A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tục lệ Chăm H’Roi (Phú Yên): Mọi nghi lễ đều hướng đến con người

Người Chăm H’Roi thuộc tỉnh Phú Yên là dân tộc thiểu số mang nhiều nét văn hóa đặc sắc phác họa một cách rõ ràng nét sinh hoạt tinh thần và đời sống tâm linh của người Chăm H’Roi. Các tục lệ ở đây thể hiện bằng những nghi lễ hết sức gần gũi và đều hướng đến con người.

Ở tuổi 79, ông KPá Y Mun, người Chăm H’Roi ở buôn Ma Lưng (Cà Lúi, Sơn Hòa) vẫn còn khỏe lắm. Người trong buôn thường gọi ông là A Ma Liên. Phong thái khoan thai, tinh thần minh mẫn, A Ma Liên là bậc cao niên có uy tín trong buôn, trong xã. A Ma Liên có thể rành rọt kể các phong tục của người Chăm H’Roi giúp người nghe nhanh chóng nắm bắt và thông hiểu sinh hoạt tinh thần của người Chăm H’Roi nơi đây.



A Ma Liên.

Người Chăm H’Roi có nhiều phong tục nhưng A Ma Liên chọn kể các phong tục mà ông cho rằng đó là nét truyền thống độc đáo của dân tộc mình. A Ma Liên nói: “Công cha như núi thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Người Kinh có câu ca dao này ca ngợi công lao to lớn của đấng sinh thành, răn dạy về đạo làm con phải có hiếu với cha mẹ. Với ý nghĩa này, người Chăm H’Roi có lễ mừng thọ cầu mong cha mẹ già luôn khỏe mạnh, vui sống bên con cháu”.

Theo A Ma Liên, không phải Lễ mừng thọ được tổ chức hằng năm mà tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, khấm khá thì tổ chức thường xuyên không thì những lúc cha mẹ đau ốm nặng nhất định phải tổ chức. Lúc này, lễ mừng thọ là cầu nối để thần linh, tổ tiên phù hộ cho người già mau khỏe mạnh. Trong lễ mừng thọ, gia đình chuẩn bị đầy đủ rượu, thịt mời thầy cúng và dân làng đến tham dự. Chăm sóc cha mẹ và người thân là truyền thống lâu đời, là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’Roi.

Khi người thân trong gia đình mất đi, người Chăm H’Roi sẽ tổ chức lễ bỏ mả. Một nghi thức lễ thể hiện sự tôn trọng, lòng tiếc thương của người sống đối với người chết. Khi mâm cúng bày ra, thầy cúng sẽ khấn vái và làm lễ bỏ tang cho người sống cắt đứt mối quan hệ với người chết. Người trong buôn làng cùng nhau ca hát, nhảy múa thâu đêm bên tiếng cồng chiêng, hòa mình trong điệu múa xoang tiễn biệt người chết. Điều đặc biệt là sau khi lễ bỏ mả kết thúc, người chết sẽ biến thành ma và không còn mối quan hệ nào với người sống và gia đình không làm đám giỗ.

Người Chăm H’Roi cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người con gái được phép “bắt chồng”. Trong không gian sinh hoạt chung của nhà sàn truyền thống, trai gái giao duyên với nhau. Người con gái nếu có tình ý với chàng trai, cô nhờ người thân mang theo vòng đeo tay (coong) đến nhà chàng trai dạm hỏi. Nếu nhà trai đồng ý sẽ tiến hành nghi lễ cưới. Đặc biệt, trong mối giao tình, gia đình nhà trai nói chuyện thâm trầm gửi gắm con cháu của họ cho nhà gái, nhờ nhà gái chăm sóc. Trong lễ cưới của người Chăm H’Roi, các lễ vật cưới hỏi rất nặng nề. Không chỉ có bò, heo mà còn nhiều vật phẩm khác dành để biếu gia đình bên chồng. Đây có thể xem là trở ngại thách cưới.

Hầu hết người Chăm H’Roi là những cư dân nông nghiệp thuần chất. Nương rẫy cho hạt lúa dẻo thơm nuôi sống người dân bao đời. Hằng năm, vào dịp cuối năm khi những bông lúa nặng trĩu chín vàng, dân làng tổ chức lễ cúng lúa mới. Gia đình cúng lúa mới bày mâm cỗ trang trọng mời người làng đến tham dự lấy hên chờ đón ngày lúa mới nhập kho. Do điều kiện canh tác còn thô sơ, người Chăm H’Roi làm nương rẫy phải phụ thuộc vào thiên nhiên khắc nghiệt. Ngoài tục cúng lúa mới, người Chăm H’Roi còn có tục cúng thu hoạch, cúng lúa vào kho cầu mong cho mùa màng bội thu, thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với núi rừng, cầu mong thần linh phù hộ dân làng làm ăn giàu có.
A Ma Liên bảo, người Chăm H’Roi không chỉ có bấy nhiêu phong tục, tín ngưỡng này. Nhưng thông qua các nghi lễ gần gũi nhất đã phác họa một cách rõ ràng nét sinh hoạt tinh thần và đời sống tâm linh của người Chăm H’Roi Phú Yên./.

(Theo vntime.com.vn)

 

 


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu