A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tục ở rể của người Thái - Xưa và nay

Người Thái có tục ở rể, đây là khoảng thời gian thử thách tình yêu của chàng trai với cô gái, vừa là thời gian trả công ơn sinh thành của chàng rể đối với gia đình vợ. Tuy nhiên trong thời đại mới, tập quán ở rể đã có nhiều thay đổi, cởi mở hơn, thậm chí có vùng không còn duy trì.

Tục lệ ở rể của người Thái là một tập tục tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Tục lệ ở rể của người Thái là một tập tục tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Tập tục tốt đẹp và nhân văn

Người Thái quan niệm rằng, cha mẹ và gia đình đã có công sinh thành, nuôi dạy cô gái trưởng thành, thì trước khi đón cô gái về nhà làm vợ, chàng rể phải trả công cho cha mẹ vợ bằng cách ở rể. Thời gian ở rể trong bao lâu là do sự thỏa thuận của hai bên gia đình, nhưng cũng nằm trong quy ước của từng vùng. 

Ở rể được chia làm 2 phần: Ở rể thực và quy ra tiền. Số tiền cũng phù hợp với quy ước chung của vùng. Ví dụ, thời gian ở rể được thỏa thuận là 3 năm, trong đó ở rể thực là 1 năm, còn 2 năm trả bằng tiền, mỗi năm là 500.000 đồng, tổng tiền là 1 triệu đồng.

Ông Ca Chung, Nhà nghiên cứu văn hóa Thái (Sơn La) cho biết, người Thái còn có tục ở rể trước khi cưới, được gọi là "khươi quản". Thời gian này, chàng trai và cô gái chưa phải là vợ chồng. Chàng trai chỉ được ngủ ở gian khách, tức là "hỏng quản" nên mới gọi là "khươi quản". Còn cô gái vẫn có quyền tiếp các chàng trai khác, khi họ đến tán tỉnh.

"Khươi quản" là hình thức "ở rể dự bị" để thử thách, nhưng nó sẽ được tính vào thời gian ở rể. Nên trong khi chờ đợi ngày trở thành vợ chồng chính thức, các chàng trai thường đi "khươi quản" để sớm được đón vợ về, đồng thời có thời gian để tìm hiểu thêm về người vợ tương lai của mình.

Theo Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến (Nghĩa Lộ, Yên Bái), đây là tập tục đẹp trong văn hóa dân tộc Thái, vừa thể hiện công ơn sinh thành, dưỡng dục dành cho bố mẹ vợ, vừa để thử thách xem con rể có biết làm ăn hay không. Khi thách cưới (thực chất là thả lãi), thách 1 con trâu, nhưng sau nhiều năm ở rể, có khi chàng rể còn dắt được cả đàn trâu về nhà; hoặc thách cả tấn thóc, sau thời gian ở rể có khi có mấy tấn thóc đem về. Tập tục ở rể đẹp là thế, không phải để bóc lột sức lao động của chàng rể.

Như vậy, ngoài ý nghĩa thể hiện tình yêu của chàng trai với cô gái, thể hiện sự biết ơn đối với bố mẹ vợ, ở rể cũng là khoảng thời gian lao động dành dụm của cải riêng cho đôi vợ chồng trẻ. "Ở rể" hay "ở rể dự bị" là tập quán tốt đẹp và nhân văn của người Thái, rất đáng được trân trọng.

Với thiết chế văn hóa mới, tục ở rể của người Thái thay đổi, để phù hợp hơn với thời đại
Với thiết chế văn hóa mới, tục ở rể của người Thái thay đổi, để phù hợp hơn với thời đại

Thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới

Ngày nay, người Thái đã vượt ra khỏi làng bản để đi học, lao động ở khắp mọi nơi, với nhiều ngành nghề mới, phương thức sản xuất mới. Đặc biệt, nhiều người làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp với điều kiện thời gian khắt khe. Hơn nữa, sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, trong đó có nhiều chàng rể là người dân tộc khác kết duyên với các cô gái Thái…

 Trước những điều kiện mới, buộc tập quán ở rể cũng phải thay đổi cho phù hợp hơn. Ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn tục ở rể, nhưng thời gian ngắn và trả bằng tiền nhiều hơn.

Anh Hà Văn Trung (SN 1987), ở Tân Uyên (Lai Châu) hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Biểu diễn nghệ thuật, kiêm Phó Trưởng Khoa Văn hóa - Nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết, thời bố mẹ anh tục ở rể rất dài. Nhưng đến lượt anh (anh lấy vợ người Tày ở Văn Bàn, Lào Cai), vẫn có tục ở rể, nhưng anh không phải ở rể nữa. 

Tuy nhiên, anh vẫn gửi tiền cho bố mẹ vợ theo tục lệ. Nhà anh gửi tiền cho nhà vợ 25 triệu đồng, nhưng bố mẹ vợ không nhận hết, chỉ lấy 10 triệu đồng. Tương tự, lứa bạn của anh cũng không ai ở rể, nhưng một số tục lệ bắt buộc vẫn phải giữ. Bây giờ chỉ có trong những bản vùng sâu thì vẫn giữ tục ở rể, nhưng rất ít.

“Thời bây giờ tục lệ đơn giản hơn, thường thì quy ra tiền, khoảng 20 - 30 triệu đồng và nhà trai sẽ sang nhà gái lo việc cưới. Nếu chàng rể không phải người Thái, thì cũng không yêu cầu gì, tiền thì chắc vẫn yêu cầu có, nhưng trên cơ sở thống nhất giữa hai gia đình”, anh Hà Văn Trung chia sẻ.

Còn theo Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Ca Chung, ở TP. Sơn La, hiện tiền ở rể không đáng kể, chỉ khoảng đôi triệu, còn cưới mới là nhiều. Cách tổ chức một đám cưới cũng tương tự như người Kinh, tổ chức tại hội trường hay làm nhà bạt tại nhà mình. Số mâm cỗ từ 30 - 80 mâm tùy từng gia đình. Nhưng sẽ có vài mâm ở nhà để "xứ lam" (mối lái) làm thủ tục cùng một số đại diện gia đình hai bên.

Ông Ca Chung cũng cho biết thêm, rể là người dân tộc khác thì không phải ở rể, vì hầu hết là những người đang công tác. Cũng có nơi thì trả bằng tiền, nhưng không bắt buộc, chỉ do họ tự tìm hiểu tục lệ nên tự nguyện trả cho đúng thủ tục.

“Người Thái ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã bỏ tục này từ những năm 1961, sau đợt “Vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kết hợp cải cách dân chủ ở miền núi”. Để ghi nhận công ơn của bố mẹ vợ, chàng rể thường sẽ biếu bố mẹ vợ mấy trăm nghìn đồng, hoặc mua vòng tay, quần áo cho mẹ vợ và quần áo cho bố vợ. Không còn thách cưới, thậm chí nhiều gia đình nhà gái có điều kiện còn cho không, hoặc cho thêm của cải cho chàng rể”, Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến thông tin.

Tuy nhiên theo Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, việc bỏ tục này, đồng nghĩa với việc có một phần bản sắc văn hóa đẹp trong ngày cưới mất đi, đó là khi không còn phần hát, tâm sự của các ông tơ, bà mối trong phần đón dâu, mừng dâu mới. Thay vào đó, là sự dẫn dắt của MC (người dẫn chương trình) và những điệu nhảy, hát hiện đại. Đấy cũng là nguyên nhân nhiều người già không còn thích đến đám cưới nữa.

Có thể thấy rằng, dù ở rể dài hay ngắn, hoặc không ở rể, nhưng với người Thái, con rể và con dâu đều có trách nhiệm ứng xử tốt với cha mẹ hai bên. Trong đó, con dâu cũng giống như các dân tộc khác, còn con rể thì có trách nhiệm cao hơn (điểm này khác với dân tộc khác).

 Người Thái thường rất tôn trọng bên ngoại (gọi là "lũng tà"). Họ cho rằng, bên ngoại là người trao giống cho mình. Các lời chúc tụng của bên ngoại được cho là rất thiêng, "chúc sao được vậy".

Có thể nói, tục ở rể của người Thái là một tập tục tốt đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song, sự chuyển biến trong tập tục này, không phải là đánh mất bản sắc văn hóa, mà thể hiện sự thích ứng linh hoạt, để phù hợp hơn với đời sống văn hóa mới. Đây là điều đáng mừng, đáng trân trọng.

Văn Hoa/ baodantoc.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu