A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp sau những ngôi nhà gạch đất của người Tày ở Bình Liêu

Nhà gạch đất của người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một yếu tố văn hóa còn giữ được khá nguyên gốc những giá trị vốn có. Dưới mái nhà, người Tày gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa của dân tộc mình…

Kiến trúc kết cấu từ cây, đất và đá

Người Tày có câu Hết kên ngòi mò mả, ngài dú thả tì lườn (làm ăn xem phần mộ, ở tốt xem nền nhà), ý nói việc chọn đất làm nhà rất quan trọng. Ở Bình Liêu, các bản làng người Tày tập trung dưới chân núi, ở các thung lũng. Họ thường chọn nơi đất bằng phẳng, cao ráo, gần nguồn nước, gần ruộng vườn để xây nhà. Kiến trúc nhà đặc trưng bởi được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên là cây, đất và đá.

Móng nhà làm bằng đá lấy từ các bãi đá ở bờ sông. Người ta chọn những hòn đá vuông vức, vừa với chiều rộng của móng nhà để lấy về xây móng.

Cận cảnh ngôi nhà xây bằng gạch đất của anh La Văn Thủ, thôn Ngàn Mèo Dưới, xã Lục Hồn *Bình Liêu). 

Gạch xây nhà lấy từ bùn ở ruộng. Sau khi gặt lúa vụ mùa xong, người ta thả nước vào ruộng ngâm thật ngấu, sau đó dùng trâu để trục đất cho nhuyễn, đóng từng viên theo khuôn làm ra đủ số gạch cần cho việc xây nhà. Không dùng vữa như xây nhà bằng gạch nung của người Kinh, người Tày gắn kết các viên gạch làm từ đất ruộng bằng chính bùn ở ruộng được nhào thật nhuyễn. Toàn bộ xà, cột (cả những chiếc đinh) đều được lấy từ gỗ, tre, nứa ở trong rừng, hoặc nhà trồng được.

Nhà đất được lợp bằng ngói âm dương - loại ngói được làm từ đất sét đỏ. Sau khi được đúc từ khuôn, những người thợ có kinh nghiệm nung ngói trong 3 ngày đêm liền. Bằng kinh nghiệm, họ biết được khi nào thì ngói đạt đến độ bền, lúc đó gạch có màu nâu.

Dựng nhà bằng sức mạnh cộng đồng

Đúng ngày, giờ đã chọn, gia chủ sắp lễ và thầy cúng tiến hành làm lễ đào móng, dựng cửa chính. Với sự giúp sức của mọi người, gia chủ dựng được khung cửa nhà chính lên, thầy cúng cắm các lá bùa khắp bốn góc nhà để tránh sự quấy phá của ma xấu. Sau đó mọi người mới tiến hành đào và xây móng.

Công đoạn xây gạch là lúc cần rất nhiều nhân lực. Lúc này, các gia đình trong bản và bà con họ hàng ở bản khác sẽ đến giúp xây nhà. Người gánh gạch, người vác cây, người nhào đất, người nấu ăn... Mỗi người một việc để giúp gia chủ hoàn thiện ngôi nhà trong thời gian ngắn nhất. Chính vì thế, xây nhà cũng là lúc thể hiện rõ tính cố kết cộng đồng của đồng bào Tày. Người đến giúp không đòi hỏi chủ nhà phải thết đãi thịnh soạn. Chủ nhà có gì dùng nấy, nếu thiếu rau củ thì nhà nào có sẽ mang đến góp trong những ngày xây nhà.

Nét đẹp tục lên nhà mới

Chọn được ngày vào nhà mới (khẩn lườn mấư), chủ nhà sắp lễ để thầy mo làm lễ thông báo với tổ tiên, gia chủ đem lửa từ bếp cũ (hoặc lửa từ gia đình của bố mẹ, nếu là tách ra ở riêng) vào gian giữa của ngôi nhà và chất củi đốt, giữ lửa cháy ít nhất ba ngày. Đồng thời, cũng mang theo thùng nước để đun nước mời họ hàng. Người Tày có câu Nặm hết đây, phày hết mạc (nước làm nên tốt lành, lửa làm nên tốt đẹp), lấy lửa và nước vào nhà mới đầu tiên với ý đốt đi những gì xấu, chỉ còn lại những điềm lành, mát mẻ như nước.

Kinh tế xã hội phát triển, những ngôi nhà gạch đất ở Bình Liêu đang ngày càng ít đi

Những người đến chung vui ngày lên nhà mới là những người đã tham gia giúp các công việc để xây dựng được ngôi nhà. Không dưng mà người Tày nói Bản tẩư mà thư, bản nư mà chòi (bản dưới đến giúp, bản trên lại đỡ), đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau mộc mạc, chân tình khi người trong bản có việc. Đây là dịp để gia chủ cảm ơn những người đã giúp đỡ mình để xây dựng được ngôi nhà mới. Người đến mừng mang theo chai rượu, lon gạo hay tặng những đồ dùng cần thiết như xô, chậu, bát, đĩa… cùng những lời chúc tốt đẹp để mừng cho gia chủ đã xây được ngôi nhà mới.

Có thể nói, một ngôi nhà mới của người Tày được hình thành hoàn là những vật liệu thiên nhiên từ đất, cây và đá cùng với tình người chân chất mộc mạc, sẵn sàng giúp nhau trong cộng đồng. Qua việc giúp đỡ nhau xây nhà, tình cảm của những người trong bản làng lại thêm khăng khít. Đó là một cách nuôi dưỡng tình cảm của tộc người Tày ở Bình Liêu, là cách để gìn giữ tinh thần cố kết cộng đồng ở vùng biên cương này.

Tô Đình Hiệu/ Báo Quảng Ninh


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu