng:

- Trước đây, ngươi từng nghe lời bất chính của (Trần) Nhật Vĩnh nên làm nhiều việc sai trái, chứng cớ tâu lên kể cũng đã nhiều, nhưng trẫm nghĩ công lao to lớn của ngươi nên không trách mắng. Nay, tuổi ngươi đã cao, biết hối lỗi mà đem việc Trần Nhật Vĩnh ra xin nghiêm trị, dâng lời biểu nhận lỗi rất chân tình. Trẫm đã biết rõ lòng thành của ngươi. Có lỗi mà biết hối lỗi thì thánh nhân còn tha cho, huống chi là trẫm với ngươi ? Tất cả những lời tự xin triều đình nghị bàn xét xử, trẫm đều tạm gia ân mà tha cho. Vậy, trẫm ân cần chỉ bảo và mở lối cho ngươi để ngươi được yên tâm. Từ nay, ngươi phải dốc lòng giữ tiết của bậc tôi trung, chọn người (cho thận trọng) mà dùng, chọn lời (cho kĩ lưỡng) mà nghe, chớ vội vã mà đắc tội, có thế mới giữ được tiếng tốt và danh thơm xứng đáng với ý tốt của ta trong việc bảo vệ các công thần".

Lời bàn:

Nếu niềm tin của triều đình đối với Lê Văn Duyệt mà vẫn còn, ắt chẳng bao giờ có việc bí mật sai Trung sứ đến khảo xét và bắt luôn quan Tham tri Tào Hộ là Trần Nhật Vĩn mà giải về kinh đô. Lê Văn Duyệt là người hoàn toàn vô tội chăng ? Xem việc ông dâng lời tâu, tự nhận lỗi dùng người một cách tùy tiện, đồng thời xác nhận những hành vi sai trái của Trần Nhật Vĩnh cũng đủ thấy là ông không hoàn toàn vô can.

Triều đình xử án, chỉ nói tội danh mà không nói tội trạng, cho nên, thật khó mà quả quyết Trần Nhật Vĩnh đáng kết án ra sao. Với những tội đã nêu mà Trần Nhật Vĩnh chỉ bị tống giam, thì chỉ có hai khả năng, một là triều đình giơ cao đánh khẽ, hai là triều đình chỉ cốt mượn việc xử Trần Nhật Vĩnh để cảnh cáo Lê Văn Duyệt đó thôi.

Phía sau vụ án Trần Nhật Vĩnh, cứ đọc tiếp sử cũ thì sẽ rõ, đó chẳng qua chỉ là khúc dạo đầu cho màn bi kịch mà triều đình sắp sửa dành cho quan Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt đấy thôi. Sử sách đoạn này đầy những chuyện vu khống và hãm hại lẫn nhau. Hỡi ôi, khi chưa được làm quan, ai cũng tâm niệm rằng quan nhất thời ... vậy mà khi đã được làm quan rồi, hình như chẳng còn ai chịu nhớ tới câu quan nhất thời... nữa... Buồn thay !

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Cần )


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu