Lễ cúng thần Sấm của người Cor
|
Già làng Trần Văn Hành (81 tuổi), dân tộc Cor hiện đang sống tại thôn 2A, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết: Theo nếp xưa, lễ cúng thần Sấm (sông Sôi), đây là một vị thần dữ, thời gian tổ chức không ấn định được cụ thể, nhưng thông thường hàng năm khi dân làng ăn Tết Giã rạ xong, thì tổ chức lễ cúng thần Sấm gắn với lễ ăn trâu. Nếu trong làng có nhiều gia đình tổ chức thì thời gian tiến hành ở từng gia đình phải cách nhau 3 ngày. Cúng thần Sấm là cách để cộng đồng người Cor bày tỏ sự kính trọng, mong thấn Sấm phù hộ điều tốt cho người dân, gia đình, làng bản mà không gây điều xấu cho họ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ người Cor tổ chức lễ cúng thần Sấm bởi vì thuở xa xưa, mỗi khi người Cor tổ chức lễ ăn trâu thì các vị thần linh đều sai chim chèo bẻo (Síp plít) báo cho dân làng biết rằng, khi tổ chức lễ ăn trâu phải tiến hành cúng thần Sấm. Theo phong tục, thời gian tổ chức lễ cúng thần Sấm chỉ diễn ra trong một ngày, nên mọi sự chuẩn bị cho lễ này khoảng từ 6-7 ngày trước đó từ khâu đi mời bà con, họ hàng, anh em ở làng khác, đến chuẩn bị thực phẩm, heo gà, cá, bánh, rượu... Chủ lễ (chủ nhà của gia đình và già làng đại điện cho làng tổ chức), phân công nhiệm vụ cho tất cả các thành viên trong gia đình, trong làng mỗi người mỗi việc lên rừng chọn cây gỗ thật chắc, đẹp, nứa về làm cây nêu và làm bàn thờ cúng.
Lễ vật trong lễ cúng thần Sấm gồm: Trầu, cau, rượu, gạo, thuốc, bánh lá dong, cơm nếp nướng trong ống nứa, trái cây, 1 miếng quế khô, 10 con gà, cá niêng, 1 con heo khoảng 15kg. Khi lễ vật đã bày xong, các thành viên trong gia đình và bà con trong làng tụ tập nơi bàn cúng và cây nêu cùng lúc chủ lễ dâng rượu khấn vái gọi thần linh (mo hít), ma tốt (ka-mút-láep), ông bà tổ tiên người Cor biết hôm nay gia đình (làng) tổ chức lễ cúng thần Sấm về dự chung vui. Kết thúc nghi lễ cúng rượu, chủ lễ cùng những đàn ông thanh niên Cor trong trang phục truyền thống đánh chiêng. Khi chiêng đánh lên, người Cor tin rằng cũng là lúc thần Sấm đã hiện diện về chứng kiến lòng thành của gia đình và làng bản.
Tiếp sau đó, chủ lễ tiến hành cúng heo sống với nghi thức dùng con dao nhọn đâm nhẹ vào con heo tượng trưng. Sau nghi thức này, cồng chiêng lại được đánh lên, phụ nữ với trang phục đẹp nhất cùng nhau trong điệu múa kađấu truyền thống. Sau 3 vòng múa thì kết thúc, cũng là lúc heo, gà sống tiếp tục đem đến đặt chổ cây nêu và bàn thờ cúng tiến hành cúng. Khi cúng xong, heo, gà được chọc tiết và mổ tại chỗ rồi đem đi chế biến các món ăn truyền thống để chủ lễ tiến hành lễ cúng chín dâng lên cúng thần linh, thần Sấm, ông bà tổ tiên người Cor cùng lúc cồng chiêng tiếp tục được đánh lên, phụ nữ cùng nhau trong điệu múa kađấu trong 2 vòng. Đến đây, nghi lễ cúng thần Sấm kết thúc, bà con tụ tập quây quần bên nhau cùng uống rượu, ăn uống trò chuyện trong không khí vui vẻ.
Già làng Trần Văn Hành cho biết thêm: Theo quan niệm của người Cor, để bày tỏ thành kính với thần Sấm, trong khi ăn, người đàn ông Cor bao giờ cũng dùng que nhọn xâu các miếng thịt lại với nhau để ăn. Còn đối với phụ nữ Cor trong thời gian mang thai được quyền ăn thêm những thức ăn như để tăng thêm sức mạnh. Đây là quy định chỉ có trong lễ cúng thần Sấm còn các lễ khác không có.
Với tộc người Cor huyện Bắc Trà My, lễ cúng thần Sấm, đã một phần phản ảnh những nét đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng dân gian mà ở đó có sự hiện diện của thần linh, ông bà tổ tiên và con người mà lễ cúng thần Sấm còn là không gian cho những sinh hoạt văn hóa của người Cor là cồng chiêng, điệu múa kađấu, làn điệu dân ca agiới, xadru truyền thống. Lễ cúng thần Sấm, phần nào làm thỏa mãn tinh thần, đem lại cho người Cor sự vui tươi, lạc quan từ đó góp phần tái tạo sức lao động để làm cái nương cái rẫy đem lại nguồn lương thực phục vụ đời sống hàng này.
(Theo Làng Việt)