A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Năm 2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi - hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Trong quá trình phát triển, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng này vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng về sức khỏe, tài lộc, may mắn – những ước muốn vĩnh hằng của con người.

Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.

Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp…; Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số; Mẫu Thoải trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.

Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao… Điều đó thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Tại Lễ đón Bằng công nhận danh hiệu của UNESCO tại Nam Định, ngày 2/4/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, được cộng đồng sáng tạo trao truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người và thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội. Các thực hành trong tín ngưỡng còn phản ánh sự tích hợp nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, dung hòa sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nên một bức tranh đa màu sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc”.

Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nêu rõ: Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, phải có những hành động thiết thực nhằm định hướng bảo tồn và phát huy bền vững những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, ngăn chặn các hiện tượng biến tướng, mê tín dị đoan, lãng phí trong thực hành di sản.

Xuân Minh (tổng hợp)



 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu