A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẩy hội đền Cờn xem “bơi chải”

Trong tâm thức dân gian của người Nghệ An về đền chùa có lưu truyền câu ca: "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Bã, tứ Chiêu Trưng". Hàng năm, đền Cờn (xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lại tưng bừng mở hội tiếp đón hàng chục vạn du khách khắp nơi về dâng hương, tham quan và du lịch.

Nô nức trẩy hội đền Cờn

Đền Cờn không chỉ đẹp về mặt kiến trúc nghệ thuật mà còn nổi tiếng linh thiêng nhất ở Nghệ An, có cảnh quan xinh đẹp, mang đậm dấu vết lịch sử. Sau đền Cờn là đền Quả ở Bạch Ngọc (Đô Lương), thờ Lý Nhật Quang; đền Bạch Mã ở Võ Liệt (Thanh Chương) thờ Phan Đà, một võ tướng thiếu niên của Lê Lợi rồi đến Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, trước ở Cửa Sót (Thạch Hà, Hà Tĩnh) sau ở xã Nghĩa Liệt, dưới chân núi Lam Thành (Hưng Nguyên), nơi đã từng là trấn lỵ của trấn Nghệ An trong nhiều đời và qua nhiều thế kỷ. 

 Đông đảo du khách trẩy hội đền Cờn

Với tuổi đời gần 800 năm, “Đệ nhất linh từ” của xứ Nghệ từ xưa tới nay, đền Cờn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa về vãn cảnh. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội thành tâm, tôn kính với mong ước một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của ngư dân.

Theo các bậc cao niên truyền lại, Lễ hội đền Cờn được diễn ra trong một khoảng thời gian từ ngày 21 tháng Chạp năm trước đến ngày 22 tháng Giêng năm sau. Hiện nay, lễ hội đền Cờn kéo dài từ 19 đến 21 tháng Giêng. Giống như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội đền Cờn gồm có phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, sẽ gồm lễ yết cáo, lễ yên vị, rước kiệu từ đền trong ra đền ngoài và rước kiệu từ đền ngoài vào đền trong (hai đường thủy - bộ), lễ tạ. 

 Hội đua thuyền trong lễ hội đền Cờn

Về phần hội, du khách thập phương sẽ được đắm chìm trong không gian của những trò chơi dân gian đặc sắc thường diễn ra từ sáng ngày 19 đến tối ngày 21 tháng Giêng như: cờ thẻ, cờ người, chọi gà, các môn thể thao có đua thuyền truyền thống, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn. Văn hóa, văn nghệ cũng là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày chính lễ. Tại đây sẽ có các chương trình giao lưu văn nghệ, hát chầu văn, trích đoạn tuồng chèo, chiếu phim video, trưng bày triển lãm lưu động chuyên đề.

Hội bơi thuyền - diễn lại “tích” xưa

Xưa kia lễ hội được mở đầu bằng hội bơi thuyền được tiến hành từ 21 đến 24 tháng Chạp của 4 giáp trong làng. Công việc chuẩn bị được các trai tráng của mỗi giáp tiến hành từ trước đó nửa tháng, bắt đầu từ việc thiết kế, bảo dưỡng đến ngâm ván thuyền, ghép thuyền, nêm chèo, hạ thuyền ngâm nước...

Ngày 21 sau khi cử hành lễ tế tại đền trong, các giáp cho bơi thử thuyền gọi là bơi trai, mỗi thuyền có 30 mái chèo, mỗi giáp cho thuyền của mình dạo quanh trước cửa đền ra lạch rồi quay về.

Ngày 22 tổ chức bơi cướp cọc tiêu ở bờ sông phía Tây đối diện với đền chính, tục gọi là “bơi Cọc”. Đây là một cuộc bơi có sự ganh đua quyết liệt giữa các thuyền để cướp cọc tiêu xuân trong tiếng hò reo cổ vũ vang dội của dân làng. 

Ngày 23 là ngày tổ chức cuộc bơi dọc từ cửa đền Cờn đến hòn Hỏi Vua có trao giải vàng, tục gọi là “23 bơi Giải Vàng”. Đây cuộc bơi diễn ra sôi nổi nhất nhằm đua tài giật giải của thuyền viên bốn giáp.

Ngày 24 có cuộc bơi ngang sông từ cửa đền tới giếng Giá của làng Hữu Lập bên bờ bắc của sông Mai, tục gọi là “24 bơi giếng Giá”. Tuy không treo giải nhưng cuộc bơi này cũng diễn ra không kém phần sôi động. Kết thúc cuộc bơi, nhà đền tổ chức cho các giáp bốc thăm về việc rước kiệu, rước ngai trong ngày chính hội.

Theo như quy định, làng Hương Cần xưa có 4 giáp, mỗi giáp sau khi bốc thăm được rước vị thần nào trong Tứ vị thì giáp đó sẽ được thờ cúng riêng vị thần này cho đến mùa hội năm sau. Sau khi bốc thăm, các giáp làm lễ xin rước ngai - tức thần vị của thần về nhà của giáp trưởng để lập bàn thờ tế lễ và tổ chức hát nhà tơ trong bốn đêm liền cho đến ngày 28 Tết mới nghỉ ngơi chuẩn bị đón năm mới. 

 Nghi thức rước kiệu nơi cửa biển

Hội bơi thuyền ở đền Cờn không chỉ là một hoạt động mang tính chất thể thao mà còn mang ý nghĩa tâm linh - ý nghĩa khai hội được diễn ra sôi động trước cửa đền. Tương truyền hội đua thuyền ở đền Cờn xưa cũng thu hút rất đông dân chúng quanh vùng đến xem và cổ vũ. Đây cũng là một đặc trưng cho lễ hội của cư dân các làng đánh cá ven biển.

Lễ hội đền Cờn được coi như một bảo tàng sống, tồn tại đồng hành và tạo nên ký ức văn hoá của dân tộc, có sức sống lâu bền và lan toả trong đời sống nhân dân, thể hiện nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Lễ hội đền Cờn còn là môi trường bảo tồn những giá trị truyền thống, thông qua đó những giá trị này được giữ gìn, phát triển. Có thể nói, việc bảo tồn, duy trì phát triển những giá tích cực của lễ hội đền Cờn cũng chính là cơ sở nền tảng, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.

Đền Cờn thờ Tứ Vị thánh nương, nữ thần bảo vệ, phù hộ những người làm ăn trên sông nước, đã từng ngầm giúp quân đội nhà Trần rồi nhà Lê vượt biển bình an, chiến thắng Chiêm Thành. Ngày 29/1/1993 đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Thị Nhuần/ langvietonline.vn


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu