A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện Hữu Tham Tri Vũ Trinh

Vũ Trinh người huyện Lương Tài (thuộc Bắc Ninh), cháu của quan Thượng thư Tiến sĩ Vũ Hy Nghi và là con của Hương Cống Vũ Thiều.

Cha và ông của Vũ Trinh đều là bậc có danh vọng dưới thời Lê mạt, bởi vậy, năm 1776, dù mới đỗ Hương cống và mới 16 tuổi, Vũ Trinh cũng đã được chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782) bổ làm Tri phủ của phủ Quốc Oai (nay thuộc Hà Tây). Khi vua Lê Chiêu Thống chạy đi cầu viện Mãn Thanh. Vũ Trinh là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ, nhưng khi quân Mãn Thanh bị Quang Trung đánh cho đại bại, Lê Chiêu Thống chạy sang sống lưu vong trên đất Trung Quốc thì Vũ Trinh theo không kịp, đành phải ở lại, ẩn dật tại quê nhà.

Năm Gia Long thứ nhất (1802), nhận được tin Hoàng đế Gia Long sẽ thu dụng các cựu thần của nhà Lê, Vũ Trinh cùng mười vị cựu thần khác đã ra nhận chức. Vũ Trinh được bổ làm Thị trung Học sĩ. Ngay năm ấy, ông vào Huế để nhận chức. Năm Gia Long thứ mười hai (1813), Vũ Trinh được bổ làm Tham tri bộ Hình, và đó là đỉnh cao nhất trong hoạn lộ của ông. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Sơ tập, quyển 20) chép truyện Vũ Trinh như sau:

“Năm (Gia Long) thứ hai (tức năm 1803 - NKT), đám tang vua Lê (chỉ việc đưa hài cốt của Lê Chiêu Thống trở về nước - NKT) từ Yên Kinh trở về, triều đình bàn nên lấy Lê Diên đứng ra lãnh việc tang ma, nhưng bộ Lễ lấy làm khó nói khi báo việc này cho Bắc Thành (cơ quan đại diện cho triều đình cai quản vùng Bắc Bộ - NKT), vì không biết xưng hô với vị vua đã khuất này như thế nào cho phải lễ, viết thẳng tên ra liệu có được chăng ? Vũ Trinh nói:

- Thánh triều nên lấy đạo hậu hĩ mà đối xử với triều đã mất, xin cứ để hiệu cũ mà gọi là Lê Chiêu Thống cho đúng lễ.

Vua khen là phải. Vũ Trinh nhân đó tâu rằng :

- Thần vốn là bề tôi của nhà Lê trốn tránh ở lại, vậy, xin được giải chức để về Bắc, lên cửa ải Nam Quan mà đón tang.

Vua nghe, khen là người có nghĩa, bèn chuẩn y lời tâu, đồng thời tiện thể, sai (Vũ Trinh) đi khám xét đê điều ở Bắc Thành. Xong việc, (Vua lại) triệu (ông) về kinh. Năm (Gia Long) thứ sáu (tức là năm 1807 - NKT), ông được sung làm Giám thí ở trường Hương - Sơn Tây, đến năm (Gia Long) thứ tám (tức năm 1809), ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc dự lễ mừng thọ Hoàng đế nhà Thanh, khi về, được cùng với các quan là Nguyễn Văn Thành và Trần Hữu Kính soạn thảo luật (tức bộ luật mà ta quen gọi là luật Gia Long - NKT). (Nguyễn Văn) Thành vốn trọng tài của Vũ Trinh, bèn cho con là (Nguyễn Vãn) Thuyên thờ (Vũ Trinh) làm thầy. Năm (Gia Long) thứ mười hai (tức năm 1813 - NKT), ông được thăng làm Hữu Tham tri bộ Hình rồi có lệnh bổ làm Giám thí trường thi Hương - Quảng Đức (tức trường Trực Lệ hay trường Thừa Thiên - NKT).

Năm (Gia Long) thứ mười lăm (tức năm 1816 - NKT), con của (Nguyễn Văn) Thành là (Nguyễn Văn) Thuyên, bị Nguyễn Trường Hiệu tố cáo về tội mưu phản, lấy bài thơ (của Nguyễn Văn Thuyên làm) để làm chứng. (Nguyễn Văn) Thuyên phản bác, nói như thế là vu cáo. Vua nói với các thị thần rằng :

- Nếu như (Nguyễn Văn) Thuyên không có ý làm giặc, thì tại sao thơ hắn lại chứa sự bội nghịch thế này ?

(Vũ) Trinh nói :

- Thơ ấy, lời quê kệch và trái lẽ, nhưng trong đó có câu: U cốc sinh hương thiên lý viễn (nghĩa là : Hang sâu mà có hoa lan sinh sản ra được thì tiếng thơm có thể bay đến ngàn dặm). Xét kĩ, chữ này chỉ hoa, lẽ phải viết với bộ thảo ở trên, dưới có chữ giản, ngoài bọc bởi chữ môn (tức là chữ lan nhưng vì húy tên chúa Nguyễn Phúc Lan nên Vũ Trinh không dám đọc âm của chữ mà lần lượt đọc từng bộ phận của chữ - NKT), thế mà (Nguyễn Văn Thuyên) lại viết thành chữ hương là hương thơm, tức là còn biết kính tránh quốc húy. Ngay một chữ ấy mà còn biết kính tránh thì cũng đủ biết hắn không phải là hạng có ý bạo nghịch được.

Vua giận lắm, nói rằng:

- Bênh vực đến quá như thế, chẳng phải là một lũ a dua hay sao!

Nói rồi, sai đoạt hết quan chức (của Vũ Trinh) và tống giam vào ngục. Về sau, (Nguyễn Văn) Thành uống thuốc độc tự tử, còn (Vũ) Trinh thì có người khuyên nên tự liệu lấy, nhưng (Vũ) Trinh nói :

- Nếu đắc tội với triều đình thì xin đem đầu chịu chém, nếu như không phải tội thì hà cớ gì phải tự hại thân mình để mang tiếng xấu với đời ?

Đến năm (Gia Long) thứ mười bảy (tức năm 1818 - NKT), nhân kì thu thẩm, (Vũ Trinh) được giảm cho tội chết nhưng phải đem đi an trí ở Quảng Nam. Tới nơi bị phát phối, (Vũ) Trinh chuyên lo giảng sách cho học trò, lấy văn chương sách vở làm vui, kể như an phận chớ không tỏ rõ uất hận gì.

Năm Minh Mạng thứ chín ( tức năm 1828), Vua tuần du ở Quảng Nam. (Vũ) Trinh vì già ốm sai con ra tâu xin, Vua thương, tha cho, được về thăm nhà, nhưng về đến bản quán được vài hôm thì mất, thọ 70 tuổi (tính theo tuổi ta, tức 69 tuổi tây - NKT)".

Lời bàn:

Trước thờ triều Lê, sau thờ triều Nguyễn, khí tiết của kẻ bề tôi như thế chẳng phải là sáng giá gì, nhưng thôi, thời ấy nào phải chỉ có một mình Vũ Trinh làm như vậy đâu ? Lời đề nghị được đi đón hài cốt của Lê Chiêu Thống, âu cũng là chút vớt vát đáng kể cho Vũ Trinh vậy.

Nguyễn Văn Thành trọng vọng Vũ Trinh vì coi Vũ Trinh là người có tài, nhưng xem ra cái tài của Vũ Trinh cũng chẳng là bao, chỉ mới đủ để phân tích sự lắt léo của chữ nghĩa chứ chưa thể đủ để mổ xẻ những lắt léo của sự đời. Sử chép rằng, kể từ khi bị đem đi an trí ở Quảng Nam, ông tỏ ra an phận, nhưng xem việc ông sai con đi tâu xin với vua Minh Mạng thì thấy chừng như nỗi ưu tư danh vọng trong ông vẫn còn nặng lắm.

(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần )



Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu