Bới lông tìm vết
Đời nhà Đường bên Trung Quốc, cứ sau tết Nguyên Đán, dân chúng an nhàn, nhà vua cho mở hội thi chim ở khắp các phủ.
Ở vùng núi nọ có chàng Mao Công làm nghề hái củi. Gắn bó với núi rừng, chàng học được niều giọng chim hót. Chim rừng quý mến chàng trai thường xà xuống làm bạn với chàng. Chàng chọn hai con chim họa mi lông óng mượt như nước suối và có tiếng hót thật mê ly. Buoir sáng, khi chim cất tiếng hót thì cả núi rừng bừng dậy, nỗi buồn của người cũng tan đi, lòng rộn lên như muốn hót cùng chim. Buổi trưa, chim hót, đất trời như mở ra, suối hòa róc rách, gió xạc xào. Buổi chiều chim hót, lá rừng uyển chuyển, hoàng hôn e ấp, êm đềm, se sẽ bước dần vào đêm tính lặng.
Ở vùng đó có một tri phủ cũng thích chơi chim. Lồng chim của tri phủ treo đầy vườn. Chim của tri phủ hót cũng hay, lông cũng mượt, nhưng khi nghe chim của Mao Công hót, mặc dù ở rất xa nhưng như có dòng linh cảm nên tất cả các loài chim của tri phủ không cất nổi tiếng hót.
Năm ấy, nhà vua mở hội thi chim, khắp vùng đều náo nức. Tri phủ vùng này chắc mẩm không ai có chim đẹp và hót hay bằng chim của mình.
Ngày hội đến, Mao Công cũng đem đôi chim của mình đi thi nhưng chỉ dám đứng đằng xa.
Trống đánh liên hồi, cờ xí rợp trời. Chim các nơi tụ họp về hót rộn vang cả vùng. Từng con một được đưa vào thi. Chấm đến chim của Tri phủ, Ban giám khảo khen chim hót hay, lông đẹp cho điểm cao rồi trình lên vua. Vua cho đòi tri phủ đem chim đến để được nghe nó hót. Nhưng mồi bằng cách gì đi nữa, chim của tri phủ vẫn lặng thinh và nhảy loạn xạ trong lồng. Chúng chẳng hót, chẳng xòe đuôi liệng cánh làm duyên, làm dáng nh ban giám khảo mong đợi. Mọi người chủi thấy những con chim của tri phủ hết ủ rũ lại nhảy loạn xạ. Thì ra, đằng xa chim của Mao Công đang hót, làm cho chim của tri phủ như bị thôi miên.
Có người mách bảo với các quan về đôi chim của Mao Công. Mao Công được đưa đến trình vua cùng với đôi chim. Theo lời truyền của vua, đôi chim sơn ca hót len những âm thanh như những bản nhạc mê hồn. Nhìn đôi chim xòe đuôi, liệng cánh, dáng điệu duyên dáng như biết múa, vua cho truyền đôi chim được giải. Lúc ấy, tri phủ tức điên người, mới đến tâu vua:
- Bẩm, đôi chim của nó dáng ngoài thì vậy, chứ trong lông nhiều bọ cắn lắm, cứ cho vạch ra thì rõ.
Nhà vua cho người vạch lông chim ra soi kỹ, quả có vài vết bọ cắn. Tuy vậy nhà vua vẫn lệnh cho đôi chim được giải và nói:
- Bới lông ra thì gì mà chả có vết, khác nào vạch lá tìm sâu. Chim quý là ở tiếng hót.
Chim quý ở tiếng hót, sau đó mới đến bộ lông đẹp bên ngoài, đấy là điều dễ nhận thấy. Khi bới lớp lông đẹp bên ngoài để tìm trong thân thể, sẽ phát hiện ra không nhiều thì ít cái vết, cái xấu. Giống như người ta “nhân vô thập toàn”, có tài, có tốt đến mấy vẫn có những khiếm khuyết. Việc cố tình moi móc để chê bai, hạ giá người hoặc vật mà mình không ưa, không thích, đó là thói xấu mà con người thường hay mắc nhưng rất cần phải loại bỏ.
Nên có câu:
Bới lông tìm vết mới hay
Phận ai chả có cái rày nọ kia
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ - Nhà xuất bản Thông tấn