A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghe trong nắng xuân có chút hương vị quê nhà

Trong những ngày đầu năm, được thưởng thức bánh tráng quấn kèm rau sống, thịt ba rọi luộc... chấm cùng mắm tép chua chua, cay cay đã giúp tôi quên đi cảm giác ngán thịt kho, bánh mứt của những ngày xuân.

Mắm tép thịt luộc 

Ông xã đi công tác ở miền Tây mang về lủ khủ quà nào là đu đủ xanh, bầu non, khóm... cùng mớ cá chốt, cá sặc, cá linh và cả mấy hũ mắm tép rong đỏ au tươi ngon. Tôi khệ nệ ôm mớ đồ vào nhà mà lòng chợt nhớ quê da diết, bởi lâu rồi tôi không được thưởng thức mắm tép rong do chính tay má làm từ khi sức khỏe của má yếu hẳn.

Quê tôi ở miền Tây, vào mùa nước nổi, cá tép tràn lên ruộng và đến khi nước rút cũng là lúc chúng rủ nhau dồn hết xuống sông, đìa. Ngày đó, mỗi khi ba tôi rút nước ra khỏi ruộng để chuẩn bị sạ lúa, những con tép rong theo nhau xuống đìa, nổi lờ đờ trên mặt nước. Vậy là chị em chúng tôi tha hồ dùng rổ xúc tép mang về ăn. Những bữa ăn nghèo có thêm mấy con tép rong cháy tỏi, tép nấu canh bầu hoặc nấu canh chua với đậu rồng… vậy mà ngon đáo để.

Ngày ấy, tép nhiều quá, má tôi liền nghĩ ra cách chế biến thành những món ăn để dành trong những lúc túng thiếu. Ngoài tép rong phơi khô để nấu canh, má còn làm mắm tép vì theo má, có hũ mắm tép trong nhà, chỉ cần hái mấy trái đậu rồng, vài đọt cải trời chấm cùng mắm là đã có bữa cơm đạm bạc. Cũng nhờ vậy mà tôi học được cách chế biến món mắm tép rất công phu và cầu kỳ của má lúc ở quê nhà.

Những con tép rong xúc lên còn nhảy xoi xói được má tôi rửa sạch, để ráo nước. Má sai tôi qua nhà thím Ba mua ít rượu trắng và kêu thằng em tôi ra sau vườn đào mấy củ riềng, hái vài trái ớt chín. Khi tôi loay hoay xắt tỏi, riềng, giã ớt thì má đã cho tép vào thau, rửa lại lần nữa với rượu trắng và vớt ra để ráo. Má cẩn thận trộn riềng, ớt, tỏi vào tép.

Hũ thủy tinh được má tôi rửa sạch, đem phơi nắng cho thật khô mới cho tép đã trộn vào. Kế đến má nấu nước mắm ngon và đường (theo tỉ lệ 1 chén mắm, 1/3 chén đường) đến khi dung dịch sôi lên, hòa tan thì tắt bếp để nguội. Sau cùng má mới cho hỗn hộp nước mắm đường vào hũ mắm tép. Má cũng không quên lấy nan tre gài cho thật chặt hũ mắm để tép không nổi lên trên mà thấm đều gia vị. Má đem hũ mắm ra phơi nắng từ 15-20 ngày là mắm chín.

Ngày đó, nhìn hũ mắm tép đỏ au của má mà anh em chúng tôi ai cũng thèm thuồng. Nhưng má không cho chúng tôi ăn ngay mà thường để dành cho những ngày Tết. Tôi còn nhớ cứ vào khoảng mùng 2 Tết khi cả nhà đã tề tựu đông đủ, má dọn mắm tép cùng rau sống, thịt luộc cho cả nhà thưởng thức. Trong những ngày đầu năm, được ăn bánh tráng quấn kèm rau sống, thịt ba rọi luộc... chấm cùng mắm tép chua chua, cay cay đã giúp tôi quên đi cảm giác ngán thịt kho, bánh mứt của những ngày xuân.

Còn chưa đầy 2 tuần nữa là Tết đến, tôi lại nôn nao được trở về quê, được thưởng thức mắm tép của má. Mà mấy năm nay, do tuổi cao, sức yếu nên má không thể tự tay chế biến mà đã truyền bí quyết làm mắm lại cho chị tôi. Và tôi biết dù chị đã cố gắng hết sức trong khâu chế biến nhưng hũ mắm của chị không ngon như mắm mà má từng làm.

Ngoài sân, nắng xuân ấm áp đã về, những cành mai đã đơm hoa kết nụ. Tôi mường tường ra cảnh ngày đầu năm cả gia đình đoàn tụ bên nhau với món thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm tép ngày nào.

Thanh Vân/ Báo Người Lao động


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu