A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tín ngưỡng thờ Neak Ta – “Ông Tà” của cộng đồng người Khmer

Không rõ tục thờ Neak Ta – “Ông Tà” của người Khmer Nam Bộ đã có tự khi nào. Chỉ biết, đến nay, tục thờ Tà thần đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, một tín ngưỡng dân gian có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer ở Sóc Trăn




 Miếu thờ Neak Ta có liễn đỏ, ghi chữ Hán
ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng


Đứng về mặt ngữ nghĩa, “Neak” trong ngôn ngữ Khmer là danh từ dùng để chỉ con người nói chung, “Ta” là người đàn ông có tuổi, đáng được tôn kính. Vậy, Neak Ta là ai, ông từ đâu đến và quyền hành ra sao mà được dân gian kính nể và tôn sùng đến thế ?

Trên đường vào các phum sóc của người Khmer Sóc Trăng dễ dàng thấy nhiều miếu thờ Neak Ta. Theo Hòa Thượng Thạch Song trụ trì Chùa Khléang: “Neak Ta là những hòn đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của Neak Ta, to gọi là Thmâr thom, nhỏ gọi là Thmâr tâch, thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh để che chở, bảo vệ con dân trong phum sóc”.

Neak Ta còn được gọi là ông Tà, là vị thần bảo hộ phum sóc giống như thần Thành Hoàng ở các làng của người Việt. Trong tín ngưỡng dân gian của người Khmer, trong tất cả các hiện tượng tự nhiên liên quan đến đời sống con người đều được trời đất sắp đặt một vị Neak Ta bảo hộ, có nhiệm vụ trừ khử mọi tai ương, trấn áp mọi tà ma quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên, no đủ cho con người, cho phum sóc. Neak Ta cũng có nhiều loại, tùy theo phạm vi ảnh hưởng, mà người Khmer phân thành Neak Ta của phum, sóc, xóm, rạch,… mỗi Neak Ta thường có miếu thờ. Miếu thờ Neak Ta có nhiều loại: loại đơn giản thường làm bằng tre, lá, nhà sàn hoặc nhà đất, làm dưới gốc cây, nơi ngã ba đường; Loại miếu ở trong khuôn viên chùa thường được xây ở một góc nhỏ hướng Đông Bắc,… Bên trong miếu, thờ hình tượng Neak Ta. Hình tượng Neak Ta là những hòn đá to, nhỏ, hình bầu dục, mặt nhẫn bóng.

Mỗi Neak Ta thường có một tên gọi riêng, tên gọi này thường gắn liền với một truyền thuyết hay một câu chuyện dân gian và lợi ích thiết thực của người dân trong vùng. Trong chùa có Neak Tà Chùa (Neak Ta Wạtt), tại phum sóc có Neak Ta Phum Sóc (Neak Ta Machas Srok), tại bến sông có Neak Ta Bến (Neak Ta Kompong), trong các dãy núi có Neak Ta Núi (Neak Ta Phnôm), tại các con giồng có Neak Ta Giồng (Neak Ta Phnô), tại các cánh đồng có Neak Ta Ruộng Rẫy (Neak Ta Sre)…
Lễ cúng Neak Ta hằng năm được tổ chức trong khoảng tháng Ba đến tháng Tư âm lịch, tức là trong vòng một tháng đầu mùa hạ trước khi làm đồng áng. Vào những ngày này, người Khmer họp nhau làm lễ theo từng sóc để cúng Neak Ta, và cũng để xin nước mưa làm ruộng rẫy trong năm, có sự tham gia của nhiều người với lễ vật phong phú: 1 đầu heo luộc, 1 con gà, 1 chai rượu, 1 nải chuối xiêm, 1 trái dừa, cơm, muối, dầu dừa, chỉ đỏ, hoa quả, bánh trái, có nơi có cả heo quay và heo trắng… Đa số người Khmer ở Nam Bộ thường cúng các Neak Ta xóm, rạch, hoặc gia đình với lễ vật đơn giản, như: gà, vịt, bánh trái,… với ý nghĩa cầu an, cầu mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi…

Neak Ta đối với người Khmer không chỉ là thần bảo hộ mà còn là vị thần phúc thần có thể chữa bệnh, xét xử, giải quyết tranh chấp. Ngày thường, các miếu Neak Ta thường yên vắng, khi có mâu thuẩn xảy ra họ thường đến miếu Neak Ta để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng giám của Neak Ta.

Thông qua quá trình giao lưu văn hóa với người Việt và người Hoa, mà nhất là người Hoa, tín ngưỡng Neak Tà của người Khmer có sự dung nạp với tín ngưỡng thờ Thần, thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) của người Hoa, hay ở những ngôi đình Thần của người Việt cũng có thờ ông Tà. Truyền thống thờ Neak Ta là một tín ngưỡng giàu tính nhân văn, sáng tạo, thật sự là một sinh hoạt văn hoá dân gian, một nhu cầu thiết yếu của đời sống tâm linh nhân dân. Bảo tồn và phát huy là sự cần thiết nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước mắt và lâu dài.

(Theo Báo Sóc Trăng)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu