A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thánh địa Mỹ Sơn: Dấu tích của một nền văn hóa Chăm hưng thịnh

Mang ý nghĩa và giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng Đông Nam Á. Trước những giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa cần phải được bảo vệ vì lợi ích của cả nhân loại, ngày 4/12/1999, Thánh địa Mỹ Sơn đã được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của UNESCO.

 Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ. Nơi đây chứa đựng hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, là kết tinh của những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong suốt chiều dài 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII). Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề, nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.

Xưa kia, Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo của Vương quốc Chămpa, ghi dấu sự tập trung của vương quyền và thần quyền của Vương quốc trong gần 1000 năm. Đây là nơi làm lễ thánh tẩy, dâng cúng lễ vật của những vị vua sau khi lên ngôi. Các vị vua đã cho xây dựng, dâng lên các vị thần những đền tháp tuyệt mỹ, cũng là cách để ghi công đức của mình. Các đền tháp thể hiện sự đa dạng trong phong cách kiến trúc nhưng nhìn chung đều ở tư thế cao vút, biểu trưng cho sự vĩ đại và thanh khiết của ngọn núi Mêru, nơi cư ngụ của các vị thần và là trung tâm của vũ trụ.

 Kỹ thuật điêu khắc trên gạch của người Chăm

Những di tích của Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn là những công trình quan trọng nhất của nền văn hóa Chămpa cổ. Cấu trúc đền tháp ở Mỹ Sơn được chia thành nhiều cụm, xây dựng theo cùng một nguyên tắc. Kết cấu mỗi cụm gồm có một ngôi đền thờ chính, xung quanh là những ngôi tháp nhỏ hoặc công trình phụ. Mỗi cụm này đều có tường bao quanh, có sân và đường đi nối các tháp với nhau. Mỗi tháp có chức năng riêng, trong đó ngôi đền chính tượng trưng cho núi Mêru, các đền phụ thờ các vị thần trông coi hướng trời.

Cửa chính của tháp chính phần lớn quay về hướng Đông (hướng về thần linh). Một vài tháp lớn chính có thêm cửa hướng Tây. Trước mặt đền thờ chính (KaLan) là một tháp cổng (Gopura) với cấu trúc nhỏ của hai cửa thông nhau: một cửa về hướng Đông, một cửa hướng vào đền chính, nối tiếp với tháp cổng thường là căn nhà dài (Mandapa) có mái lợp ngói, bên trong rộng rãi vốn là nơi đón khách hành hương và tiếp nhận lễ vật cũng như cử hành các vũ điệu trong các lễ cúng hiến cho thần linh.

Điều bí ẩn của kiến trúc các công trình này là hầu hết trong số đó được kết cấu bằng gạch nung với trụ đá và trang trí bằng những phù điêu sa thạch. Chúng được xếp khít với nhau và đến ngày nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính.

Thánh địa Mỹ Sơn cũng là nơi hiếm hoi còn lưu lại kỹ thuật điêu khắc trên gạch của người Chăm. Điểm nổi bật của nghệ thuật điêu khắc Chăm là nó thể hiện sức sống mãnh liệt của con người với nội tâm lúc bay bổng sảng khoái, lúc trầm tĩnh ưu tư, lúc trăn trở day dứt... Các mô típ trang trí hoa văn trên các trụ đá cùng với những tượng tròn và phù điêu sa thạch được chạm khắc dựa theo các thần thoại Ấn Độ giáo, kết hợp hài hòa với những mô típ chạm trổ tinh xảo trên các mảng tường gạch ngoài tháp đã tạo cho quần thể đền tháp Mỹ Sơn vẻ đẹp sinh động, mang những nét đặc trưng nhất của phong cách nghệ thuật Chămpa.

Phong phú nhất trong kho tàng văn hóa Chăm ở Mỹ Sơn là hệ thống tượng thần, tu sĩ, hoa văn trang trí cỏ cây, muông thú. Tất cả được sáng tạo tỉ mỉ, cần mẫn, thể hiện niềm tin rằng thiên nhiên và vũ trụ là sự giao hòa, đồng nhất. Cùng với đó cấu trúc đền thờ, không gian hành lễ ghi dấu những nghi thức tôn giáo, thờ cúng, mang đậm tính sùng kính thâm nghiêm nhưng vẫn vô cùng khoáng đạt, đại diện cho tâm hồn văn hóa Chăm.

 Đại diện cho nền văn hóa Chămpa cổ

Mặc dù trên tổng thể, Thánh địa Mỹ Sơn sở hữu hơn 70 kiến trúc đền tháp nhưng đến nay, con số đó chỉ còn lại gần 20. Những thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết cùng với những năm tháng chiến tranh đã làm cho Khu di tích Mỹ Sơn xuống cấp trầm trọng. Để gìn giữ những nét văn hóa Chăm độc đáo cho muôn đời sau, Nhà nước đã cho tiến hành trùng tu, bảo tồn Khu di tích Mỹ Sơn. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020. Gần đây nhất, từ tháng 3-5/2017, nhóm chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp với Ban Quản lý triển khai Dự án khai quật và trùng tu khu tháp K, H tại Khu di tích Mỹ Sơn.

Sự tác động của môi trường ngày một khắc nghiệt do biến đổi khí hậu toàn cầu, như lũ cục bộ tại di tích vào các tháng mùa mưa, hay nắng nóng khắc nghiệt đang gây nên nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn và trùng tu khu di sản. Vì vậy, sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân có chuyên môn nghiên cứu trong công tác trùng tu di tích là vô cùng cần thiết. Các chương trình hành động ưu tiên những năm tới cho công cuộc bảo tồn và phát huy di sản cũng đang được tích cực đẩy mạnh/.

Hồng Trà

(tổng hợp)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu