A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét văn hóa độc đáo trong lễ cưới của người Sán Chỉ

Bao đời nay, người Sán Chỉ ở Bình Liêu (Quảng Ninh) vẫn luôn duy trì nhiều phong tục tốt đẹp và độc đáo trong lễ cưới hỏi. Đây là một trong những nét văn hóa góp phần làm nên bản sắc của người Sán Chỉ.

Đám cưới không chỉ niềm vui của cả hai bên mà còn trở thành ngày vui chung của cả thôn, bản

Lễ cưới, hỏi của người Sán Chỉ cũng đủ các bước như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu... vào những "ngày lành tháng tốt". Thông thường, đám cưới diễn ra trong 3 ngày với không khí rất náo nhiệt, bởi sự kiện này được xem là ngày vui chung của thôn, bản...

Một trong các thủ tục quan trọng, bắt buộc và mở đầu trong lễ cưới, hỏi chính là tục “xin dâu”! Đây là một hoạt động thể hiện sự trân trọng, tôn vinh người phụ nữ trong ngày lễ trọng đại của cuộc đời, đồng thời là cách chúc phúc cho đôi bạn trẻ, tạo hành trang cho cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, gắn bó trọn đời.

Tham gia xin dâu không chỉ có người thân, họ hàng - những người được lựa chọn để đại diện cho hai họ, mà còn cả thôn cũng hào hứng. Điều đó làm tăng thêm sự tươi vui, phấn khởi, tạo sự gắn kết cộng đồng bền chặt…

Độc đáo nhất là việc nhà trai phải lựa chọn được những người uy tín, ăn nói khéo léo, phải có duyên hát đối đáp để thực hiện thủ tục xin dâu. Thủ tục chào hỏi, trình bày xin dâu, lễ lạt thách cưới sẽ được đại diện hai bên biến tấu thành những câu hát trầm bổng, lúc da diết, lúc rộn ràng vui tươi rất thu hút lòng người. Trải qua thử thách hát đối đáp, được nhà gái chấp thuận; cô dâu, chú rể sẽ làm các nghi thức kính lễ tổ tiên, mời trầu cau, bánh kẹo quan viên hai họ.

Ông Trần Học Căm (68 tuổi) Người có uy tín thôn Ngàn Phạt, xã Lục Hồn chia sẻ: "Tục lệ này không bao giờ bỏ được từ xưa đến nay. Tức là có đất có trời, có người hiểu biết đến nhau. Vừa đi vừa hát vừa hò để đám cưới vui cả đi cả về, vui cả thôn và cả dân tộc chúng tôi".

Trang phục cưới truyền thống cũng mang đậm nét văn hóa dân tộc của người Sán Chỉ. Trong ngày cưới, cô dâu mặc tông màu trầm. Điểm nhấn trong trang phục của cô dâu là thắt lưng hoa với nhiều họa tiết thêu chỉ màu xanh, đỏ nổi bật, trên tay trái luôn cầm chiếc khăn mặt mới. Chiếc khăn mặt luôn được cô dâu cầm trên tay suốt quãng đường về nhà chồng.

Cũng theo quan niệm của người Sán Chỉ bao đời nay, sính lễ hay số lượng người đón dâu, đưa dâu đều là con số chẵn thể hiện cho sự đầy đủ, hài hòa và hạnh phúc. Đoàn đưa dâu nhà gái bao gồm: 2 phù dâu và 2 người bạn cô dâu cùng 4 người là những người thân bên nội bên ngoại. Đoàn rước dâu đi xếp thành hàng dọc, đi theo thứ tự lớp lang suốt quãng đường về nhà trai. Thông thường, nhà gái sắm cho 1 con trâu, chăn, ga, chiếu và hòm. Còn nhà trai sắm lễ do bên nhà gái yêu cầu như 120 cân thịt, 80 lít rượu gạo... tất cả đều 5 gánh.

Đoàn rước dâu đến nhà trai

Ông Trần Văn Biên, 68 tuổi, người dân xã Húc Động (Bình Liêu) hào hứng cho biết: " Để tổ chức lễ cưới suôn sẻ, đầy đủ, cả nhà trai và nhà gái đều chuẩn bị đồ vật và sính lễ khá chu đáo. Sính lễ có thể tăng hoặc giảm do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhà trai”.

Nét văn hóa độc đáo khác được người Sán Chỉ duy trì trong lễ cưới, là nhận thêm bố mẹ nuôi cho cô dâu, chú rể. Theo phong tục, cứ đủ 6 bố mẹ nuôi thì vợ chồng sẽ làm ăn thuận lợi, suôn sẻ hơn. Trước đó, gia đình chồng phải gánh lễ gồm 24 cái bánh dày, 20 kg lợn móc hàm là quà biếu cho bố mẹ nuôi và ngược lại cô dâu sẽ được tặng quần áo, chăn, màn, chậu... Đến sang ngày thứ 2, ở bên nhà trai, cô dâu chú rể sẽ đi nhận bố mẹ nuôi.

Anh Nình Văn Mẫn, xã Lục Hồn vừa mới tổ chức đám cưới vào hôm mùng 10 tháng Giêng cho biết:“Người Sán Chỉ quan niệm rằng, việc có thêm bố mẹ nuôi hợp mệnh, hợp tuổi sẽ tiếp thêm sức mạnh, nguồn lực cho vợ chồng trẻ xây dựng cuộc sống mới. Chúng tôi luôn tin tưởng và ủng hộ, làm theo quan niệm đã có từ lâu đời này”.

Mỹ Dungbaodantoc.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu