A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế

Là hệ thống di sản nằm trong di sản và thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của xứ Huế, năm 2016, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 Thơ văn được khảm cẩn ngà voi và xương ở nội thất Điện Long An

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế giai đoạn 1802-1945 gồm những áng văn thơ tinh túy nhất được tuyển chọn từ sáng tác của các vị hoàng đế, thân vương triều Nguyễn. Những tác phẩm này được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép, tráng men, sơn son thếp vàng, đắp nổi trên nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ…, tạo nên bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử.

Văn thơ trên kiến trúc Cung đình Huế thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau, nhưng tựu trung ở các chủ đề chính: ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất; ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm; khuyến khích nông nghiệp, chia sẻ nỗi niềm với người dân...

Thơ văn trên kiến trúc Cung đình thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được. Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn, câu đối… và không cố định số chữ. Thư pháp và cách thể hiện vô cùng phong phú, đủ cả 4 loại hình chân, thảo, triện, lệ… và được xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên Điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau… Theo nhiều nhà nghiên cứu, hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Trải qua một thời gian dài với sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và con người, Cố đô Huế còn bảo lưu được một khối lượng rất lớn thơ văn trên các di tích kiến trúc này. Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc Cung đình Huế như ở Hoàng Thành, Điện Thái Hòa, Thế Miếu, Hưng Miếu, Triệu Miếu, các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh... còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đây thật sự là một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.

Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy. Số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa của Việt Nam.

Pháp Lam (tổng hợp)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu