A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoạn kết bi thảm của Đặng Trần Thường

Đặng Trần Thường người huyện Chương Đức, trấn Sơn Nam Thượng, nay thuộc Hà Tây, sinh năm Kỉ Mão (1759), mất năm Bính Tí (1816), thọ 57 tuổi.

Thời trẻ, ông có kết bạn với Ngô Thì Nhậm, nhưng Ngô Thì Nhậm thì đỗ đến Tiến sĩ còn Đặng Trần Thường thì chỉ đỗ có Sinh đồ (tức Tú tài) mà thôi.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 27) chép về Đặng Trần Thường có mấy đoạn như sau:

“Đặng Trần) Thường trước kia có quen biết với (Ngô Thì) Nhậm người ở huyện Thanh Oai. Khi (Ngô Thì) Nhậm làm quan với ngụy (chỉ Tây Sơn - NKT) tới chức Binh bộ Thượng thư, (Đặng Trần) Thường tới ra mắt (Ngô Thì) Nhậm. Nhân bàn việc đời, (Ngô Thì) Nhậm nói:

- Người quân tử quý ở chỗ phải biết thông biến, có vậy mới làm nên sự nghiệp, chớ có đâu như lũ thất phu, chỉ biết có mình, phỏng được ích gì ? 

Khi nói, (Ngô Thì Nhậm) có vẻ lấy thứ vị và quyền uy để lấn át (Đặng Trần) Thường. (Đặng Trần) Thường giũ áo đứng dậy về. Khi đến nhà, (Đặng Trần) Thường nói với người nhà rằng :

- Ta sẽ giết thằng giặc ấy !

Từ ấy, nuôi chí đi xa. Mùa đông năm Quý Sửu (1793), nhân có Nguyễn Đình Đắc từ Gia Định ra chiêu dụ hào kiệt, (Đặng Trần) Thường bèn cùng bọn Nguyễn Bá Xuyên vượt biển vào Nam.”

Đặng Trần Thường đã cùng với nhiều tướng lĩnh khác, dốc lòng phò tá Nguyễn Phúc Ánh, lập được nhiều công lao. Ngay khi vừa lên ngôi Hoàng đế (tức Hoàng đế Gia Long), Nguyễn Phúc Ánh đã cho Đặng Trần Thường được quyền lĩnh công việc ở bộ Binh (tương đương với chức Thượng thư bộ Binh) và ở lại Bắc Thành để cùng với Nguyễn Văn Thành lo việc ổn định tình hình. Và, Đặng Trần Thường đã gặp lại Ngô Thì Nhậm. Sách trên viết rằng:

“Mùa xuân năm Quý Hợi (tức năm 1803 - NKT), bọn ngụy Thượng thư là Ngô (Thì) Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan ra đầu thú, đều đem giải về kinh đô. ( Đặng Trần) Thường dâng sớ nói:

- Bọn (Ngô Thì) Nhậm là bề tôi cũ của nhà Lê, thế mà nỡ cam tâm thờ giặc, đặt lời dối trá để lừa người Thanh (chỉ việc Ngô Thì Nhậm được vua Quang Trung ủy thác việc quan hệ bang giao với nhà Thanh - NKT), hãm bao người vào đường bất nghĩa. Tội ác ấy, dẫu có chẻ hết tre (để làm thẻ) mà ghi cũng không thể hết, thật đúng là kẻ hủy hoại danh giáo, nếu không giết đi thì biết lấy gì để răn bảo người đời sau.

Các quan ở Bắc Thành vì thế cùng nghị tội. Nhưng (quan Tổng trấn của Bắc Thành) Nguyễn Văn Thành nói:

- Bọn (Ngô Thì) Nhậm cố nhiên là có tội đáng chết, nhưng chiếu chỉ đã nói rõ ràng là ngụy quan ra thú được miễn tội, không thể nào tự ý làm việc thất tín được.

Nói rồi, bèn đem bọn họ ra Văn Miếu đánh roi trước khi tha. Ba người (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan) cùng bị đánh roi nhưng chỉ có một mình (Ngô Thì) Nhậm là đau nhất, rồi vì đau mà mất, ấy là bởi (Đặng Trần) Thường giận (chuyện cũ) mà thành ra vậy.” …

(Đặng Trần) Thường và Lê Chất vốn có hiềm khích với nhau. Khi (Lê) Chất được trao tước Quận công, Đặng Trần Thường nói với mọi người rằng:

- ( Lê ) Chất mà là Quận công thì bọn ta phải đáng đến mười lần Quận công.

(Lê) Chất nghe được lời ấy thì càng căm giận, đến khi ra làm Tổng trấn Bắc Thành, nghe nói (Đặng Trần) Thường trước kia đi ban cấp sắc phong thần (của triều đình), đã dám đưa Hoàng Ngũ Phúc là kẻ đã đi xâm lấn miền Nam (chỉ việc năm 1774, chúa Trịnh sai viên. tướng này đem ba vạn quân, lợi dụng lúc Tây Sơn khởi nghĩa, ồ ạt tấn công vào Đàng Trong - NKT) vào hàng phúc thần, lại còn liệt kê (tên của Hoàng Ngũ Phúc) vào Tự Điển, ngoài ra còn cho cả một số thân nhân (đã quá cố) cũng được làm phúc thần, việc này có sự giúp sức của quan Tham tri bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát, (Lê Chất) bèn cáo giác ra. (Đặng Trần) Thường dâng sớ xin nhận tội. Vua nói:

- Lũ các ngươi dối người, lừa thần, dám làm những việc không ai dám làm cả.

Nguyễn Gia Cát vì thế bị xử tội giam lại để chờ chém, nhưng về sau được tha, cho lưu lại ở kinh đô để làm việc. (Lê) Chất lại tâu thêm rằng:

- (Đặng Trần) Thườngkhi còn ở Bắc Thành đã làm nhiều chuyện trái phép, như ức hiếp người ta để chiếm ao, đầm, ẩn lậu thuế đinh, thuế điền, vậy, xin bắt để trị tội.

Bởi lẽ này, (Đặng Trần) Thường bị khép vào tội phải xử tử. Khi ở trong ngục, (Đặng Trần) Thường hay uống rượu bừa bãi, lại còn nói càn. Hắn có làm bài phú bằng văn Nôm, đề là Vương Tôn, ví mình cũng gặp cảnh ngộ tương tự như Hàn Tín thuở nào, lời lẽ rất ai oán. Đình thần đều cho là đáng giết. Năm Bính Tí (tức năm 1816 - NKT) hắn bị xử phải thắt cổ cho chết, gia sản bị tịch thu.”

Lời bàn:

Đặng Trần Thường bắt đầu để bụng thù oan chẳng qua chỉ vì một lời nói quá thật của Ngô Thì Nhậm. Trách Ngô Thì Nhậm vụng về ư ? Thế kể cũng có cái đúng, nhưng, người mà lúc nào cũng chỉ nói những lời cốt làm đẹp lòng kẻ khác, người mà lúc nào cũng né tránh sự thật, vì sợ .. nói thật mất lòng, thì thử hỏi, có đáng gọi là người nữa hay không ?

Nếu Đặng Trần Thường nặng lòng thù oán Ngô Thì Nhậm chẳng qua chỉ vì một câu nói, thì Lê Chất cũng biết để bụng ghét bỏ Đặng Trần Thường chẳng qua cũng chỉ vì một câu nói đó thôi. Sau, chính bản thân Lê Chất cũng bị kẻ khác tìm cách trả thụ bởi lí do tương tự. Nhà Phật nói rằng, nếu cứ lấy oán trả oán thì oán sẽ dằng dặc mãi không dứt và người ta sẽ chìm đắm mãi trong bể khổ Nếu lời này chưa đúng cho tất cả, thì trong những trường hợp cụ thể kể trên, quả là chí lí vô cùng.

Bài học về sự báo oán nhỏ nhen của lũ tiểu nhân chất đầy trong sử, xin hãy đọc và suy gẫm đi, lợi cho thân mình, lại cũng lợi cho xã tắc, lợi cho hôm nay và cũng lợi cho mai sau, sự ích lợi to lớn đến không cùng.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu