A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lào Cai: Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy Sa Pa

Cứ vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm, người Giáy ở Sa Pa (Lào Cai) lại tưng bừng tổ chức lễ hội lễ hội Roóng Poọc. Lễ hội đã có từ lâu đời với mục đích mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở.

Hội Roóng Poọc Tả Van hàng năm lại càng nhộn nhịp hơn bởi có sự tham dự của nhân dân hai xã Hầu Thào và Sử Pán và đặc biệt hơn lễ hội này đã được Nhà nước công nhận là một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.



 Nghi lễ cúng khai hội.

Nghi lễ cúng khai hội

Từ sáng sớm, từng đoàn người và trai gái ở các xã Hầu Thào, Lao Chải, Séo Mý Tỷ xuống; Bản Hồ, Bản Phùng lên và du khách từ khắp nơi tíu tít về đổ về khiến con đường vào khu tổ chức lễ hội rất đông vui. Nơi tổ chức lễ hội trên khu ruộng rộng lớn, nằm bên dòng suối Mường Hoa thơ mộng.

Theo ông Hoàng Mục, người được dân bản cử làm chủ lễ ở xã Tả Van thì hội Roóng Poọc là lễ hội xuống đồng truyền thống của bà con địa phương nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản được bình yên.

Trước khi tổ chức lễ hội, chủ lễ cử một nhóm thanh niên khỏe mạnh, vào rừng tìm một cây mai to nhất, dài nhất về để làm cây nêu. Tiếp theo, một già làng đức độ, có uy tín được mời đến làm vòng nhật nguyệt trên nền giấy hồng điều để treo trên đỉnh. Vào ngày Thìn tháng Giêng, chủ lễ bày lễ của xã, của các làng trên một khu đất cao trên cánh đồng Tả Van, bên cạnh dòng suối Mường Hoa để cúng. Lễ vật trên bàn cúng bao gồm: Đĩa hoa quả, bánh kẹo, năm bát xôi màu xanh, đỏ, tím, phỏng gạo bốn bát, hai nắm xôi trắng nắm ý nghĩa vị thần mang theo trên đường đi. Bên cạnh có bát nước trong có đồng xu tượng trưng sự sung túc về tiền bạc.

Cạnh bát hương là 5 chén nước chè, 9 chén rượu và 9 quả trứng màu xanh, đỏ, trắng tượng trưng cho màu trang phục của 9 nàng theo hầu vị thần. Ngoài ra còn có trang sức dành cho các nàng hầu như khuyên tai, vòng đeo tay, đeo cổ. Bên cạnh bát nước là quả Còn để ném vòng nhật nguyệt. Một con lợn con, một con gà, con vịt sống để gầm bàn lễ khi nào già bản khấn cúng xong dâng lên vị thần (hiến tế) với ý nghĩa cảm ơn vị thần đã cho dân bản nhiều gia súc. Trên ghế vị thần ngồi bên trái có gánh củi, ý nghĩa trên đường đi vị thần và người hầu có củi để nấu ăn và sưởi. Bên phải có gánh cỏ, ý nghĩa để trên đường đi ngựa của vị thần có cỏ để ăn. Trên ghế ngồi của vị thần có trải chăn màu đỏ vì theo dân tộc Giáy màu đỏ là màu may mắn.

Khi dân bản có mặt đông đủ và việc sắp lễ xong, thầy cúng khấn cúng, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để. Lễ cúng xong thì thầy cúng sẽ đưa quả Còn cho những người già uy tín trong bản ném quả còn tượng trưng vào vòng tròn dán giấy có vẽ vòng tròn âm - dương treo ở ngọn cây mai. Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng Nhật Nguyệt, vì người Giáy quan niệm rằng nếu vòng Nhật Nguyệt không được ném thủng thì cả năm đó bản sẽ đen đủi. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản.



Nhân dân và du khách nô nức đi dự hội.

Sau khi chủ lễ và các cụ cao niên cúng xong thì mọi người cùng dựng cây nêu mở hội khai xuân. Ngay sau khi phần lễ kết thúc, nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui như thi cày ruộng thi ném còn, thi bịt mắt bắt dê, thi đánh đu, kéo co...

(Theo langvietonline.vn)


 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu