Nghệ thuật trang trí khăn “Piêu” của người Thái ở Điện Biên
Nghệ thuật thêu hoa văn trên khăn piêu |
Piêu được cắt từ một sải vải trắng nguyên khổ dệt từ sợi bông. Vải được chọn làm piêu là những tấm vải sợi nhỏ, đều, mặt vải mịn màng. Từ tấm vải trắng mới dệt xong, họ cắt rời thành từng chiếc piêu rồi đem nhuộm chàm. Những chiếc piêu thường có độ dài khoảng 150cm, rộng từ 30cm đến 40cm. Để những chiếc piêu có được màu đen ngả tím than, sau khi nhuộm chàm xong, người ta nhúng khăn vào nước vỏ cây hoa ban hoặc nước củ nâu. Công việc này gọi là láng. Chiếc khăn đã qua bước láng sẽ bền màu hơn và có được màu sắc lý tưởng của chiếc khăn piêu.
Các hoa văn trang trí ở hai đầu khăn được người phụ nữ thêu bằng chỉ màu với lối thêu luồn chỉ màu đan vào mặt vải. Lối thêu này gọi là xéo. Chỉ để thêu được làm bằng sợi tơ tằm được nhuộm nhiều màu khác nhau như màu xanh lá cây, đỏ tươi hay đỏ sẫm, màu tím, màu vàng hay màu hồng, màu trắng. Muốn có chiếc piêu đẹp phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật của người thêu. Nguyên tắc thêu piêu là luồn sợi chỉ màu đan vào nền vải đen.
Khi thêu khăn, người phụ nữ thường bắt đầu từ mảng hoa văn chủ đạo ở giữa đồ án rồi mới thêu dần ra xung quanh. Người ta thêu khăn từ mặt trái của khăn, khi hoàn thành sắc độ của mặt trái sẽ nhạt hơn mặt phải. Hoa văn khăn piêu vô cùng phong phú bởi trên đồ án hoa văn khăn piêu được trang trí kết hợp nhiều kiểu hoa văn khác nhau. Các hoa văn hoa văn không gây cảm giác rối mắt mà trang trí theo những hàng, lớp và có quy luật nhất định. Nguyên tắc chủ đạo của phong cách trang trí hoa văn khăn piêu là nguyên tắc đối xứng.
Piêu của người Thái ở huyện Điện Biên được trang trí với phong cách nghệ thuật thêu thoáng. Hoa văn piêu thường được bố cục bởi những đoạn thẳng cặp ba (tín xáo) chạy song song (cứ ba đoạn thẳng cách đều nhau tạo thành một tuyến, chia diện tích ở đầu piêu thành những bộ phận đều hoặc đối xứng nhau qua trục dọc của toàn bộ khăn). Trên một chiếc piêu cụ thể, đồ án hoa văn trang trí được chia thành những khu vực đều nhau. Đó là sáu hình chữ nhật được tạo bởi sáu cặp đường thẳng kiểu bộ ba. Bốn cặp đường thẳng chạy từ hai mép khăn theo chiều ngang với độ dài một phần ba mép khăn. Hai cặp ba còn lại chạy từ mép đầu khăn theo chiều dọc của khăn vào giữa. Ở mỗi đoạn thẳng song song trong các bộ cặp ba đó có hai sợi chỉ màu chạy sát hai bên.
Hai góc phía cuối đầu khăn thêu hai hình hoa văn chữ thập. Có người thêu piêu theo phong cách các đoạn thẳng song song chia đồ án ra nhiều diện tích, các bộ phận nhỏ ở trung tâm có thể thêu hoa văn hình hoa bầu (bó mạy), đầu khăn thêu hình sao tám cánh (hoa bí), hoặc có thể thêu hình rồng, thuồng luồng, rắn... Nhìn chung đồ án hoa văn piêu của người Thái Điện Biên với phong cách thoáng với những nội dung đồ án như muốn tái hiện một phần cuộc sống thực tế. Nền chàm của piêu gợi cho ta liên tưởng tới nền đất chứa bên trong những mầm sống, trên đó là những động vật như rắn, rồng, thuồng luồng...; thực vật như hoa bầu, hoa bí...sinh sống, những đoạn thẳng song song chạy từ mép piêu vào trung tâm như những rễ cây bắt nguồn từ đất để tạo nên các chùm cút piêu.
Hoa văn trang trí trên piêu có các loại: thông dụng và phổ biến nhất là hoa văn móc câu, dùng để trang trí trong các khoang ô vuông đồng tâm; hoa văn hình răng cưa, được ghép bằng cách nối hai góc của nhiều tam giác nối tiếp nhau, dùng để trang trí đường diềm vành ô vuông ngoài cùng. Hoa văn hình tam giác còn được vận dụng ở nhiều cách trang trí khác nhau: hai hình tam giác đối đỉnh nhau tạo thành hoa văn rau cỏ bợ (phắc ven), hai hình tam giác đối cạnh nhau tạo thành hoa văn hình quả trám (mák cưởm),... Những hoa văn do hình tam giác tạo nên thường được trang trí ở vành ô vuông xen với các vành hoa văn khác. Cũng có khi những hoa văn hình tam giác này được dùng để trang trí chủ đạo cho khăn piêu.
Ngoài các hoa văn trên, còn có: hoa văn đồng tiền vuông thủng giữa, thường được dùng trang trí ở vành ngoài nêm piêu (chim piêu); hoa văn hình sao 6 cánh hoặc 8 cánh với nhiều biến dạng khác nhau được gọi là hoa văn hoa bí, thêu bằng chỉ màu trắng; hoa văn hình sao (boók ứk) thường được trang trí ở trung tâm, hoặc trang trí điểm xuyết vào khoảng giữa; hoa văn kén tằm (lót bổng) thường dùng trang trí ở vành nêm piêu và xen kẽ với các băng hoa văn móc câu.
Hoa văn trạc cây cũng được sử dụng trang trí nhiều ở khăn piêu. Hình họa của hoa văn này bao gồm một thân cây ở giữa, các cặp cành cây mọc đối xứng hai bên. Ở phần chót của cành cây thường là các hình hoa hoặc hình quả được cấu tạo từ hình trám hay ô vuông nhỏ.
Như vậy, đặc trưng hoa văn khăn piêu là việc sơ đồ hóa các hình tượng được thể hiện. Qua cách điệu bằng đôi nét hình họa cũng đã phản ánh được những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống lao động và thiên nhiên xung quanh.
Ngoài ra piêu còn được trang trí bằng cóp piêu, hu piêu và cút piêu. Cóp piêu là dải vải màu (thường là vải màu đỏ) dùng viền thêm vào cạnh bốn góc vuông ở hai đầu khăn. Cóp piêu có độ dài chỉ vừa bằng chiều dài đồ án hoa văn. Khi viền đến các góc vuông ở đầu khăn, người ta chừa một phần dải vải cóp piêu để tết thành tai piêu (hu piêu). Tai piêu trông tựa một bông hoa ba cánh tròn xòe ra từ đỉnh góc vuông ở đầu khăn. Một số người còn thích đính thêm những túm chỉ màu vài tai piêu làm tua thêm sặc sỡ.
Trên nền cóp piêu chị em đính thêm các chùm cút piêu. Số lượng chùm cút piêu nhiều hay ít tùy thuộc vào sở thích người thêu khăn. Nhưng số lượng cút piêu trong một chùm lại do mục đích làm khăn piêu quy định. Những chiếc khăn dành tặng nhà chồng có số lượng cút nhiều hơn chiếc piêu dùng thường ngày. Thông thường, số cút piêu để dùng chỉ có hai hay ba cút, còn khăn để làm tặng phẩm thì số lượng cút piêu phải có từ ba trở lên. Chính vì thế dân gian Thái có câu:
“Piêu ba cút dành bác, bá
Piêu năm cút để tặng thím chồng”.
Nhìn tổng thể bố cục trang trí trên piêu, chúng ta có thể thấy sự tính toán, sắp xếp khéo léo và chính xác các hình họa hoa văn của người làm khăn piêu. Tuy kết hợp nhiều hoa văn trang trí song không rối mắt mà rất cân đối, hài hòa. Các hình họa và hoa văn không lấn át nhau mà tôn nhau nổi lên, có chính, có phụ rõ ràng.
Tuệ Linh (Làng Việt)