A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Nếu Hà Nội có làng kim hoàn Định Công thì khi nhắc đến Thái Bình, người ta không thể không nhắc đến làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Với bí quyết được gìn giữ trong suốt 4 thế kỷ qua, danh tiếng của những sản phẩm tuyệt mỹ, tinh xảo mà nghệ nhân làng Đồng Xâm làm đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, tới nhiều nơi trên thế giới.

Cách thành phố Thái Bình chừng 20 km về phía Đông, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) nằm nép mình bên hữu ngạn dòng Đồng Giang hiền hòa. Đến gần làng, du khách sẽ nghe văng vẳng đâu đó âm vang chạm khắc trong không gian yên bình của đồng quê. Sau tiếng đục, tiếng hàn, là biết bao sản phẩm với hoa văn tinh xảo được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân Đồng Xâm.

 Sản phẩm tinh xảo của làng chạm bạc Đồng Xâm

Làng nghề hoàn kim lâu đời

Tại Đồng Xâm, trẻ con biết cầm búa gò bạc trước khi học chữ, nam nữ thanh niên hầu hết đều thành thạo những kỹ năng của nghề chạm đủ để đi xa lập nghiệp lúc trưởng thành. Trên đất Bắc có 3 địa danh nổi tiếng với nghề truyền thống chạm bạc đó là phố Hàng Bạc, làng Định Công – Hà Nội và làng Đồng Xâm – Thái Bình. Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi nơi một bí quyết riêng để tạo nên hồn cốt, tinh hoa của sản phẩm và khó có thể phân định hơn thua.

Những ghi chép trong sách sử cho biết, làng Đồng Xâm (tên cũ là Đường Thâm) hình thành vào cuối thời Trần-Hồ, cách ngày nay trên 600 năm. Tuy nhiên, nghề chạm bạc ở đây thì về sau mới xuất hiện. Làng hiện còn một am thờ và một tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (thôn Thượng Gia ngày nay). Ðó là một văn bia Tổ nghề được dựng năm 1689. Trên văn bia có ghi: "Hoàng triều Chính Hoà thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu... Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ". (Tạm dịch: Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hoà (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề).

Như vậy nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã tồn tại gần 400 năm nay. Buổi đầu là nghề hàn đồng, gò thùng chậu, đánh dao kéo, chữa khoá, làm quai và vòi ấm tích, điếu bát..., về sau mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc.

Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề là các nghệ nhân từ Đồng Xâm tỏa ra 4 phương, mang tinh hoa đến khắp mọi miền đất nước. Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm đã vào tận Huế để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức cho triều đình. Và cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Do vậy nếu là người trong nghề sẽ có thể nhận thấy những sản phẩm của nghệ nhân phố Hàng Bạc có phảng phất hình ảnh chạm bạc Đồng Xâm, dù rằng những nghệ nhân xưa khi đến kinh kỳ đã tạo nên một phong cách riêng.

 Người thợ ở làng Đồng Xâm luôn tỉ mỉ trong từng sản phẩm

Sản phẩm tinh xảo và độc đáo

Nghề chạm bạc chia ra ba phương thức chế tác chính là chạm, đậu và trơn. Làng Đồng Xâm chuyên về chạm. Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng đủ làm hỏng toàn bộ sản phẩm.

Từ những tấm đồng thô kệch, sau khi định hình thành bát, ấm, chén, chuôi dao… chúng được đặt lên xi (khuôn) để chạm. Các họa tiết khi khắc chìm chạm nổi, lúc giản đơn, tinh tế, nhẹ nhàng, lúc lại cầu kỳ, chi tiết. Đôi bàn tay quen việc, quen nghề nện búa đều thoăn thoắt, để rồi những người thợ như họa sĩ, biến đinh tán, dùi, đục thành chiếc bút lông vẽ nên những tác phẩm của riêng mình.

Công đoạn tiếp theo là dùng bễ xì lửa để tách sản phẩm khỏi khuôn, rồi mạ bạc cho sáng màu và bắt mắt. Hàng chạm bạc Ðồng Xâm có sự chau chuốt, thể hiện sự chuyên nghiệp rõ từ hình khối cân đối, dáng vẻ thanh thoát, điệu nghệ trong từng sản phẩm. Để có được những sản phẩm tinh xảo, vừa lấp lánh ánh kim, vừa mềm mại, tinh tế trong từng đường nét, hoa văn đòi hỏi phải đạt tới trình độ điêu luyện. Chính những đôi bàn tay vàng tỉ mỉ của những người thợ Đồng Xâm đã thổi hồn vào sản phẩm chạm bạc. Thương hiệu của làng nghề cũng nhờ vậy mà có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Dù đã có máy móc hiện đại đỡ được phần nào sự vất vả cho người thợ, nhưng ở làng Đồng Xâm vẫn có những công đoạn nhất định phải do con người thực hiện. Các công đoạn cần sự tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật và đôi mắt thẩm định nghệ thuật, thể hiện đẳng cấp của nghệ nhân cũng chính là những “ngón” nghề riêng mà người làng Đồng Xâm giữ làm “vốn” cho mình. Thậm chí ngày xưa còn trở thành luật lệ, không ai được mang bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác; nếu làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải chịu sự trừng phạt thật nặng.

Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ở các đồ án trang trí tinh vi mà cân đối, lộng lẫy, nổi rõ chủ đề chính, ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc. Ðặc trưng của sản phẩm Ðồng Xâm là sự điêu luyện tế nhị và hoàn hảo tới mức tối đa. Có thể nói rằng tài năng và tính cẩn trọng của nghệ nhân bạc Ðồng Xâm đã và đang có thể đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng. Nhờ vậy, sản phẩm Đồng Xâm không chỉ đáp ứng được nhu cầu của các khách hàng khó tính mà cả những người am tường nghệ thuật.

 Sản phẩm của Đồng Xâm luôn được chăm chút kỹ lưỡng từng chi tiết nhỏ

Làng nghề phát triển giàu mạnh

Nhờ có nghề chạm bạc mà cuộc sống của người dân Đồng Xâm đã được cải thiện đáng kể, để tưởng nhớ công lao của ông tổ nghề - cụ Nguyễn Kim Lâu, người dân ở đây đã lập đền thờ ông và gọi là Đền Đồng Xâm. Hàng năm lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức từ mùng 1-5/4 âm lịch với nghi lễ rước tế rất linh đình và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.

Đã từng có một thời kỳ, giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề chạm bạc Đồng Xâm cũng lâm vào nguy cơ bị mai một. Nhiều gia đình đã phải bỏ nghề truyền thống để chuyển sang công việc mới. May mắn là trong cơn nguy khốn đó vẫn có những người yêu nghề và quyết tâm giữ nghề tổ để hôm nay Đồng Xâm đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ.

Mỗi năm làng nghề tiêu thụ khoảng 300 tấn đồng nguyên liệu, thu về hơn 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Hiện nay, làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có hơn 150 tổ, hộ sản xuất. Nhiều gia đình thu nhập tới hàng trăm triệu mỗi năm. Kinh tế được đảm bảo, những thế hệ người dân trong làng mới có thể yên tâm sản xuất, sáng tạo và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Những người con của Đồng Xâm từ làng ra đi học tập và thành đạt giờ quay về phát triển làng nghề, khắc phục kiểu làm ăn cò con, tự phát, từng bước hình thành lối sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp cho những người thợ Đồng Xâm trong cơ chế thị trường. Thợ bạc Đồng Xâm linh hoạt trong phát triển thị trường nên hầu hết các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam đều xuất hiện sản phẩm chạm bạc của làng thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Chẳng hạn, làng đã vượt qua nhiều ứng cử viên và được chọn "bao tiêu" toàn bộ công trình chạm bạc ở chùa Bái Đính - Ninh Bình. Nhu cầu của thị trường có sự thay đổi, trong những năm trở lại đây, những mặt hàng chế tác đồ đồng được ưa chuộng, trở thành dòng sản phẩm chính của làng.

Sản phẩm của Đồng Xâm hiện nay vẫn duy trì ba dòng sản phẩm chính: Đồ trang sức, mỹ nghệ và đồ thờ cúng. Đồ trang sức gồm rất nhiều loại như: dây chuyền, xà tích, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh, thánh giá… bằng bạc. Mặt hàng được ưa chuộng nhất và đông hộ gia đình làm nhất là đồ thờ cúng, từ các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, ngai, mũ thờ, long lân quy phụng, hộp bánh thánh… Không biết có bao nhiêu công trình kiến trúc tâm linh lớn nhỏ trong cả nước đã đặt hàng những người thợ làng Đồng Xâm. Những người thợ trong làng cũng đi khắp nơi để chế tác và hoàn thiện công trình.

Đồ mỹ nghệ gồm có các mặt hàng như đồng hồ, tranh mặt trống đồng, bộ tranh tứ quý, tranh danh lam thắng cảnh, làng quê Việt Nam, đồ lưu niệm… lại gắn với thế mạnh riêng của từng hộ sản xuất. Tuy không phải mặt hàng phổ biến nhưng lại độc đáo, thường trở thành quà tặng sang quý hoặc món đồ lưu niệm mà khách du lịch quốc tế ưa chuộng. Đặc biệt, những mặt hàng mang thương hiệu chạm bạc Đồng Xâm này cũng có mặt tại điểm du lịch lớn trong vùng hoặc được bán trên mạng internet cho khách hàng khắp nơi.

Nhờ tài năng và sự sáng tạo, làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm được Trung ương hội Làng nghề Việt Nam công nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.

Nếu có dịp về quê hương của chị Hai năm tấn, du khách sẽ không chỉ được ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay, thưởng thức đặc sản bánh cáy, kẹo lạc ngọt bùi mà còn có thể thăm quan làng nghề Đồng Xâm, tận mắt tìm hiểu quá trình chạm khắc ra sản phẩm và mua một món quà tinh xảo làm kỷ niệm.

Thanh Trúc (Tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu