A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện Nguyễn Huỳnh Đức

Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm Mậu Thìn (1748), tại làng Tường Khánh, tổng Hưng Long, trấn Định Tường (nay là xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An) mất tại quê nhà năm Kỉ Mão (1819), thọ 71 tuổi.

Nguyễn Huỳnh Đức vốn người họ Huỳnh, sau vì theo phò họ Nguyễn lập được công lớn, được ban quốc tính, nên mới có họ tên là Nguyễn Huỳnh Đức.

Xét về lí lịch xuất thân, ông đúng là con nhà võ: Ông nội là Huỳnh Châu, cha là Huỳnh Lương đều theo phò chúa Nguyễn và đều được phong tới chức Cai đội. Bản thân Nguyễn Huỳnh Đức cũng được sử cũ mô tả là: "... dung mạo khôi ngô, khoẻ mạnh hơn người, ai cũng coi là hổ tướng".

Lúc đầu, Nguyễn Huỳnh Đức là bộ tướng của Đỗ Thành Nhơn, mà Đỗ Thành Nhơn là thủ lĩnh của quân Đông Sơn ở Gia Định. Sau, Đỗ Thành Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết nhưng Nguyễn Huỳnh Đức thì vẫn được tin dùng. Từ đó trở đi, cuộc đời của Nguyễn Huỳnh Đức gắn chặt với Nguyễn Phúc Ánh, gian khổ cùng chia, đắng cay cùng chịu. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 7) chép chuyện Nguyễn Huỳnh Đức như sau:

“Một đêm, (Nguyễn Huỳnh) Đức theo hầu Vua (chỉ Nguyễn Phúc Ánh lúc này đang bôn tẩu vì bị Tây Sơn đánh đuổi - NKT) đi đường sông. Người lái thuyền nói rằng thuyền giặc (chỉ Tây Sơn - NKT) ở phía trước, buồm căng lên nhiều lắm. Vua muốn lội lên bờ để tránh, nhưng (Nguyễn Huỳnh) Đức nghĩ rằng sông ấy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, nên cố xin Vua hãy bình tĩnh để xem hư thực thế nào. Sau nhìn kĩ mới biết, đó chẳng qua là đàn cò trắng đang đậu trên cây dọc bờ sông. Vua ở trong thuyền, mỏi quá, liền gối đầu vào đùi của (Nguyễn Huỳnh) Đức mà nằm, (Nguyễn Huỳnh) Đức cứ thế xua muỗi suốt đêm không ngủ. Vua khen (Nguyễn Huỳnh) Đức là người có lòng trung quân.

… Năm Quý Mão (tức năm 1783 - NKT), (Nguyễn Huỳnh) Đức đánh nhau với giặc ở Đông Tuyên. nhưng bị thua, bị bắt cùng với 500 tên thuộc hạ. (Nguyễn) Huệ thấy (Nguyễn Huỳnh) Đức khỏe mạnh, ý cũng muốn thu dùng, còn (Nguyễn Huỳnh) Đức thì cũng muốn trốn về (với Nguyễn Phúc Ánh) nhưng lại chưa thể, nên trong lòng thường phẫn uất. Một đêm, trong trại quân của (Nguyễn) Huệ, đang lúc mơ ngủ, (Nguyễn Huỳnh) Đức quát mắng (Nguyễn) Huệ rất to. Tướng của (Nguyễn) Huệ giận, muốn nhân đó đem giết đi, nhưng (Nguyễn) Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội, lại còn cho nhiều châu ngọc, ý muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo nhưng (Nguyễn Huỳnh) Đức vẫn không vui.

Năm Bính Ngọ (tức năm 1786 - NKT), (Nguyễn Huỳnh) Đức theo quân của (Nguyễn) Huệ đi đánh Bắc Thành, khi về, được ở lại để giữ đất Nghệ An. Bấy giờ, tướng giữ chức Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Duệ vốn gốc là tay chân của (Nguyễn) Nhạc, không thích ở dưới quyền của (Nguyễn) Huệ. (Nguyễn Huỳnh) Đức nhân đó nói dối với (Nguyễn Văn) Duệ rằng hãy theo đường tắt trong rừng mà lẻn về Quy Nhơn, hội quân với (Nguyễn) Nhạc. (Nguyễn Văn) Duệ tin lời, lập tức đem hơn 5000 quân, theo đường rừng mà về Nam. Khi đi, hắn sai (Nguyễn Huỳnh) Đức đi trước. Được hơn một tuần (tức hơn mười ngày - NKT). (Nguyễn Huỳnh) Đức sai người đến tạ ơn (Nguyễn Văn) Duệ, nói rằng:

- Phàm là sĩ phu, ai cũng chỉ thờ một chủ. Đức này không quên chủ cũ, cũng ví như tướng quân không quên Tây Sơn mà thôi. Vả chăng, chủ cũ của Đức này là chân chúa, mệnh trời đã trao phó rành rành, cho nên, nếu tướng quân muốn bỏ chỗ tối mà đến với chỗ sáng, thì nên đi cùng tôi để lập công danh, tiếng thơm để mãi, nhược bằng không được như vậy thì Đức này xin từ giã ở đây.

Nguyễn Văn Duệ giận (Nguyễn Huỳnh) Đức về tội đã bán đứng mình, bèn muốn nhân thể giết đi. Nghĩ vậy, hắn lập tức sai người mang lệnh tiễn đến nói với (Nguyễn Huỳnh) Đức rằng:

- Lời ông quả hợp ý tôi, vậy xin chờ để cùng đi.

(Nguyễn Huỳnh) Đức biết mưu của (Nguyễn Văn) Duệ, liền nhân ban đêm, đổi hướng qua Lạc Hoàn rồi sang Vạn Tượng mà về. Đường đi quanh co, lương cạn, quân sĩ phải lấy lá cây mà ăn. Bỗng thấy một cây to, chim đậu ở đó tính có hàng vạn, bèn úp bắt để ăn, nhưng khi nhìn kĩ mới biết, đó là lá cây đang lúc hóa thành chim, hai cánh thì đã hóa xong nhưng mình và đầu chim thì còn là cây, ăn vẫn thấy ngon, ai cũng cho đó là sự báo ứng của lòng trung nghĩa. Người Man nghe tin liền cấp cho (Nguyễn Huỳnh) Đức lương khô, nhờ đó, (Nguyễn Huỳnh) Đức mới về được đến Xiêm La, nhưng khi đến Xiêm La thì Vua đã về Gia Định. Vua Xiêm La muốn giữ lại, (Nguyễn Huỳnh) Đức thề là thà chết chớ không chịu, nhân đó lại kể nỗi gian nan đi tìm chủ, khiến khí uất ngùn ngụt bốc lên mà thổ ra một hòn máu. Vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được, cũng trọng mà cấp thuyền cho về".

Lời bàn:

Người lái thuyền hốt hoảng, Nguyễn Phúc Ánh cũng chẳng hơn gì, đêm khuya trong chuyện thứ nhất, chỉ có mình Nguyễn Huỳnh Đức là bình tĩnh vững tâm, thế cũng đáng gọi Nguyễn Huỳnh Đức là người có khí chất của con nhà võ vậy. Khen tướng quân có khí chất của con nhà võ, kể cũng có hơi lạ, nhưng điều lạ hơn chẳng qua cũng vì số tướng quân có khí chất của con nhà võ không nhiều đó thôi. Nguyễn Phúc Ánh tựa vào Nguyễn Huỳnh Đức, nào phải chỉ có một đêm trên thuyền này đâu.

Suốt cuộc trường chinh, Nguyễn Huệ vẫn luôn mở lòng tiếp đón và tìm cách thu phục hàng ngũ dối phương. Nguyễn Huỳnh Đức nào phải là người duy nhất. Không thu phục được Nguyễn Huỳnh Đức nhưng rõ ràng Nguyễn Huệ đã thu phục được hậu thế bởi đại nghĩa của mình, kính thay!

Xét việc Nguyễn Văn Duệ mà buồn thay cho sự kém tình cạn nghĩa. Phàm là người thì phải giữ đức trung trinh, ăn ở hai lòng đại để như Nguyễn Văn Duệ chẳng ai có thể tha thứ được Thật khó mà hiểu rằng, tại sao ông lại theo Tây Sơn.

Nguyễn Huỳnh Đức cùng đám thuộc hạ, vì đói là mà trông gà hóa cuốc, nhìn lá tưởng chim, ăn cả cây rừng mà vẫn cho là ngon miệng. Sử chép chuyện này, cùng chuyện thổ ra máu trước mặt vua Xiêm La, chẳng qua cũng chỉ cốt đề cao cái chí của ông đó thôi. Vả chăng, ai dám cả gan tìm lại đúng con đường băng rừng của Nguyễn Huỳnh Đức thuở xưa để kiểm tra sự chuẩn xác.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu