Gìn giữ lễ cúng máng nước của người Ca Dong
Lễ cúng máng nước là một trong những lễ hội đặc sắc nhất của người Ca Dong ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đây là hoạt động thể hiện sự tôn kính, trân quý đối với thần nước, thần núi, thần lúa. Việc duy trì lễ hội, nhằm khơi dậy niềm tự hào của đồng bào đối với bản sắc văn hoá của dân tộc mình, đồng thời cũng là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Lễ hội mang đậm bản sắc của người Ca Dong
Những ngày cuối năm, trên đỉnh Ngọc Linh không khí se lạnh, quyện với sương mờ bao quanh những nóc nhà sàn truyền thống của người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), tạo nên một bức tranh tuyệt sắc giữa đại ngàn. Ngay từ sáng sớm, khi những giọt sương đêm còn đọng trên đầu ngọn cỏ, già trẻ, gái trai trên đỉnh Măng Gry (xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My), xúng xính trong những bộ thổ cẩm nhiều màu sắc, háo hức chào đón sự kiện trọng đại của làng mình: Lễ cúng máng nước (Clá tác).
Để chuẩn bị cho lễ cúng, người dân chuẩn bị các vật dụng trước đó một tuần. Già làng phân công cho mỗi người đảm nhận phần việc cụ thể. Người thì chuẩn bị những choé rượu cần ngon nhất, người tập trung làm cây nêu đẹp nhất; trong khi đó, trai tráng khoẻ mạnh, thì tìm những ống lồ ô to đẹp để làm đường ống dẫn nước từ đầu nguồn về vị trí làm lễ cúng.
Ống nước trên nguồn được bịt kín, cho đến khi tổ chức lễ cúng, thì mới được mở để dẫn dòng nước đầu tiên chảy về làng. Còn cây nêu lớn được dựng ngay gần vị trí nước được dẫn về. Mọi người đều hân hoan, vui vẻ với phần việc của mình trong sự thành tâm nhất.
Sau một hồi trống vang lên, mọi người tập trung tại nhà già làng, với nhiều vật dụng như cây nêu, bầu rượu, cồng chiêng, lợn, gà. Họ rót rượu mời nhau, vừa uống vừa cười nói sảng khoái, trước khi ngược núi về với nguồn nước để cúng thần rừng.
Dù tuổi đã cao, nhưng già làng Hồ Văn Dề chưa bao giờ thiếu vắng trong bất kỳ lễ cúng máng nước của làng. Khi mọi thứ đã chuẩn bị song, già làng Hồ Văn Dề đi trước, những người đàn ông xếp hàng ngay ngắn, mang theo lễ vậy và cây nêu nhỏ bước theo già làng về phía nguồn nước, nằm ở cánh rừng phía sau làng.
Đến nơi, già làng Dề hô lớn: “Hôm nay, dân làng đến đây để xin thần rừng, thần nước cho chúng tôi đưa nguồn nước về, cầu mong mùa màng được tốt tươi, dân làng được no đủ”. Già Dề vừa dứt lời, cặp ống nứa được thả xuống cho lật đều, ngầm ý thần linh đồng ý. Sau đó, những người tham gia buộc chỉ đỏ vào tay già làng, như gửi gắm niềm tin của cả cộng đồng.
Tiếp đến, già làng Hồ Văn Dề thực hiện các nghi lễ cúng. Già chắp tay, cầu khấn các vị thần với tất cả long tôn kính. Lời khấn của già làng gửi đi thông điệp cầu nguyện cho dân làng có một mùa màng bội thu, ban phước lành cho người dân làm ăn thuận lợi, đoàn kết; cho dân làng nguồn nước trong lành quanh năm…
Những bài cúng lần lượt được thực hiện, trước khi già làng dùng cây tre nhọn chọc lấy huyết con heo theo nghi thức truyền thống. Một ít huyết heo được hoà vào dòng nước từ đầu nguồn chảy về làng qua những ống lồ ô. Khi nước về máng ở vị trí cây nêu, già làng tiếp tục cắt tiết một con gà để tạ ơn thân linh đã cho nước về dân làng. Ở cạnh máng nước, những người phụ nữ đã đợi sẵn để dùng ống lồ ô mang nước mới về nhà dùng để nấu ăn.
Khi già làng hành lễ, thanh niên đứng vây quanh cây nêu, chứng kiến nguồn nước mới bắt đầu về làng. Sau phần nghi thức cúng, các thanh niên, trai tráng trong làng bắt đầu mổ heo và chia cho từng gia đình, để lại một phần tại máng nước. Dân làng tập trung tại nhà rông để cùng nhau ăn, uống và chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Dân làng vào hội, điệu cồng chiêng vang lên, những lời hát ru cũng vang vọng bên những choé rượu cần thơm nức.
Chung tay gìn giữ
Già Dề cho biết: Đây là lễ hội có ý nghĩa tôn vinh nghề nông, tôn vinh người nông dân. Lễ cúng máng nước, còn đặc biệt thể hiện sự tôn trọng của cộng đồng người Ca Dong đối với các vị thần nước, thần núi, thần lúa…, cho được mùa, có lúa gạo nuôi sống dân làng và cũng cầu cho một mùa vụ mới thuận lợi. Vì thế, người Ca Dong luôn giáo dục con cháu phải luôn giữ gìn lễ hội, mỗi năm đều phải được tổ chức để tạ thần linh.
“Có lúa, có gạo thì dân làng mới sống được. Mà muốn được mùa thì phải có nguồn nước. Trước đây thì phần hội của lễ cúng máng nước thường kéo dài khoảng 15 ngày. Nhưng nay, mình tuyên truỳen cho bà con chỉ tổ chức vui chơi vài ngày, vừa tiết kiệm và dành thời gian để lên nương, lên rẫy”, già Dề chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, cho biết lễ cúng máng nước là nét văn hóa tín ngưỡng rất đặc sắc của người Ca Dong tại địa phương. Phong tục này thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên của người vùng núi, giúp cho tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn. Vì thế, cúng máng nước được xem như một lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào Ca Dong, với sự chuẩn bị chu đáo của cộng đồng. Bởi nguồn nước có vai trò đặc biệt, là mạch nguồn của sự sống.
"Đây cũng là dịp để khơi dậy niềm tự hào của đồng bào đối với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời là cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện", Chủ tịch xã chia sẻ thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và phát triển, ông Phạm Văn Thương, Phó trưởng Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Nam Trà My, cho biết: Nguồn nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là mạch nguồn của sự sống nên lễ cúng máng nước là một lễ hội đặc sắc của người Ca Dong, thể hiện sự biết ơn đối với thần linh.
Đây cũng là một trong những lễ hội của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Trong thời gian tới, các cấp, ngành của tỉnh tính toán để gắn lễ hội với phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những nội dung triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại địa phương. Hy vọng từ sự hỗ trợ của Chương trình, đồng bào DTTS sẽ có động lực giữ gìn những nét đẹp văn hoá truyền thống của cha ông mà còn có thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
T.Nhân-H.Trường/ baodantoc.vn