A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Cướp bông, ném chài” - Lễ hội mang đậm dấu ấn Tín ngưỡng Hùng Vương

Lễ hội cướp bông, ném chài Đền Vân Luông tái diễn cảnh vua tôi săn đuổi thú dữ, quây quần đón Tết, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn các bậc tiền nhân có công dựng nước, giữ nước.

Lễ hội cướp bông ném chài được tổ chức hàng năm tại đền Vân Luông, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nguồn: Báo Dân tộc

Đền Vân Luông nằm ở khu 7, phường Vân Phú, được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ thứ XIX). Đền Vân Luông thờ các Vua Hùng và thờ vọng Tản Viên Thánh. Trong Đền hiện còn nhiều di vật quý về lịch sử và văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là cuốn Ngọc phả viết năm 980 - thời Lê Đại Hành.

Tuy nhiên, gây ấn tượng sâu sắc nhất, đặc trưng nhất tại ngôi đền hàng trăm năm tuổi này là lễ hội cướp bông, ném chài được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Giêng hàng năm.

Đây là một diễn xướng văn hóa dân gian nhằm diễn lại cảnh vua tôi cùng quây quần ăn Tết, chúc Tết đầu xuân với dân làng và cảnh Vua Hùng cùng dân làng đưa tiễn Sơn Tinh về núi Tản với những nghi thức cúng tế được truyền lại bao đời.

Lễ hội cướp bông, ném chài cũng là một trong những lễ hội độc đáo, lớn nhất trong năm của nhân dân địa phương, mang đậm dấu ấn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nền nông nghiệp lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Tục xưa truyền rằng vào đời Vua Hùng thứ 18, nhằm mùng 3 Tết Nguyên đán, con rể Vua Hùng là Tản Viên sang lễ tết vua cha và về thăm quê ngoại ở làng Vân Luông. Vua Hùng lệnh cho Tản Viên và quần thần mở cuộc đi săn khai xuân, săn đuổi thú dữ để bảo vệ mùa màng, đảm bảo cuộc sống yên lành cho nhân dân.

Đến làng Vân Luông, Vua Hùng cùng đoàn săn thấy một đàn lợn rừng xuất hiện, hùng hổ xông thẳng vào đoàn vua tôi. Nhà vua giương cung định bắn nhưng Tản Viên đã ngăn lại và xin phép được trổ tài, nhanh tay xông vào bắt sống con lợn đầu đàn. Số lợn còn lại sợ hãi, chạy tan tác vào rừng.

Vua thấy vậy rất hài lòng, khen ngợi Tản Viên và truyền lệnh mổ lợn ăn mừng. Thịt lợn được chia ra 6 phần, 5 phần dùng để khao quân và dân chúng sở tại, phần còn lại gửi Tản Viên mang về biếu mẹ.

Khi vua quan dự tiệc xong, những chiếc cần uống rượu hay còn gọi là “đũa bông” được tung ra cho nhân dân đón tay, cướp lấy làm lộc đầu năm. Sau đó dân làng ném đá xua đuổi thú dữ về rừng.

Để tưởng nhớ ơn Vua, người dân đã lập đền thờ đúng nơi mổ lợn khao quân và dân làng, đó chính là Đền Vân Luông ngày nay. Cũng từ đó về sau, cứ mùng 3 tháng Giêng hằng năm, dân làng đều tiến hành các nghi thức cúng tế Vua Hùng tại đền và tái hiện cảnh vua tôi săn đuổi thú dữ, cùng nhau quây quần ăn tết, chúc tết đầu xuân. Dân gian gọi đó là lễ hội “Cướp bông, ném chài.”

Theo lời kể của Thủ từ đền Vân Luông, để chuẩn bị cho lễ hội, từ ngày 22 tháng Chạp, các dòng họ trong làng cử ra 6 người đàn ông vào đền làm lễ, xin âm dương để chọn ra 3 người; trong đó 1 người làm chân “củ sát,” tức là người dẫn đầu đoàn đi săn và 2 người làm chân “củ hờ” có nhiệm vụ săn bắt lợn, mổ lợn sắp lễ, vác thuyền rồng và rọ thịt tiễn Thánh Tản Viên. 3 người phải ăn uống chay tịnh, không bế trẻ con, không gần phụ nữ trong suốt thời gian từ khi được chọn đến khi kết thúc lễ hội.

Đến sáng mùng 3 tháng Giêng, các “củ sát”, “củ hờ” mặc áo the, quần trắng, đội khăn xếp, thắt dây lưng đỏ có mặt tại đền làm lễ tế Vua và diễn lại tích xưa.

Sau các nghi lễ cúng tế là nội dung “cướp bông, ném chài” được dân làng trông đợi nhất, náo nhiệt nhất, diễn ra ở sân đền.

Tiếp theo là màn “ném chài” xua đuổi thú dữ. Lúc này, “củ sát” chuyển sang đóng vai thú dữ, đi ra cổng đền rồi ngồi quay lưng về phía dân làng, cách chừng 30-40m, trước ngực ôm chặt chiếc lệnh làng.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, lễ hội “Cướp bông, ném chài” Đền Vân Luông vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền và tổ chức hằng năm. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết và ý thức cộng đồng của nhân dân; thể hiện ước vọng làm chủ thiên nhiên, đẩy lùi cái xấu, chiến thắng ngoại xâm, bảo vệ non sông và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hưng thịnh, thái bình.

Việc lễ hội cướp bông, ném chài Đền Vân Luông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào tháng 1/2022 sẽ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của tỉnh Phú Thọ, nhất là các di sản gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam./.

Theo Vietnam+


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu