Nghi lễ Paranaok - Lễ Báo hiếu của người Raglay
Tháng Bảy Âm lịch được coi là mùa Vu lan (báo hiếu) của một số dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng… Đối với người Raglay không quan niệm báo hiếu vào tháng Bảy Âm lịch mà trong cuộc đời của mình, con cái có thể chọn thời gian nào hợp lý để làm Lễ Báo hiếu cho cha mẹ. Nếu chẳng may khi chưa làm Lễ Báo hiếu mà cha mẹ đã qua đời thì người Raglay vẫn phải làm Lễ Báo hiếu để gửi quà cho cha mẹ đang ở thế giới bên kia.
Nghi thức trong Lễ Báo hiếu
Người Raglay có quan niệm tổ chức nghi lễ Paranaok (Lễ Báo hiếu) cho cha mẹ lúc còn sống có nhiều giá trị hơn lúc đã qua đời. Nghi Lễ Báo hiếu có nhiều hình thức khác nhau như con báo hiếu cho cha mẹ, cháu báo hiếu cho ông bà, cháu báo hiếu cho người cậu. Lễ báo hiếu của con trai cho cha mẹ được người Raglay tiến hành như sau:
Người Raglay theo chế độ mẫu hệ nên đàn ông khi lấy vợ thì sang ở nhà vợ. Vì vậy, trước khi tổ chức Lễ Báo hiếu, người con trai sẽ đưa vợ, cha mẹ vợ và bà con thân thuộc về nhà cha mẹ ruột của mình. Mọi người ngồi xếp theo hình chữ nhật trong căn phòng, ở giữa là mâm bày bia, nước ngọt và rượu trắng. Sau khi hai bên gia đình sui gia (thông gia) vui vẻ nói chuyện, vợ chồng người con mới chính thức thông báo với họ hàng việc tổ chức Lễ Báo hiếu cho cha mẹ mình.
Được sự đồng ý của gia đình hai bên, hai vợ chồng mang ra những bộ quần áo mới để cha mẹ và mọi người xem trước. Những bộ quần áo này người con sẽ biếu cho cha mẹ trong Lễ Báo hiếu. Sau đó mọi người về chuẩn bị cho công việc Lễ Báo hiếu hôm sau.
Khoảng 7 giờ sáng, những người thân trong gia đình có mặt đầy đủ. Gia đình người con bưng ra 1 một cái mâm lễ có 2 tô rượu cần, vài chai bia, nước ngọt và rượu trắng. Trước sự chứng kiến của hai bên gia đình sui gia và họ hàng, con trai mang quần áo ra biếu cho cha mẹ mình. Hai vợ chồng nâng bộ quần áo lên để cha mẹ nhận, sau đó xông quần áo trên khói trầm hương để trình báo với thần linh biết. Tiếp theo, người con con trai mang bộ đồ mới ra mặc cho cha mình, bộ đồ gồm 1 bộ pijama, 1 bộ áo dài, 1 cái khăn đóng, 1 cái khăn tay. Con dâu mặc quần áo mới cho mẹ chồng gồm 1 bộ áo bà ba, 1 bộ vest, 1 cái khăn quấn trên đầu và 1 cái khăn tay.
“Diện” bộ quần áo mới do con tặng, cha mẹ bước ra ngoài thực hiện nghi thức khấn vái thần linh khi mọi người chuẩn bị tiến hành hiến tế 2 con heo (con lợn). Thịt heo sau đó được chế biến thành các món ăn, bày ra 2 cái mâm, mỗi mâm có 2 tô rượu cần và có 4 cái chén. Nghi thức mời rượu do con cái mời cha mẹ uống trước, đến lượt người chứng kiến buổi Lễ uống sau. Con trai mời rượu cần cho cha mẹ vợ, con dâu bưng chén rượu cần mời cha mẹ chồng. Sau đó, mời những người tham dự cùng chung vui uống rượu cần.
Dâng lễ vật hiến tế
Lễ vật trong Lễ Báo hiếu được bày ra 2 mâm: 1 mâm thịt heo sống gồm 1 cái thủ, 2 cái đùi và cái đuôi; 1 mâm đựng thức ăn chín gồm 2 con gà luộc và rượu cần. Ngoài ra, còn có 1 bát tô đựng gạo, lớp trên là những chiếc lá chuối được cắt nhỏ têm thành hình tam giác như miếng trầu và một cây nến. Xung quanh mâm lễ vật thịt heo sống là 10 đĩa thịt gà luộc để nguyên con.
Thầy cúng đọc lời khấn trình báo với thần linh, tay lấy một ít cơm, một ít thịt gà bỏ xuống đất. Kế đến, đổ một ít rượu trắng, rượu cần xuống đất. Sau đó, thầy cúng cầm miếng lá chuối trên tay khấn rồi đưa cho vợ chồng mỗi người 2 miếng, đưa cho cha mẹ vợ, cha mẹ chồng và những người chứng kiến buổi Lễ mỗi người 2 miếng. Mọi người mở lá chuối ra xem, so sánh 2 chiếc lá để biết về điều tốt, xấu, cuộc sống tương lai của hai vợ chồng. Những đường gân lá chuối thẳng đều nhau báo hiệu điều may mắn, tốt lành, còn những đường gân lá không đều nhau là báo hiệu sự khó khăn, gập ghềnh hai vợ chồng sẽ gặp phải trong cuộc sống.
Cuối cùng, thầy cúng cầm con gà trên tay, khấn với thần linh rồi bói lưỡi gà xem thần linh cho biết tương lai của hai vợ chồng làm ăn như thế nào, gia đình sui gia có thuận hòa không? Việc xem gân lá chuối, bói lưỡi gà xong, mọi người cùng nhau bình luận về những dấu hiệu thần linh cho biết qua lá chuối, lưỡi gà. Những mâm thịt heo sống được dọn đi để chế biến, nấu chín làm thành các món ăn.
Thịt heo được nấu chín chế biến ra thành các món ăn. Mỗi một món ăn mang ra đựng trong 5 cái chén và dọn trên nền nhà. Khi các món ăn đã được bài trí đầy đủ. Thầy cúng lấy tô gạo, đốt nến khấn báo với thần linh biết về Lễ Báo hiếu do con trai tổ chức cho cha mẹ. Người con trai cầm đôi đũa gắp thức ăn đút cho cha. Còn con dâu đút thức ăn cho mẹ chồng. Sau đó, cha mẹ mời ngược lại con cái, rồi mời hết những người đến tham dự Lễ Báo hiếu cùng ăn. Cha mẹ ăn càng nhiều thì con cái càng vui. Lần lượt, người con sẽ gắp từng món cho cha mẹ ăn. Khi cha mẹ đã thưởng thức qua hết lượt các món ăn ngon, uống rượu cần chếnh choáng thì phần thịt còn lại được mời những người đến tham dự, chứng kiến Lễ Báo hiếu cùng nhau ăn uống vui vẻ.
Sau khi kết thúc phần lễ là phần hội, đồng bào Raglay và khách mời hòa mình với các tiết mục trình diễn mã la, ca hát nhảy múa và giao lưu trong buổi Lễ.
Lễ Báo hiếu của người Raglay mang giá trị nhân văn sâu sắc nhằm đền đáp công ơn to lớn của cha mẹ đã nuôi dưỡng con cái nên người... Người Raglay quan niệm “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Cha mẹ rất hạnh phúc và vinh dự nhận được những món quà tặng của con cái, được con cái nấu cho một bữa cơm ngon miệng trong sự chứng kiến của họ hàng và làng xóm. Nhân dịp này, hai gia đình sui gia gặp nhau, thắt chặt thêm tình cảm...” |
Bá Minh Truyền/ baodantoc.vn