A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lại chuyện Nguyễn Hữu Dật bị gièm pha

Năm 1650, khi còn giữ chức kí lục châu Bố Chính, vì bị Tôn Thất Tráng gièm pha, Nguyễn Hữu Dật bị tống giam vào ngục một thời gian. Lần ấy, nhờ tài văn chương, ông được chúa Nguyễn Phúc Tần hiểu và tha cho. Tiếc thay, Chúa hiểu ông mà không hiểu hết lòng dạ của Tôn Thất Tráng và bọn tiểu nhân bất tài.

 

Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 4) chép việc Nguyễn Hữu Dật bị gièm pha khi ông đang giữ chức Đốc chiến trong đạo quân của chúa Nguyễn tiến ra Bắc Hà (từ 1655 đến 1660) như sau:

"Mùa thu, tháng Tám (năm Kỉ Hợi, 1659 - ND), Trịnh Tạc thấy quân mình liên tiếp bại trận, lòng rất lấy làm lo ngại, bèn tìm cách để chiêu dụ Nguyễn Hữu Dật về hàng. (Trịnh Tạc) sai người đem một gói trân châu, cùng với năm khối vàng mã đề (vàng khối hình như cái móng ngựa - ND) và một bức mật thư đưa cho (Nguyễn Hữu) Dật. Hữu Dật nhận được thư, cả giận nhưng vẫn giả vờ nói (với sứ giả) rằng:

 - Tháng sau, xin vương hãy đem quân đến đón tôi ở trên sông. Sứ giặc đi rồi, Hữu Dật lập tức đem tất cả thư từ và các thứ họ Trịnh gởi biếu, dâng lên Chúa và tâu:

- Thần thờ Chúa thượng, ơn nghĩa như cha con, dám đâu có chí khác. Nhưng nay muốn mượn kế giặc để đánh giặc, lại sợ không tâu bày rõ ràng từ trước thì mang tội không gì lớn bằng. Chúa trả lời:

 - Ta vẫn biết khanh trung thành. Mọi thứ họ Trịnh tặng, khanh cứ nhận lấy, đừng nghĩ ngợi bận tâm làm gì. Hữu Dật nghe vậy thì mừng lắm.

. …“Mùa đông, tháng 11 (năm Kỉ Hợi, 1659 - ND) có người từ Bắc Hà đến, tên là Tộ Long, nói với Nguyễn Hữu Dật rằng:

- Người ở Bắc đều cho rằng, việc binh quý ở sự thần tốc, thế mà nay các tướng cứ ngần ngại không tiến, bỏ lỡ cơ hội, thật đáng tiếc. Hữu Dật hậu đãi người ấy rồi cho về. Xong, ông đến dinh của Hữu Tiến bàn việc xuất quân, nhân đó, thuật lại lời của Tộ Long. Hữu Tiến hỏi rằng:

- Bây giờ Tộ Long ở đâu? Hữu Dật đáp: - Đã cho về rồi. Nghe thế, Hữu Tiến im lặng, có vẻ không bằng lòng. Bọn Tôn Thất Tráng, Tống Hữu Đại và Phù Dương đều nói:

- Đại binh đi chinh phạt thì lệnh ở Nguyên soái (chỉ Nguyễn Hữu Tiến, vì lúc này Nguyễn Hữu Tiến giữ chức Tiết chế - ND), sao Đốc chiến lại tự ý cho Tộ Long về? Vả chăng, trước đây đã có bức mật thư, chúng tôi chưa hiểu hư thực thế nào, nay, chỉ một lời của Tộ Long, ai mà dễ tin được? Chi bằng hãy đóng quân để chờ thời. Hữu Tiến nói: - Phải. Hữu Dật đứng phắt dậy và nói: - Tôi cùng chư tướng vâng mệnh ra quân, quyết chí báo đền ơn nước. Vừa đây, họ Trịnh gởi mật thư để chiêu dụ tôi thì tôi đã tức tốc báo lên, chính vì muốn tương kế tựu kế mà làm việc lớn, các ông không nên ngờ vực nhau như thế. Hữu Tiến nói: - Bọn chúng ta chịu ơn nặng với nước nhà nên mới cùng nhau dốc lòng báo đáp chứ có nghi ngờ gì. Nhưng, các tướng bàn nên đợi thời, kể cũng có lí, Đốc chiến nên theo là phải. Hữu Dật nghe vậy, uất ức mà thành bệnh".
… "Bấy giờ, quân đóng lại (ở đất Bắc) đã lâu, có ý (nhớ nhà) nên muốn về, quân Nghệ An mới đến hàng cũng có nhiều người trốn. Nguyễn Hữu Dật hăng hái muốn tiến đánh, nhưng các tướng khác thì phần lớn lại không hợp ý. Nguyễn Hữu Tiến thấy Nguyễn Hữu Dật nhiều lần được khen thưởng nên sinh lòng ghen ghét. Phù Dương nói với Hữu Tiến:

 - Hữu Dật chẳng qua là đứa học trò mặt trắng, nhờ khéo nói năng mà được tin dùng, tự ví mình với Quản Trọng (mưu sĩ của nước Tề Trung Quốc thời Xuân Thu - ND) và Nhạc Nghị (mưu sĩ của nước Yên, Trung Quốc thời Chiến Quốc - ND), bọn chúng tôi vẫn lấy đó làm điều xấu hổ. Đã thế lại còn có sứ Trịnh bí mật đi lại, sợ có ý khác đấy. Hữu Tiến giả vờ cự lại rằng:

- Ông nói sai rồi. Đạo làm tôi lấy trung ái làm đầu. Trung để thờ vua, ái để kết bạn, cớ sao ông lại nghi kị nhau mà phụ lòng tin cậy ủy thác của Chúa?

Mùa thu, tháng Tám (năm Canh Tí, 1660 - ND), Nguyễn Hữu Tiến đem quân sang sông Tam Chế để đánh tướng Trịnh là Lan (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) ở xã Do Nha. Quân Nghệ An mới đến hàng, phần lớn đều không có chí đánh nhau, nhiều người bỏ trốn, nên Hữu Tiến rút quân về đóng ở bờ nam của sông. Lan đem quân giữ lũy Đồng Hôn. Trước đó, Hữu Tiến cùng các tướng họp quân nhưng không cho Hữu Dật biết. Đến khi Hữu Dật nghe tiếng súng nổ, sai người chạy đến hỏi thì Hữu Tiến mới cho Hữu Dật đem quân đến đánh lũy Đồng Hôn. Hữu Dật lập tức đem quân bản bộ đánh nhau với Lan. Lan thua chạy".

. … "Mùa đông, tháng 10 (năm Canh Tí, 1660 - ND), từ sau khi tướng Trương Phúc Hùng (tướng của chúa Nguyễn - ND) thua trận, Hữu Tiến dò biết được rằng, tướng sĩ Nghệ An mới hàng đều mang chí khác, bèn họp các tướng lại để hỏi kế. Tống Hữu Đại nói:

- Binh cần phải nghiêm, xin tra xét trong quân, hễ có kẻ mưu phản thì giết ngay một vài tên để răn bảo kẻ khác. Tôn Thất Tráng cũng dựa theo lời (Tống Hữu Đại) mà khuyên như thế.
Nguyễn Hữu Dật nói:

 - Lời hai ông vừa nói chỉ hợp với phép hành binh chứ việc dụng binh thì cốt yếu lại là ở nhân hòa. Hễ có nhân hòa thì đánh đâu thắng đó. Vậy, chỉ nên lấy ơn nghĩa mà thu dụng, lấy sự tin cậy mà cảm hóa, như thế người ta ắt sẽ vui theo, chém giết mà làm gì?

Tướng giữ chức Tham mưu là Võ Đình Phương nói:

- Nay, bọn đã hàng thì hai lòng, thế địch thì còn mạnh, cho nên, tốt hơn cả là hãy rút quân về, sau sẽ tính tiếp. Hữu Tiến thấy bàn bạc không xong, bèn định ngày bí mật rút quân nhưng vẫn giận lời nói của Nguyễn Hữu Dật".

…"Nguyễn Hữu Tiến đã quyết định rút quân, nhưng vẫn nói phao là sai các tướng theo đường thủy, đường hộ mà tiến, đã thế, còn báo cho Nguyễn Hữu Dật đem quân đến tiếp ứng, hẹn đến trống canh ba hôm sau thì cùng tiến tới An Trường để đánh quân Trịnh. Xong, Nguyễn Hữu Tiến dặn riêng các tướng đợi đến đêm thì rút quân về châu Nam Bố Chính, chỉ không cho một mình Nguyễn Hữu Dật biết mà thôi. Đêm ấy, Hữu Dật sửa soạn binh giáp để chờ, khi biết tin Hữu Tiến rút quân rồi thì quân Trịnh đã sang sông, tiến sát phía ngoài dinh trại (của Hữu Dật). Hữu Dật liền giả vờ cho hát xướng và bí mật rút lui. Trịnh Căn ở ngoài, nghe tiếng đàn sáo thì ngờ vực, không dám đến gần. Hữu Dật nhân đó, thong thả rút quân về, đến Hoành Sơn thì gặp Nguyễn Hữu Tiến. Quân Trịnh đuổi gấp nên theo kịp, hai bên giao chiến, quân Trịnh bị thương và chết rất nhiều. Trịnh Căn cho lui lại hai mươi dặm rồi mới đóng đồn. Hữu Tiến cũng lui đóng ở cửa Nhật Lệ, để Hữu Dật ở lại phía sau. Hữu Dật liền sai người kéo cành cây, chạy trong rừng, cát bụi mù mịt, lại cho treo nhiều cờ lên cây để nghi binh. Tướng Trịnh là Nguyễn Đễ thấy vậy, lấy làm ngờ vực không dám tiến, các tướng nhờ đó rút quân an toàn về châu Nam Bố Chính. Việc này báo lên, Chúa hạ lệnh chia quân đóng đồn ở những nơi hiểm yếu để phòng ngự. Từ đấy, bảy huyện Nghệ An lại trở về Bắc Hà".

Lời bàn:

Trong chiến tranh, chỉ có một sự trung thực duy nhất, đó là quyết thắng, còn như để đạt tới sự trung thực duy nhất này, muốn lường gạt đối phương bao nhiêu cũng mặc, chẳng ai coi đó là gian xảo. Nhưng cũng trong chiến tranh, đồng đội cùng chiến lũy, các tướng trong một bộ chỉ huy... mà không tin nhau, lại còn lừa nhau và hại nhau, thì quả là không còn gì rẻ rúng hơn nữa. Câu nối giáo cho giặc chính là để chỉ những trường hợp đại loại như thế này.

Ai tin kẻ tiểu nhân, hào phóng đem tặng nghĩa tình một cách vô lối cho kẻ tiểu nhân, thì đấy là lỗi của họ, còn như kẻ tiểu nhân thì bao giờ cũng rất kiên trì, đã nuôi tâm hại ai là hại đến cùng, không khi nào chỉ hại một lần rồi thôi. Cứ xem hành trạng của tướng Tôn Thất Tráng thì rõ. Trong vòng chưa đầy mười năm, Tôn Thất Tráng đã mấy lần hãm hại Nguyễn Hữu Dật, lúc thì phải ngồi tù, lúc thì chỉ chút xíu nữa là phải bỏ thây nơi chiến trận. Khiếp thay!

Có bao nhiêu kẻ tiểu nhân thì cũng có bấy nhiêu kẻ mệnh yểu, xem ra chúng sống được chẳng qua là nhờ sự hà hơi tiếp sức của những người hẹp hòi và ưa ganh tị đó thôi. Trong số những người hẹp hòi lúc này, tiếc thay, có cả quan giữ chức Tiết chế là Nguyễn Hữu Tiến. Mới hay, quyền cao chức trọng mà sao lãng việc tu thân, khiến cho cái đức bị mỏng dần, thì thiên hạ một thời vì sợ mà làm như kính, còn hậu thế thì khinh. Nhục lắm!

 Không có gì thử thách khắc nghiệt như chiến tranh. Hai bên Trịnh - Nguyễn không ai đè bẹp được ai, bao sinh linh bị hại, bao của cải bị cướp, thế nước bị suy... nghĩa là thiệt hại đủ đường, nhưng xem ra thì kho kinh nghiệm nhìn đời được bổ sung không phải là ít. Ngẫm mà xem!

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu