Chuyện về những chiếc ché của người Ê - đê
Từ lâu đời, đối với người Ê-đê ở Tây Nguyên, ché rượu cần không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn là một loại tài sản quý. Những chiếc ché này cũng là sản phẩm được trao đổi, mua bán với giá trị quy đổi bằng những con vật lớn như voi, trâu, bò, heo, gà…
Trong mỗi ngôi nhà dài với kiểu kiến trúc đặc trưng của người Ê-đê bên cạnh bếp lửa, nồi đồng, cây nêu, các loại cồng chiêng thì một vật dụng trang trí nổi bật và không thể thiếu là những ché rượu cần. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc…
Vốn là một loại tài sản quý, người Ê-đê sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân. Đối với người Ê-đê, ché rượu cần có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Chính vì điều này mà ché rượu cần lại có giá trị quy đổi bằng những con vật lớn như voi, trâu, bò, heo…
Chị H’ Len, Buôn Krông B, xã Ea Tur, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Đối với người Ê- đê chúng tôi, ché rượu cần được xem như một vật linh thiêng, do vậy nhiều loại ché có thể đổi lấy cả con trâu, con bò thậm chí cả con voi. Ví dụ như ché tang dây thừng (tang Brăk) thuộc dòng ché tang cũ, có giá trị trao đổi bằng 4 con bò. Đó là loại ché trên thân đắp nổi 2 dây thừng (Bră) và bộ bát tiên gồm: Quạt ba tiêu, thanh kiếm, ngọc bảo, gậy trúc, hồ lô (bầu rượu), hoa sen, ống tiêu, giỏ hoa. Ché này thường dùng trong các lễ cúng lớn của gia đình (lễ vật từ 1 con heo thiến và 3 đến 5 ché rượu trở lên), như: Cúng sức khỏe, mừng thọ, cúng nhà mới. Trong lễ cúng, ché này được buộc đầu tiên”.
Những chiếc ché được người Ê-đê hay các cộng đồng Tây Nguyên sở hữu lại là sản phẩm được trao đổi, mua bán qua quá trình giao thương với các cộng đồng cư dân khu vực khác …
Theo anh Y Kô, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đăk Lăk, ché còn là phương tiện gắn kết cộng đồng, dòng họ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nhắn nhủ, giao kết duyên phận gái trai. Người Ê-đê phân biệt ché thành 4 loại chính, xếp theo thứ tự từ quý nhất trở xuống là: ché Tuk, ché Tang, ché Ba, ché Bô. Ngoài ra còn có các loại ché Jăn, ché Duê, ché Kriăk… Do có nhiều nhánh địa phương, nên đôi khi cùng một loại ché, nhưng tên gọi khác nhau theo vùng cư trú. Theo lối sống tự cung tự cấp, những chiếc ché được đổi bằng vật của gia đình như heo, bò hoặc trâu cho thương lái từ các vùng miền đến.
Điều đặc biệt chính là sự sáng tạo của người Ê-đê trong tính năng sử dụng và ý nghĩa tâm linh dành cho ché, tạo nên những lớp giá trị văn hóa mới, vô cùng đặc sắc. Giá trị của ché không chỉ được mặc định chỉ bởi mức quy đổi bằng vật ngang giá cao-tính bằng nhiều trâu hay voi hoặc các sản vật quý khác mà chính là tính thiêng của nó. Người Ê-đê vừa coi ché như một thành viên trong gia đình, được chia sẻ mọi buồn vui, chứng kiến những sự việc trọng đại trong cuộc đời của mỗi cá nhân hay gia đình hoặc cả cộng đồng. Hơn thế nữa, nó được coi là nơi trú ngụ của thần linh, là vật linh thiêng, là lễ vật cúng thần linh.
Ché gắn bó chặt chẽ với đời sống, tín ngưỡng, tâm linh của người Ê-đê, từ các lễ nghi vòng đời (lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe, đám cưới, bỏ mả...) đến lễ nghi nông nghiệp (lễ cúng giống lúa, lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước...) hay các mối quan hệ xã hội không thể thiếu ché (lễ kết nghĩa anh em).
Ngay khi có được ché mang về nhà, đồng bào còn có một nghi lễ hết sức thiêng liêng để chào đón một thành viên mới trong gia đình. Khi bán hay cho ché đi, người Ê-đê làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt. Nếu làm vỡ ché, phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché. Ché càng thiêng khi được các gia đình cùng cộng đồng thực hành nhiều nghi lễ.
Thông qua các lễ nghi, với sự hiện diện của ché, đồng bào gửi gắm lòng biết ơn cũng như khát vọng được các Yang che chở, phù hộ. Với các lễ nghi nông nghiệp, đồng bào cầu mong có sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi, nhiều thóc, bắp, trâu, bò, heo, gà. Với những nghi lễ vòng đời, ché mang những gửi gắm về mong ước có cuộc sống khỏe mạnh, bình an, không có ai đói nghèo, bệnh tật…
Đối với người Ê-đê chúng tôi, ché rượu cần được xem như một vật linh thiêng, do vậy nhiều loại ché nó có thể đổi lấy cả con trâu, con bò thậm chí cả con voi. Ví dụ như ché tang dây thừng (tang Brăk) thuộc dòng ché tang cũ, có giá trị trao đổi bằng 4 con bò. Đó là loại ché trên thân đắp nổi 2 dây thừng (Bră) và bộ bát tiên gồm: Quạt ba tiêu, thanh kiếm, ngọc bảo, gậy trúc, hồ lô (bầu rượu), hoa sen, ống tiêu, giỏ hoa.” Chị H’ Len, Buôn Krông B, xã Ea Tur, TP. Buôn Ma Thuột |
Bá Thắng/ baodantoc.vn