A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc đáo Lễ hội Pồôn Pôông của người dân tộc Mường ở Thanh Hóa

Lễ hội Pôồn Pôông, gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương, được người Mường tổ chức với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc.

 Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây Bông.  Ảnh: Thảo Quyên/TTXVN phát

Pôồn Pôông là lễ hội có nguồn gốc từ xa xưa tại Thanh Hóa, được cho là gắn liền với sử thi "Đẻ đất, đẻ nước." Lễ hội có rất nhiều trò chơi, trò diễn dân gian khác nhau, mang đậm dấu ấn của đồng bào Mường ở xứ Thanh.

Trò diễn Pồôn Pôông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017.

Trong tiếng Mường, “Pồôn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa; “Pồôn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên hoa.

Lễ hội Pôồn Pôông được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy. Người Mường tổ chức lễ hội này với mong muốn mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Ngoài các nghi lễ cầu phúc, cầu an, lễ hội còn là nơi giao duyên của nam nữ trong vùng.

Theo truyền thuyết, Lễ hội Pôồn Pôông gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương.

Người xưa kể lại rằng nàng Ờm và chàng Bồng Hương yêu nhau nhưng bố mẹ nàng Ờm không đồng ý với lý do gia đình chàng Bồng Hương nghèo. Dù bị ngăn cấm, nàng Ờm vẫn lén lút qua lại với chàng Bồng Hương. Rồi một ngày, bố mẹ nàng Ờm bắt gặp và đuổi nàng ra khỏi nhà. 

Quá uất ức, nàng Ờm đã lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương rồi cả hai cùng ăn lá ngón chết bên nhau. Trước khi chết, chàng Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Sau đó cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quanh cây.

Ậu Máy (người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pôồn Pôông) làm lễ báo với thần linh năm nay mùa màng bội thu, dân làng mở hội để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, người người hạnh phúc và mời thần tổ, vua cha về vui chơi...  Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Cứ tới tháng Ba hằng năm, cây chạng bạng lại nở hoa. Khi gặp mưa, hoa chuyển dần sang màu trắng. Đến ngày gặp nắng thì hoa lại chuyển dần sang màu đỏ. Và người dân trong vùng chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pôồn Pôông.

Chủ của lễ hội là Ậu máy (còn gọi là bà máy). Ậu máy là người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu máy đi trước, biết cúng bái, bốc thuốc chữa bệnh và múa đẹp, hát hay. Ngoài Ậu máy, lễ hội luôn cần ít nhất 6 người nữa cùng diễn trò múa hát xung quanh cây Bông.

Vật trung tâm trong lễ hội là cây Bông. Cây Bông là biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người. Dựng cây Bông đồng nghĩa với việc trả ơn thần linh và mời thần linh về chung vui cùng người trần gian.

Cây Bông được đẽo bằng thân tre, trên cây được treo 5 hoặc 7 tầng những chùm hoa được làm từ gỗ của cây Chạng bạng nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng cùng các mô hình muông thú, nông cụ sản xuất... (tùy theo tài năng, thâm niên của Ậu máy mà cây bông có thể có 5, 7 9 hoặc cao nhất là 12 tầng).

 Để làm cây bông phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi phải công phu, tỉ mỉ.

Bên cạnh cây bông là bàn rượu cần và các mâm cỗ lễ với các món ăn truyền thống của người Mường trong dịp lễ như xôi ngũ sắc, canh Loóng, canh Môn...

Lễ hội Pồôn Pôông gồm có hai phần, phần lễ và phần hội (diễn trò). Ậu máy có vai trò như một người thầy cúng, dùng văn vần kể lại giai thoại sinh ra trời đất, thông báo với thần linh năm nay mùa màng bội thu, dân làng mở hội để tỏ lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, người người hạnh phúc và mời thần tổ, vua cha về vui chơi...

Sau phần lễ của Ậu máy là phần hội. Tất cả các trò diễn đều xoay quanh cây Bông, mô phỏng lại các phong tục, tập quán của người Mường, phản ánh đời sống tâm linh văn hóa của người Mường.

Các nhân vật tham gia lễ hội mặc trang phục dân tộc Mường, trên vai vắt một dải khăn để điệu nhảy thêm uyển chuyển. Họ múa mô phỏng lại các động tác trong quá trình lao động, sản xuất vui chơi hằng ngày như chia đất, chia nước, dựng nhà, đuổi thú dữ, trồng trọt, làm cơm mời Mường..., sau đó mọi người tiếp tục nhảy múa quanh cây Bông, họ cất lên những khúc hát giao duyên, lời ca hẹn ước.

(Theo TTXVN)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu